Nguy cơ bùng phát nhiều dịch bệnh nguy hiểm
Theo PGS-TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, các dịch bệnh đang lưu hành ở nước ta như dịch cho do virus Zika, sốt xuất huyết, tay chân miệng, cúm, bệnh dại, sốt rét, liên cầu lợn vẫn diễn biến phức tạp… Năm 2016 cả nước ghi nhận 219 trường hợp nhiễm virus Zika, đầu năm 2017 đã có 13 trường hợp mắc bệnh này. Đã có 1 trường hợp có biến chứng đầu nhỏ tại Đắk Lắk nghi ngờ có liên quan. Trong khi đó, bệnh SXH vẫn tiếp tục ghi nhận số ca mắc tăng cao với gần 111.000 ca mắc và 36 tử vong trong năm 2016. So với năm 2015, số mắc tăng 19%, tử vong giảm 18 trường hợp. Các tuýp gây bệnh chủ yếu là D1 (56%), tiếp đến là D2 (19%).
Các tỉnh miền Nam và miền Trung là nơi dịch bùng phát mạnh trong đó TP HCM là địa phương đứng đầu về số các bệnh mắc SXH với hơn 17.300 ca, tiếp đến là Gia Lai: 15.500 ca. Cùng với dịch SXH, dịch TCM tiếp tục lưu hành ở hầu hết các tỉnh thành phố và tập trung ở khu vực miền Bắc và miền Nam. Năm 2016 cả nước ghi nhận hơn 45.500 ca mắc, nhưng may mắn chỉ có 1 ca tử vong. Số mắc và tử vong đều giảm do với các năm trước. Đáng lo ngại TP HCM vẫn là địa phương dẫn đầu cả nước về số ca mắc.
Cũng theo ông Phu, với dịch cúm gia cầm H5N1, H7N9, H5N6 dù năm 2016 Việt Nam không ghi nhận ca mắc tuy nhiên dịch cúm mùa vẫn lưu hành rộng rãi với 3 chủng cúm A/H3N3 (45%), cúm B (43%), cúm H1N1 12%. Bên canh đó nước láng giềng Trung Quốc phát hiện nhiều ca nhiễm cúm gia cầm nên nguy cơ lây lan sang Việt Nam là hoàn toàn có thể xảy ra nhất là trong bối cảnh giao thương, đi lại diễn ra thường xuyên như hiện nay.
PGS- TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cho rằng, ngoài các dịch bệnh như hiện nay các cơ quan chuyên môn cần cảnh báo mạnh mẽ hơn nữa tới người dân về những nguy cơ do nhiễm vi khuẩn liên cầu lợn. Thời gian qua bệnh viện này thường xuyên tiếp nhận các ca bệnh nhiễm liên cầu khuẩn lợn do giết mổ và ăn tiết canh. Số ca mắc và tử vong thường có xu hướng gia tăng vào cuối năm hoặc đầu năm mới do người dân giết mổ lợn để ăn Tết.
Các chuyên gia cảnh báo, hiện nay dịch bệnh trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp và có nguy cơ xâm nhập Việt Nam hoặc bùng phát nếu không thực hiện tốt các biện pháp kiểm soát và ngăn chặn như cúm gia cầm, Ebola, MERS – CoV. Một số dịch bệnh lưu hành như SXH, TCM, dại , Zika, liên cầu lơn, viêm não virus… vẫn là thách thức đối với việc giảm số mắc và tử vong. Các bệnh có vắc-xin phòng bệnh ghi nhận rải rác các ca mắc, có thể xảy ra các ổ dịch tại “vùng lõm” có tỉ lệ tiêm chủng chưa cao, không quản lý tốt đối tượng tiêm chủng.