Người dân cần cảnh giác với những hành vi lừa đảo qua mạng xã hội
Thủ đoạn lừa đảo ngày càng tinh vi
Cùng với sự phát triển nhanh chóng của các trang mạng xã hội thời gian qua, các hình thức lừa đảo qua mạng đang có xu hướng gia tăng. Các đối tượng sử dụng những thủ đoạn hòng lợi dụng, đánh vào tâm lý của người dùng để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Tuy hình thức, chiêu trò của các đối tượng lừa đảo vay tiền của các đối tượng xấu được cảnh báo rất nhiều nhưng với thủ đoạn ngày càng tinh vi, rất nhiều người nhẹ dạ cả tin đã dễ dàng “sập bẫy”.
Theo đó, thủ đoạn của bọn xấu là truy cập mạng xã hội, lấy thông tin tài khoản Zalo, Facebook của bị hại như: Tên tài khoản, ảnh đại diện, ảnh nền, hình ảnh cá nhân của chủ tài khoản... (tài khoản thật), sau đó chúng lập tài khoản Zalo, Facebook (tài khoản mạo danh) có tên tài khoản, ảnh đại diện, ảnh nền... giống như tài khoản thật.
Tiếp theo, chúng gửi yêu cầu kết bạn đến những người có tên trong danh bạ của tài khoản thật; Nếu có người đồng ý kết bạn, đối tượng mạo danh chủ tài khoản thật để đóng vai người quen, nhắn tin, hỏi thăm, tạo lòng tin và hỏi mượn tiền, thông qua hình thức chuyển khoản ngân hàng (tài khoản không chính chủ), chuyển khoản qua ví điện tử (Momo, Zalopay…) để chiếm đoạt số tiền đó.
Bằng những thủ đoạn tinh vi, rất nhiều người đã bị kẻ gian lợi dụng để lừa đảo chiếm đoạt tiền từ những bạn bè người thân thông qua tài khoản Facebook, Zalo |
Mới đây, tài khoản Facebook của chị M.T ở Hà Nội cũng bị đối tượng lấy hình ảnh, lập giả tài khoản và nhắn tin với bạn bè trong danh bạ bạn bè của chị T. Rất may mắn là ngay sau đó chị T phát hiện kịp thời và đăng tin đính chính trên trang cá nhân chính thống là “không có lập tài khoản mới và không có nhu cầu mượn tiền” để cảnh báo đến bạn bè trên không gian mạng nâng cao ý thức cảnh giác.
Tuy nhiên, không phải ai cũng may mắn thoát khỏi những cái “bẫy” được kẻ xấu giăng ra. Mới đây, anh Vũ Trung Kiên (Hoàng Mai, Hà Nội) đã trở thành nạn nhân của nhóm tội phạm lừa đảo qua Facebook. Anh Kiên cho biết, hôm đó, tài khoản Facebook của một người em nhắn tin hỏi “vay nóng mấy triệu”. Trong lúc lơ là, không để ý, anh hỏi số tài khoản của người em này và chuyển 5 triệu đồng, sau đó mới biết bị lừa. Người em của anh đã bị kẻ gian hack, chiếm quyền sử dụng Facebook trước đó.
Người dân cần nâng cao cảnh giác
Càng ngày, thủ đoạn của các đối tượng ngày càng tinh vi và đa dạng, chủ yếu diễn ra qua mạng Internet, gây thiệt hại lớn về tài sản của người dân và bức xúc trong dư luận; Trong đó, phổ biến thủ đoạn chiếm tài khoản mạng xã hội hoặc lập tài khoản giả mạo để nhắn tin lừa vay mượn tiền…
Theo đại diện Cục Cảnh sát hình sự (C02), Bộ Công an cho biết, thời gian qua, hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng có chiều hướng gia tăng với diễn biến ngày càng phức tạp và thủ đoạn ngày càng tinh vi.
Từ đầu năm 2022 đến nay, Bộ Công an đã khởi tố gần 500 vụ án và hơn 1.000 bị can liên quan các loại tội phạm sử dụng công nghệ cao, bằng con số của cả năm 2020, tăng gần 50% so với cùng kỳ năm 2021.
Một số vụ án đã được triệt phá trong thời gian gần đây có thể kể tới như vụ công an Thanh Hóa triệt phá băng nhóm lừa đảo chiếm đoạt tài sản với thủ đoạn sử dụng công nghệ cao, lập sàn giao dịch tiền ảo trên trang web tradenew.io với tổng số tiền giao dịch trên 1.000 tỉ đồng, chiếm đoạt tiền của người đầu tư. Công an Thanh Hóa cũng triệt phá nhóm đối tượng lập sàn thương mại điện tử Bigbuy24h.com để chiếm đoạt tài sản với tổng số tiền chiếm đoạt hơn 517 tỉ đồng…
Lực lượng chức năng làm việc với các đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người dân qua mạng xã hội |
Dù dưới bất kỳ hình thức nào, các đối tượng thực hiện hành vi lừa đảo, dùng các thủ đoạn gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác, tùy theo tình tiết, mức độ phạm tội, các đối tượng đều sẽ bị xử lý hình sự về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 với mức phạt tù cao nhất là 20 năm hoặc tù chung thân.
Tuy nhiên, các hình thức lừa đảo sẽ liên tục thay đổi, các đối tượng xấu sẽ liên tục làm mới thủ đoạn của mình. Do đó, để tránh bị thiệt hại lớn về tài sản, rơi vào bẫy của các đối tượng, chính bản thân mỗi người dân nên cảnh giác cao khi tham gia các giao dịch, tự trang bị và nâng cao nhận thức của mình bởi đa phần bị hại là những người ít cập nhật thông tin xã hội, báo chí trong khi cơ quan chức năng đã có nhiều cảnh báo về việc lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Trường hợp phát hiện có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần trình báo ngay với cơ quan công an gần nhất để được giải quyết, xử lý kịp thời.
Để người dân chủ động phòng ngừa, Công an thành phố Hà Nội cũng đã nêu ra các thủ đoạn lừa đảo của tội phạm công nghệ cao; Trong đó, có trường hợp đối tượng đánh cắp quyền truy cập các tài khoản mạng xã hội, sử dụng mạo danh chủ tài khoản nhắn tin đề nghị chuyển hộ tiền, vay tiền hoặc mua thẻ cào điện thoại gửi cho chúng. Đối với các tin nhắn qua mạng xã hội, qua điện thoại, người quen, bạn bè nhờ mua thẻ cào điện thoại, nhờ chuyển tiền hộ, người dân cần gọi điện trực tiếp để xác nhận thông tin, không nên trao đổi qua tin nhắn.