Nghị định 100 phát huy hiệu quả, tai nạn giao thông do "ma men", ngộ độc rượu giảm hẳn
Một ca tai nạn giao thông nhập viện Thanh Nhàn nhưng không do nguyên nhân từ rượu, bia
Bài liên quan
"Giải mã" các thiết bị đo nồng độ cồn, kẹo giải rượu
Đảm bảo cấp cứu và điều trị người bị tai nạn giao thông trong dịp Tết
Tính đúng đắn và kịp thời của Nghị định 100!
Vĩnh Phúc: Say rượu, tài xế Mazda3 gây tai nạn liên hoàn
"Đệ tử Lưu Linh" nhập viện cấp cứu do tai nạn giao thông giảm hẳn
Mọi năm vào những dịp trước và sau Tết Nguyên đán, nhân viên y tế, bác sĩ tại các bệnh viện đều hoạt động hết công suất, cấp cứu các bệnh nhân tai nạn giao thông do sử dụng bia rượu, say xỉn sau mỗi cuộc liên hoan, tụ tập, chúc Tết.
Tuy nhiên, kể từ khi Nghị định 100 có hiệu lực, tại nhiều bệnh viện như Việt Đức, Xanhpôn, ĐH Y Hà Nội... dù chưa thống kê đầy đủ nhưng tình hình chung bệnh nhân tai nạn giao thông do rượu, bia hay các ca đánh nhau sau khi uống rượu, bia phải nhập viện giảm đáng kể.
Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức kể từ ngày 1 đến ngày 7/1/2020, tổng số bệnh nhân tai nạn giao thông nhập viện là 305 ca, trong đó tỷ lệ bệnh nhân có nồng độ cồn ethanol trong máu là 46, giảm nhẹ (3 trường hợp) so với cùng kỳ năm ngoái.
Dù vậy, các bác sĩ tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cũng nhận định, Nghị định 100 đã có tác dụng tích cực trong việc giảm tai nạn giao thông do rượu, bia.
Còn theo Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội, trước đây, trung bình mỗi ngày trung tâm tiếp nhận khoảng 90 ca cấp cứu, trong đó 20% là tai nạn do lái xe sử dụng rượu bia, có nồng độ cồn. Tuy nhiên, từ ngày 1-6/1, bệnh nhân tai nạn giao thông do lái xe có nồng độ cồn giảm còn 8%.
ThS Vũ Xuân Hùng, Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết, trung bình một ngày, khoa khám cấp cứu 100-130 bệnh nhân, trong đó khoảng 30% có liên quan bia rượu. Tuy nhiên, sau khi Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia có hiệu lực, tỷ lệ bệnh nhân nhập viện tại khoa giảm chỉ còn khoảng 60-70 ca/ngày và liên quan đến rượu bia chỉ chiếm 10%.
Cũng theo BS Hùng, trước đây, các ca phải cấp cứu tại khoa Chấn thương chỉnh hình chiếm phần lớn là các ca đa chấn thương nặng do uống bia, rượu. Những ca này hầu hết là thanh niên, được đưa nhập viện thời điểm tối hoặc đêm muộn sau khi đi nhậu. Khi vào viện, những ca này sặc mùi bia rượu và có tình trạng nôn mửa, ảnh hưởng đến phản xạ cơ thể, gây khó khăn cho các bác sĩ trong xác định tình trạng chấn thương.
“Rượu bia có tác hại lớn đến thần kinh, làm người điều khiển phương tiện không kiểm soát được hành vi, gây nhiều tai nạn thảm khốc. Tại một số điểm như cầu Thanh Trì, Vĩnh Tuy nếu xảy ra tai nạn vào đêm đưa vào viện chủ yếu là các ca đa chấn thương và tỷ lệ tử vong rất cao”, BS Hùng thông tin.
Bệnh nhân ngộ độc rượu cũng giảm hẳn
Từ khi Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia có hiệu lực và Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt được thực thi (1/1/2020), không chỉ số ca bệnh nhập viện do tai nạn giao thông mà số ca nhập viện do ngộ rượu cũng giảm hẳn.
Tại Khoa Hồi sức cấp cứu của Bệnh viện Thanh Nhàn, mấy ngày qua, số lượng bệnh nhân ngộ độc rượu bia hầu như không có, các bệnh nhân đang điều trị ở đây chủ yếu là do các bệnh lý khác. Hiện tại ở đây không có ca nào ngộ độc rượu.
BS. Lê Văn Dẫn, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Thanh Nhàn |
“Thời điểm gần Tết thường lượng bệnh nhân nhập viện do sử dụng rượu bia nhiều hơn, phần lớn các bệnh nhân đều nhập viện trong tình trạng ngộ độc nặng, ảnh hưởng đến tính mạng nếu không được cấp cứu kịp thời. Tuy nhiên mấy ngày gần đây số bệnh nhân giảm đáng kể, áp lực cho các bác sĩ trong ca trực cũng đỡ hơn”, BS. Lê Văn Dẫn, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết.
Cũng theo BS. Lê Văn Dẫn, việc xử phạt nồng độ cồn đã cho thấy những hiệu ứng ban đầu tích cực trong cộng đồng, cần tiếp tục phát huy. Dịp Tết Nguyên đán đang cận kề, mỗi người dân nên cố gắng hạn chế sử dụng rượu bia để không những tránh được việc xử phạt mà còn tránh được những rủi ro không đáng có với sức khoẻ. Bởi khi cơ thể tiếp xúc với nồng độ cồn, cồn có trong máu dễ gây tổn thương đến hệ thần kinh, gây rối loạn chuyển hóa nặng nề, gây suy đa tạng, có thể nguy hiểm dẫn đến tử vong nếu làm dụng rượu, bia.