Nguy cơ mắc bệnh liên cầu lợn dịp Tết và lễ hội
Bệnh viện (BV) bệnh nhiệt đới Trung ương vừa tiếp nhận bệnh nhân N.H.T. (nam giới, 35 tuổi, được chuyển từ BV tỉnh Lai Châu xuống) trong tình trạng nhiễm khuẩn liên cầu lợn rất nặng. Theo người nhà bệnh nhân, cách đây hơn một tuần, anh T. mua một con lợn của người dân trong bản để liên hoan. Anh T. trực tiếp giết mổ và chế biến, làm tiết canh mời khoảng 20 người ăn.
Sau khi ăn 5 ngày, anh T. bị sốt cao, mệt lả, trên da xuất hiện các ban hoại tử. Bệnh nhân được đưa vào BVĐK tỉnh Lai Châu trong tình trạng có sốc, được xử trí cấp cứu và được chuyển xuống BV bệnh nhiệt đới Trung ương.
BS. Nguyễn Trung Cấp, Phó trưởng Khoa Cấp cứu, BV bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, bệnh nhân đang được điều trị tích cực tại khoa trong tình trạng có ban hoại tử khắp toàn thân, tập trung ở mặt, chân tay, có tình trạng tắc mạch hoại tử đầu ngón chân ngón tay, rối loạn đông máu nặng…
Anh T. chỉ là một trong hàng trăm bệnh nhân ở khắp các địa phương bị nhiễm liên cầu lợn phải nhập BV bệnh nhiệt đới Trung ương trong tình trạng nặng, đặc biệt là thời điểm cuối năm khi mùa cưới, Tết, lễ hội kéo dài, nhu cầu tiêu thụ thịt tăng cao, nhất là ăn tiết canh, nem chạo…
Cùng thời điểm này năm ngoái, BV bệnh nhiệt đới Trung ương cũng từng tiếp nhận 2 bệnh nhân ở Hà Nội được chẩn đoán mắc liên cầu khuẩn lợn, bị nhiễm trùng huyết nặng do ăn tiết canh lợn.
Liên cầu lợn ở người là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính lây truyền từ động vật sang người, chủ yếu từ lợn. Người bị bệnh có biểu hiện đa dạng, nhưng hay gặp nhất là hai thể viêm màng não và sốc nhiễm khuẩn. Bệnh thường để lại biến chứng nặng và có thể tiến triển nhanh thành suy đa tạng dẫn đến tử vong.
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), thời gian vừa qua, nước ta liên tục ghi nhận các trường hợp mắc liên cầu lợn ở người có liên quan đến ăn các sản phẩm từ lợn chưa được nấu chín như: Tiết canh, thịt và nội tạng của lợn chưa được nấu chín. Vì vậy, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân không ăn tiết canh, nội tạng lợn và các sản phẩm từ thịt lợn chưa được nấu chín, không sử dụng thịt lợn có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề…
Người bệnh khi có các biểu hiện như sốt cao đột ngột và có tiền sử chăn nuôi, giết mổ lợn ốm, chết hoặc sản phẩm từ lợn không bảo đảm vệ sinh,… cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.