Người níu giữ Hà Nội xưa cũ
Một tác phẩm chụp Hà Nội của nhiếp ảnh gia Phùng Anh Tuấn
Bài liên quan
Hà Nội: Đảm bảo công tác y tế phục vụ Tết Dương lịch năm 2020
Hà Nội: 3 người nghi nhiễm Covid-19 đã có kết quả âm tính
Hà Nội: Đảm bảo cung ứng thuốc phòng chống dịch Covid-19
Hà Nội: giảm hơn 2.500 tổ dân phố ở 10 quận nội thành
Người con của Thủ đô
Phùng Anh Tuấn sinh năm 1960, tại Bát Tràng, trong gia đình không có ai làm nghệ thuật. Những năm tháng chiến tranh, gia đình anh tản cư lên xứ Đoài. Phùng Anh Tuấn cũng vì thế mà có cả tuổi thơ nhọc nhằn ở Phủ Quốc.
Thuở nhỏ, anh ham đọc sách đến mức trốn mẹ, bỏ học… ra ngồi lì ở thư viện cả ngày trời. Một ngày, anh có thể đổi thẻ đến bốn lần, vượt cả "chỉ tiêu" cho phép.
Thế rồi nghiệp khoa cử đã từ chối khi anh thi trượt trường Đại học Giao thông Vận tải. Sau đó, số phận đã đẩy đưa anh vào Tây Nguyên, nơi mà nhắc đến, người ta sẽ nghĩ ngay đến những công việc khai hoang, phát triển kinh tế mới. Với Phùng Anh Tuấn cũng không ngoại lệ.
Lập gia đình rồi sinh con, anh phải oằn lưng ra làm đủ các công việc như nuôi lợn nái, buôn hoa, trồng dâu nuôi tằm, bảo vệ, đào giếng thuê, bán xăng vỉa hè… để mưu sinh.
Trong những năm tháng nhọc nhằn bị “áo cơm ghì sát đất” ấy, những trang sách thuở ấu thơ không biết có hiện về trong những giấc mơ, làm nhức nhối lòng anh?
Nhiếp ảnh gia Phùng Anh Tuấn |
Chỉ biết, nghệ thuật đậu trên vai anh rất tình cờ, mà lúc đầu nó cũng chỉ là một công việc như bao công việc khác để mưu sinh trong cuộc sống quá nghèo đói của mình.
Đấy là vào dịp Tết năm 1994, một người bạn làm nghề chụp ảnh dạo trên phố, đến chơi xách theo cái máy ảnh cổ lỗ sĩ. Thấy nhà anh rách rưới, nheo nhóc quá, mới hỏi: "Mày đi chụp ảnh không? Tao chỉ cho!”.
Sau đó, người bạn chỉ dẫn sơ sơ, chụp như thế này, vặn thế kia để chỉnh xa gần… khoảng chừng 30 phút. Phùng Anh Tuấn thấy hay hay và quyết định thử. Tới ngày rằm, anh bạn cho anh mượn cái máy ảnh - công cụ kiếm cơm duy nhất của mình...
Tác phẩm chụp Hà Nội của Phùng Anh Tuấn |
Phùng Anh Tuấn gom được mười mấy ngàn đồng làm vốn, mua cuộn phim rồi xách máy ra chùa.
Khách nhiều, anh run lắm nhưng cũng chụp đại. Phim hết mới ngớ người ra là không biết cách tháo lắp phim như thế nào. Nhớ có lần thấy người ta nói phải tua phim, anh mắm môi mắm lợi quay. Phim bị giật, anh hoảng quá nên mở nắp lôi phim ra. Vậy là lộ sáng, phim cháy hết... Mười mấy ngàn đồng làm vốn đi tong. Báo hại hôm sau anh phải đạp xe đến từng nhà xin lỗi khách.
Nhiều năm trôi qua, nhiếp ảnh đối với anh đã trở thành cái nghiệp. Anh em trong nghề gọi đó là nghiệp chướng. Vì nghệ thuật nhiếp ảnh chủ yếu “đốt tiền” chứ không phải là làm ra tiền. Quay trở ra Hà Nội, Phùng Anh Tuấn đã có trọn vẹn tình yêu với nghệ thuật của mình.
Anh đã có hai triển lãm cá nhân là “Đất và thời gian” và “Lặng”. Đặc biệt, các bức ảnh của anh đều theo đuổi dòng nghệ thuật nhiếp ảnh Thiền - những bức ảnh mang đầy tính triết lý của nhà Phật về nhân sinh, cuộc đời, con người và những quy luật của vũ trụ.
Lưu lại những dấu ấn của Hà Nội
Cách đây 10 năm, như bao nhiêu người khác, Phùng Anh Tuấn cũng rưng rưng khi Thủ đô sắp tròn nghìn tuổi, nhất là anh lại là một người con của Hà Nội. Mong muốn làm được một điều gì đó có ý nghĩa cho Hà Nội là ý nghĩ chung của mọi người.
Còn riêng với bản thân, Phùng Anh Tuấn tâm sự: “Với tôi, có lẽ đó sẽ là một cuộc triển lãm. Tôi đã chuẩn bị cho triển lãm này cách đây 10 năm rồi. Thật ra ngày đó tôi chưa ý thức được rằng mình sẽ “trình làng” vào đúng dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Tôi chỉ nghĩ mình cần phải làm một điều gì đấy cho Hà Nội.
Đó là triển lãm về Thái học đường Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Cuộc triển lãm ghi lại tất cả những sự kiện quan trọng nhất diễn ra tại nhà Thái học - Quốc Tử Giám dưới chiều sâu của nghệ thuật ánh sáng. Tôi đã chụp trong 2 năm trời để có những bức ảnh đó.
Tôi cũng không bao giờ bỏ qua những khoảnh khắc đẹp lãng mạn của Hà Nội. Hà Nội đẹp lắm nhưng đẹp nhất vẫn là mùa thu, đẹp nhất vẫn là vẻ trầm mặc, cổ kính. Lúc nào tôi cũng cảm thấy nuối tiếc nếu như Hà Nội mất đi vẻ đẹp đó. Tôi muốn níu giữ lại những gì còn sót lại của một Hà Nội xưa cũ, vì thế luôn hướng ống kính tới vẻ đẹp “nội tâm” của Hà Nội.
Tôi chụp Hà Nội một chiều mùa thu, một góc phố cổ thâm trầm, Hà Nội một ngày vắng nhất, lặng nhất... Để nếu mai này, Hà Nội có đổi thay thì khi nhìn lại những bức ảnh ấy, người ta vẫn nhớ về một Hà Nội yêu dấu của chúng ta đã từng như thế”.
Sinh ra ở làng gốm Bát Tràng nhưng tuổi thơ của Tuấn lại gắn liền với những góc phố, hàng cây trên đường Quán Thánh. Tuấn cho biết đã vài chục năm rồi nhưng anh vẫn còn nhớ như in những lần đi xếp hàng mua gạo hay thức cả đêm để hứng một xô nước.
“Trong lòng tôi, nét cổ kính của Hà Nội rất đỗi gần gũi nhưng cũng rất đỗi mong manh”, Tuấn nhận xét. Thế nên, bất cứ khi nào rảnh rỗi, anh lại xách máy lang thang chụp những con sông cổ trong lòng Hà Nội.
“Nếu không chụp, không ghi lại những hình ảnh này, tôi e chừng 10, 15 năm nữa, lớp trẻ Hà Nội sẽ không hình dung nổi Thủ đô chúng ta từng có những dòng sông uốn khúc lượn quanh”, Tuấn ưu tư.
Yêu nét cổ kính của Hà Nội, yêu đến độ muốn níu giữ, muốn thời gian ngừng trôi nên sáng mùng một Tết năm nào Tuấn cũng xách chiếc xe máy cà tàng của mình dạo một vòng qua các phố cổ để lưu lại hình ảnh Thủ đô trong cái lạnh của ngày xuân.
Phùng Anh Tuấn vẫn tự hào mình là một trong vài tay máy chụp nhiều nhất về toàn bộ quá trình xây Nhà Thái học (trên nền Quốc Tử Giám, đã bị phá hủy từ đầu thế kỷ XIX), về dàn trống hội Thăng Long và cả lễ đúc quả chuông Nhà Thái học nặng gần 2.000 kg tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Trong số này, có những bức ảnh được coi là độc nhất vô nhị.
Đó là vào năm 1999 - 2000, khi thành phố đang chuẩn bị kỷ niệm 990 năm Thăng Long - Hà Nội, trong đó có hoạt động rất đáng chú ý là dự án trùng tu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám với công trình xây dựng khu Thái học.
Cuộc hành trình gần 2 năm trời ngốn mất 3.000 tấm phim âm bản với vô số thời gian và tiền bạc. 80 bức ảnh được lựa chọn thật kỹ để tạo thành một bộ ảnh trùng tu Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã thể hiện được gần như toàn bộ quá trình tôn tạo khu di tích độc nhất vô nhị của Việt Nam này.
Bên cạnh đó, còn nhiều bức ảnh khác anh chụp về Hà Nội cho thấy tình yêu vô bờ của người nghệ sĩ với quê hương của mình. Tình cảm ấy gửi gắm vào trong từng tác phẩm để lưu lại nét đẹp của Hà Nội, để những thế hệ sau cảm nhận được Hà Nội của mình đã một thời như thế.
Đó cũng là một cách trao truyền văn hóa qua các thế hệ, giúp cho mỗi công dân Thủ đô đều có niềm tự hào và yêu mến mảnh đất này mà đóng góp công sức của mình, làm đẹp thêm thành phố bằng những việc làm cụ thể.