Người “giữ lửa” yêu thương
![]() |
Ngày Tết là dịp đoàn tụ của mỗi gia đình sau một năm tất bật lo toan...
Triết gia, tiểu thuyết gia Jean Paul Sartre – người từng đoạt giải Nobel – nhận định rằng: Đối với đàn ông, trên đời có 3 thứ nguy hiểm nhất: Rượu ngon, tiền bạc và đàn bà. Nhà thơ Trần Tế Xương cũng trào lộng: “Một trà, một rượu, một đàn bà/ Ba thứ lăng nhăng nó quấy ta”. Như vậy, thử hỏi trên đời, phàm là đàn ông, mấy ai đủ bản lĩnh để nhắm mắt bước qua cám dỗ ấy?
Thói thường, nếu tiền túi rủng rỉnh, phụ nữ sẽ nghĩ ngay đến miếng cơm, manh áo, cửa nhà… thì đàn ông ít nhiều dành cho những trò vui thú chốn nhân gian. Cũng có những người đàn ông sẵn sàng dùng tiền của vợ “bao” người tình trong mộng như kiểu Thúc Sinh “Trăm nghìn đổ một trận cười như không”.
Ngay trong giới văn sĩ xưa cũng có không ít đấng nam nhi mê hát cô đầu, đào rượu, bàn đèn thuốc phiện… Thi sĩ Tản Đà, kẻ bất phùng thời với tuyên ngôn “Tài cao phận thấp chí khí uất/ Giang hồ rong chơi quên quê hương” từng khiến hậu thế ngỡ ngàng dưới ngòi bút phác họa của nhà văn Ngô Tất Tố, bạn thân ông: “Không có tiền thì rầu rĩ, oán trách, rũ người ra như con cú, thế mà một khi có tiền thì lại không muốn làm việc gì hết, chỉ uống và ăn, hết ăn lại uống. Chưa uống thì bảo không có rượu như cái máy không xăng nhớt không chạy được, uống vào say rồi thì nằm khoèo ra ngủ và lí luận một mình rằng say mà làm việc thì hỏi đời còn có cái gì thú nữa?”.
Trên thực tế, đằng sau sự ra đi và trở về của người đàn ông bao giờ cũng thấp thoáng bóng dáng người phụ nữ. Minh quân Trần Nhân Tông - hóa thân của Biến Chiếu Tôn Phật - đã dạy rằng: “Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch” (Của báu lạ vốn sẵn trong nhà, đừng phí công đi tìm đâu khác). Thế nên, dù người đàn ông có đi đâu, làm gì chăng nữa, sự lặp lại của một cái kết có hậu luôn được chờ đợi, mở lòng từ những người phụ nữ bởi cha ông ta đã có câu “nam ngoại nữ nội”, “vắng đàn ông quạnh nhà, vắng đàn bà quạnh bếp”.
Nhà thơ Vương Trọng từng viết những câu thơ vừa tinh nghịch, vừa cảm động về hình ảnh “Hoa hậu của nhà” lặng lẽ chăm lo cho chồng con cái Tết được đủ đầy, tươm tất khiến người đàn ông quen bôn ba không khỏi chạnh lòng: “Mâm cơm dọn ra, chồng và con như khách/ Chỗ em ngồi mấy phía nồi niêu/ Vừa xong bữa, cả nhà đi sạch/ Hoa hậu cùng mâm bát nhìn theo/ Tất bật chưa xong đà hết Tết/ Suốt mấy hôm chưa ra ngõ một lần/ Vẫn vui vẻ nói cười bên bể nước/ Mấy chậu đầy quần áo giặt khai xuân”.
Thời nay, khi cơ chế thị trường len lỏi vào mọi mối quan hệ xã hội thì việc người phụ nữ giữ lửa trong gia đình hay làm một nửa bình yên, tình nghĩa để người đàn ông trở về đang được đặt trước những thách thức mới. Giáo sư, Tiến sĩ Lê Thị Quý, Viện trưởng Viện nghiên cứu giới và phát triển, cho biết: “So với phụ nữ thời xưa, phụ nữ ngày nay có quá nhiều trách nhiệm, vừa lao động vừa tham gia các quan hệ xã hội, chăm sóc gia đình do vậy, giữ lửa yêu thương phải từ hai phía. Cuộc sống thực tế gia đình khác với tình yêu đôi lứa nên đòi hỏi sự chia sẻ, trách nhiệm cao hơn. Về những cuộc "ra đi" của đàn ông, tôi cho rằng, người phụ nữ cũng có một phần trách nhiệm. Ôm đồm, lặng lẽ gánh vác tất cả không hẳn đã hay mà quan trọng là phải biết chia sẻ với gia đình, chị em nào khuyến khích chồng, con tham gia công việc được với mình thì người đó sẽ thành công ”.
Vào dịp lễ Tết, nếu việc “tề gia nội trợ” với người phụ nữ như nghĩa vụ thì sự có mặt của người đàn ông trong gia đình là chỗ dựa trong quan hệ gia đình họ tộc, văn hóa tinh thần và quan niệm xã hội. Theo truyền thống, người đàn ông chính là người thành kính thắp hương lên bàn thờ báo cáo tổ tiên, người thường được chọn xông đất đầu năm. Xưa kia, “vía” người đàn ông đại diện cho gia đình dựng cây nêu, treo tràng pháo; ngày nay thì giúp vợ con đặt nồi bánh chưng, sửa sang nhà cửa. Trên thực tế, cũng có những người đàn ông “khệnh khạng” trở về nhà vào phút chót và gần như chẳng gánh vác công việc gì giúp vợ con nhưng ước vọng thẳm sâu trong lòng những người vợ, người mẹ, người con dịp Tết đến xuân về vẫn mong trong mâm cỗ tết có thêm chén rượu của người đàn ông. Đó là biểu tượng cho một trụ cột, một sự hài hòa âm dương, một chỗ dựa tinh thần, một chút niềm hãnh diện từ trong tâm thức.
Chúng tôi xin khép lại bài viết này bằng một câu chuyện đầy cảm động của Thượng úy Nguyễn Xuân Linh, một sĩ quan Phòng không – không quân (Gia Lâm, Hà Nội) chia sẻ: “Khi 4 chị em tôi còn nhỏ, bố tôi là lái xe. Ông đi quanh năm suốt tháng, nhiều cái Tết chỉ gửi tiền cho vợ con mà không về nhà. Người ta rỉ tai nhau rằng bố đã có niềm vui khác. Chúng tôi còn quá nhỏ, chưa cảm nhận được nhiều, thậm chí còn vui vì mình được đón Tết sung túc hơn bạn bè cùng trang lứa mặc cho mẹ len lén lau nước mắt bên bếp than hồng. Thế rồi, vài năm sau đó, bố tôi vĩnh viễn phải ăn Tết ở nhà sau tai nạn giao thông thảm khốc, ông bị liệt nửa người, không còn di chuyển được. Chị em tôi không có áo mới, không thể đi chơi, đến nồi bánh chưng cũng chỉ vẻn vẹn vài cặp dâng lên bàn thờ tổ tiên. Nhà tôi dọn mâm cỗ Tết giản đơn ngay sát mé giường của bố, bố cố nhấp chén rượu, cầm đôi đũa và nằm nhìn vợ con. Khoảnh khắc ấy, mọi cảm xúc chợt vỡ òa từ sự trở về đầy đắng cay mà xem ra cũng còn may mắn của bố. Sau này, chúng tôi trưởng thành, lập nghiệp xa nhà, bố cũng qua đời, Tết đến, mẹ tôi vẫn dọn một mâm cơm đúng chỗ giường xưa và bà không bao giờ quên một chén rượu, một đôi đũa phía đối diện”...
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Hà Nội sẽ gặp mặt, biểu dương người làm báo tiêu biểu

Đại nhạc hội “Rực Rỡ Hà Nam” chiêu đãi du khách màn pháo hoa tầm cao hoành tráng

Nghệ sĩ Tia - Thủy Nguyễn: Mong có những tác phẩm thiết thực cho Hà Nội

Tạp chí Người Hà Nội đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì

Tri ân sâu sắc công lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Cơ hội cho hoạ sĩ trẻ phát huy tài năng, sáng tạo

Hành trình giao hưởng qua ba miền ký ức và văn hóa

Cuốn sách khắc họa tâm hồn cao cả của Bác Hồ

Lễ Thượng cờ tại Cột cờ A Pa Chải: Mốc son 71 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ
