Ngày bầu cử - ngày hội lớn của toàn dân
Hà Nội quyết tâm tổ chức thành công cuộc bầu cử Cử tri Hà Nội gửi trọn niềm tin và những kỳ vọng Hà Nội: Tập trung cao độ và toàn lực để đảm bảo tổ chức thành công cuộc bầu cử |
Vào ngày 23/5 năm nay, ngày bầu cử sẽ tiếp tục đánh dấu chặng đường mới của Quốc hội Việt Nam. Việc tiến hành bầu cử đúng quy định của pháp luật, sự nghiêm túc, sáng suốt của cử tri sẽ giúp chọn ra người đại diện xứng đáng, được Nhân dân ủy thác vào cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước.
Trang trí hình Quốc huy trước Nhà hát Lớn |
Trong lịch sử 75 năm, Quốc hội Việt Nam trải qua 14 khóa nhưng ấn tượng và ý nghĩa là cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên vào năm 1946 ngay sau thời điểm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và cuộc tổng tuyển cử thống nhất hai miền đất nước năm 1976.
Chúng ta cùng điểm lại những tiến trình dân chủ mà Việt Nam đã đạt được thể hiện qua sự phát triển của Quốc hội Việt Nam và những kỳ bầu cử.
Ngày 4/7/1776, Hợp chủng quốc Hoa Kỳ ra đời và có vị tổng thống đầu tiên nhưng tới năm 1920, phụ nữ tại quốc gia này mới được thực hiện quyền đi bầu cử của mình. Còn đối với người da đen, phải tới năm 1965, họ mới thực sự được đi bầu cử. Còn tại Châu Âu, dù có lịch sử lâu đời nhưng nhiều quốc gia chấp nhận quyền bầu cử cho phụ nữ khá muộn, như Anh năm 1928, Tây Ban Nha năm 1933, Pháp năm 1944, Italia năm 1945, Hy Lạp năm 1952, thậm chí như Thụy Sỹ tận năm 1971 phụ nữ mới được hưởng quyền này.
Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử Quốc gia Nguyễn Thị Kim Ngân bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV tại khu vực bỏ phiếu số 4, phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình (Hà Nội) vào năm 2016 |
Trong khi đó, tại Việt Nam, chỉ 4 tháng sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, toàn dân Việt Nam trên 18 tuổi, không phân biệt nam nữ, đảng phái, tôn giáo đã được tham gia bầu cử. Từ thân phận nô lệ dưới ách thống trị của thực dân Pháp, người dân Việt Nam đã tự tin cầm lá phiếu để bầu người đại diện cho mình trong Quốc hội.
Ông Nguyễn Đình Quyền, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đánh giá: “Trải qua các cuộc cách mạng giành độc lập dân tộc thì quá trình xây dựng, tổ chức và thực hành dân chủ Việt Nam có những đặc điểm riêng. Chúng ta không có mô hình mẫu tối ưu, có sẵn để học tập, để áp dụng mà chúng ta vừa làm vừa rút kinh nghiệm để từng bước hoàn thiện phù hợp với ý chí và nguyện vọng của cử tri và Nhân dân, phù hợp với tiến trình phát triển kinh tế xã hội trong mỗi giai đoạn của đất nước. Trong quá trình này, chúng ta có tham khảo, chọn lọc kinh nghiệm của các nước trên thế giới về tổ chức dân chủ. Chính vì vậy, nền dân chủ Việt Nam, bên cạnh những đặc thù thì chúng ta đã đạt được những nguyên lý cơ bản của dân chủ trên thế giới”.
Cử tri phường Điện Biên, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội khóa IX, ngày 19/7/1992 |
Ông Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, người tham gia rất nhiều các kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội nhưng để lại ấn tượng sâu đậm nhất đối với ông là kỳ bầu cử sau ngày thống nhất non sông: "Tôi còn nhớ, đó là ngày 25/4/1976, lúc đó tôi còn đang là quân nhân. Lúc bấy giờ, tôi đi bầu cử ngay trong đơn vị quân đội nên đối với những người vừa trải qua chiến tranh như chúng tôi đều cảm thấy rất xúc động trong ngày ý nghĩa đó. Với lứa thanh niên gác bút nghiên ra tiền tuyến thì ai cũng muốn giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Kỳ bầu cử đó đặc biệt ấn tượng bởi vì nó diễn ra sau khi đất nước đã được thống nhất mà thống nhất ở đây trên phương diện pháp lý, được cả thế giới công nhận. Một điều ấn tượng nữa với tôi là nhớ đến những đồng đội đã hy sinh để giành được độc lập cho Tổ quốc mà ngày được chứng kiến thì họ lại không có mặt”.
Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa I năm 1946 chứng kiến một cảnh tượng chưa từng có trong lịch sử khi lần đầu tiên các đại biểu của Nhân dân chất vấn Chủ tịch Hồ Chí Minh và các thành viên chính phủ. Báo chí thời đó mô tả, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói trước diễn đàn: “Sáng nay chính phủ nhận được 62 câu hỏi. Nửa tiếng đồng hồ lại nhận thêm được 26 câu hỏi nữa. Tất cả 88 câu. Chính phủ trước hết xin cảm ơn Quốc hội vì đã tỏ rõ Quốc hội hết sức quan tâm với các vấn đề của Quốc gia… và sự chất vấn này có thể biểu lộ được rõ ràng tinh thần dân chủ thật thà của nước Việt Nam…”.
Cuộc họp kéo dài tới tận khuya và có nhiều câu hỏi liên quan đến sự tồn vong của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tuy nhiên, Chủ tịch Hồ Chí Minh không né tránh câu hỏi nào.
GS.TS Phạm Hồng Tung, Viện trưởng Viện Việt nam học và Khoa học Phát triển, ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết: “Ngay từ những phiên họp đầu tiên của Quốc hội khóa I đã có nội dung tranh luận, chất vấn trong quá trình Quốc hội đi đến những quyết định của mình, đã xác lập một truyền thống thật sự dân chủ, thật sự trách nhiệm với quyền lực mà Quốc hội được Nhân dân ủy thác. Đến bây giờ, chất lượng của các cuộc chất vấn đã đạt được ở mức rất cao, tiếp nối truyền thống đã được khai sáng từ những phiên họp đầu tiên của Quốc hội khóa I”.
Theo thời gian, qua 14 khóa, đến nay hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội đã có nhiều đổi mới. Kỳ họp giữa năm 1994 của Quốc hội khóa IX, lần đầu tiên Đài Tiếng nói Việt Nam và Truyền hình Việt Nam đã phát thanh, truyền hình trực tiếp các phiên chất vấn và trả lời chất vấn, thu hút sự quan tâm đặc biệt của cử tri và Nhân dân. Chuyện chất vấn không còn mang tính nội bộ nữa mà trở nên công khai, minh bạch, được Nhân dân theo dõi, giám sát, qua đó ngày càng trở nên hiệu quả hơn. Nhiều câu hỏi thẳng thắn, gai góc đa dạng được đặt ra trên nghị trường. Đặc biệt, từ Quốc hội khóa XIV, những tấm biển đăng ký quyền tranh luận đại biểu được giơ cao trước hội trường, thể hiện bản lĩnh và trách nhiệm của người đại diện trước những vấn đề bức xúc và sự kỳ vọng của cử tri. Một bước tiến quan trọng khi Quốc hội chuyển từ tham luận sang tranh luận. Sau các phiên chất vấn, nhiều vấn đề tồn tại, bất cập trong thực thi chính sách đã tìm kiếm được giải pháp tháo gỡ. Các ngành, các lĩnh vực có chuyển biến mạnh mẽ sau đó.
Thông qua những lá phiếu mà đằng sau đó là sự sáng suốt, cân nhắc kỹ lưỡng của từng cử tri để chọn ra người có đức, có tài, Quốc hội Việt Nam đã có sự thay đổi cả về chất và lượng. Trong lịch sử 75 năm, Quốc hội Việt Nam đã có những bước tiến thật sự mạnh mẽ trên nhiều mặt và đáng chú ý là tính chuyên nghiệp trong hoạt động Quốc hội. Điều này có thể thấy qua sự xuất hiện của ngày càng nhiều đại biểu có năng lực trên nhiều lĩnh vực, có vốn kiến thức xã hội và quan trọng hơn là sự toàn tâm, toàn ý để thực hiện chức trách của người đại biểu Nhân dân.