Người truyền cảm hứng cho thế hệ “SV 2000” của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội
TS Nguyễn Văn Phong (thứ 5 từ trái qua phải) |
Thủ lĩnh Đoàn xuất sắc
Những năm 2000, trên cơ sở xác định sứ mệnh của một Trường ĐH Sư phạm trọng điểm, Đảng ủy – Ban Giám hiệu Nhà trường đã tiếp tục quan tâm, đẩy mạnh công tác thanh niên như một bộ phận quan trọng của công tác giáo dục, đào tạo của Nhà trường. Sự quan tâm của lãnh đạo Nhà trường cùng sự cố gắng của mỗi đoàn viên, sinh viên đã tạo ra nền tảng căn bản cho sự phát triển của Đoàn Thanh niên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội giai đoạn đó.
Bên cạnh sự chỉ đạo sát sao của Đảng ủy – Ban Giám hiệu, sự nỗ lực của bản thân mỗi đoàn viên, lứa đoàn viên thời gạch nối hai thiên niên kỷ chúng tôi đều có một cảm nhận, nhân tố tiên quyết dẫn tới thành công và cũng là yếu tố tạo ra sự khác biệt lớn nhất của Đoàn Trường ĐH Sư phạm Hà Nội khi đó là sự dẫn dắt của người anh, người đồng chí, giảng viên khoa Lịch sử, Thủ lĩnh Đoàn Thanh niên - TS Nguyễn Văn Phong, hiện là Ủy viên Hội đồng Lí luận Trung ương, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội.
Khi là sinh viên năm thứ nhất, nhận thấy chàng sinh viên Nguyễn Văn Phong có tố chất và có kinh nghiệm tham gia công tác Đoàn ở địa phương, các thầy cô khoa Lịch sử và các anh, chị ở Đoàn trường đã động viên, quan tâm, bồi dưỡng anh tham gia công tác Đoàn từ cấp khoa tới cấp trường. Cuối năm 1989, anh trở thành ủy viên BCH Đoàn Trường ĐH Sư phạm Hà Nội I.
Năm 1992, với tấm Bằng tốt nghiệp loại giỏi và vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam, anh Phong được giữ lại làm giảng viên khoa Lịch sử, đồng thời tiếp tục tham gia công tác thanh niên và học thạc sĩ.
Từ năm 1992, anh tham gia Ban thường vụ, sau đó là Phó Bí thư Đoàn Trường. Năm 1997, anh được Đại hội Đoàn Trường nhiệm kỳ 1997-1999 bầu làm Bí thư, trở thành Thủ lĩnh Thanh niên của Trường ĐH Sư phạm lớn nhất cả nước ở tuổi 29.
Với cương vị Bí thư Đoàn Trường, anh đã cùng với tập thể BCH Đoàn trường tranh thủ ý kiến chỉ đạo của Đảng ủy – Ban Giám hiệu, của thầy cô cựu cán bộ Đoàn, rút kinh nghiệm từ thực tiễn sinh hoạt Đoàn của các trường bạn, đề xuất các phong trào mà ngay sau đó đã trở thành điểm sáng trong phong trào thanh niên khối trường học Thủ đô, tiêu biểu có thể kể đến là “Phong trào sinh viên Nghiên cứu Khoa học”, “Phong trào Rèn luyện Nghiệp vụ Sư phạm”, “Phong trào phát triển Đảng trong sinh viên và cán bộ trẻ”...
Trên cơ sở thấu hiểu phẩm chất, năng lực của sinh viên Trường ĐHSP Hà Nội, hòa chung Phong trào Thanh niên tình nguyện của cả nước, Bí thư Nguyễn Văn Phong đã cùng với tập thể BCH Đoàn trường xây dựng các đội tình nguyện dạy trẻ ở làng trẻ SOS, Birla; đội chăm sóc thương bệnh binh nặng, đội tuyên truyền lịch sử văn hóa Thủ đô, đội phổ cập tin học, tạo cơ hội cho sinh viên mang sức trẻ đóng góp vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Bắt đầu từ năm 2000, sau lễ phát động lịch sử để tạo thành một phong trào rộng lớn, sinh viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội liên tục tham gia vào đội tình nguyện mũi nhọn của Trung ương Đoàn đến với nông thôn, miền núi, vùng đặc biệt khó khăn như Mèo Vạc (Hà Giang), Si Pa Phìn (Điện Biên)…
Một trong những dấu ấn đậm nét của phong trào Đoàn Thanh niên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội dưới sự chèo lái của Bí thư – Thày giáo Nguyễn Văn Phong là sự dẫn dắt đội tuyển “SV 2000” tham gia sân chơi trí tuệ, hấp dẫn nhất dành cho sinh viên thời điểm đó.
Dưới sự tổ chức rất riêng nhưng thật sự khoa học, tập luyện đầy nỗ lực, đội tuyển SV 2000 của Trường ĐHSP Hà Nội đã vượt qua nhiều đội chơi mạnh để giành chức vô địch miền Bắc và tham dự trận Chung kết SV 2000 toàn quốc tại Thành phố Hồ Chí Minh, giành giải Ba chung cuộc.
Đóng góp xuất sắc cho sự phát triển Thủ đô Hà Nội
Với kinh nghiệm công tác và đóng góp xuất sắc ở Đoàn ở Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, cuối năm 2002, theo sự phân công của tổ chức, anh rời bục giảng và vị trí Thủ lĩnh Thanh niên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội nhận nhiệm vụ mới.
Thường trực Thành ủy Hà Nội đã chọn lựa và thống nhất giới thiệu anh để Đại hội Đoàn Thành phố nhiệm kỳ 2002-2007 bầu vào vị trí Phó Bí thư thường trực Thành đoàn Hà Nội. Sau đó là Phó Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam, kiêm Chủ tịch Hội Sinh viên TP Hà Nội. Từ tháng 10/2006 đến tháng 2/2009, anh giữ cương vị Bí thư Thành đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên TP Hà Nội.
Thực hiện sự phân công của tổ chức, từ tháng 3/2009 đến nay, anh rời Thành đoàn Hà Nội nhưng không xa công tác của thanh niên, đảm trách các nhiệm vụ quan trọng trong công tác Đảng các cấp của thành phố Hà Nội: Thành ủy viên, Phó Bí thư rồi Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Sóc Sơn; Thành ủy viên, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy.
Tại Đại hội Đảng bộ Thành phố nhiệm kỳ 2015-2020, anh được bầu vào Ban Thường vụ Thành ủy, được phân công giữ chức Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội. Ghi nhận năng lực, sự trưởng thành và những đóng góp xuất sắc trên nhiều cương vị công tác, tại Đại hội Đảng bộ Thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2020-2025 tháng 10/2020, Anh được bầu giữ trọng trách lớn - Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội.
Đó là cột mốc quan trọng đặc biệt đối với cá nhân anh. Từ vị trí Thủ lĩnh Thanh niên Sư phạm, anh trở thành lãnh đạo của Thủ đô Hà Nội. Thành công hôm nay chắc chắn có dấu ấn của những tháng ngày rèn luyện và trưởng thành từ sân chơi của đoàn viên, thanh niên, từ những ngày đứng trên bục giảng ở mái Trường ĐH Sư phạm Hà Nội thân yêu.
TS Nguyễn Văn Phong (thứ 2, hàng 1 từ phải qua trái) |
Tình yêu sâu đậm với Trường ĐH Sư phạm Hà Nội
Năm 2021 là một năm có ý nghĩa đặc biệt đối với Trường ĐH Sư phạm Hà Nội khi tròn 70 năm, và cũng là một năm đặc biệt với tổ chức Đoàn khi tròn 90 tuổi.
Gần 15 năm gắn bó, 20 năm không còn công tác tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội dù anh vẫn tham gia hoạt động chuyên môn tại khoa Lịch sử nhưng mỗi dịp được về trường, với anh là được “về” ngôi nhà thứ hai chứ không phải là “đến” để công tác với tình cảm chân thành, sâu đậm, không hề suy chuyển qua năm tháng.
Thật khó để nói hết về những kí ức của một thời thanh xuân tươi đẹp mà chúng tôi đã có ở mái Trường ĐH Sư phạm Hà Nội thân yêu. Trong sự giản đơn nhưng sâu đậm, chúng tôi lưu giữ mãi mãi trong tim mình ký ức về một ngôi trường giàu truyền thống, mô phạm và nhân văn.
Ở đó, ký ức về tổ chức Đoàn thanh niên giữ một vị trí trang trọng, một mô hình đã kế thừa, hấp thụ và phát huy được tinh thần của nhiều thế hệ đi trước, đóng góp sống động và thực chất vào việc nâng cao chất lượng đào tạo toàn diện của Nhà trường.
Đoàn Thanh niên Nhà trường đã góp phần đào tạo ra lớp lớp cán bộ trẻ, lớp lớp đoàn viên sinh viên ưu tú, vừa có ý thức chính trị, vừa có năng lực chuyên môn, có trách nhiệm với cộng đồng.
Nền tảng tư tưởng đào tạo và truyền thống của Nhà trường trong 70 năm qua có sự đóng góp của nhiều thế hệ thầy cô, trong đó có anh Nguyễn Văn Phong – một cá nhân tiêu biểu đã trưởng thành từ truyền thống giáo dục và đào tạo của Nhà trường, từ phong trào Đoàn và công tác thanh niên.