Nguy cơ phạm luật hình sự khi giao xe cho người khác lái
Việc tài xế bàn giao chìa khoá ô tô cho nhân viên, cửa hàng rửa xe hay bảo vệ tại các nhà hàng, khách sạn để họ đưa xe vào chỗ đỗ, dù không biết họ có đủ điều kiện điều khiển phương tiện giao thông hay không là việc rất phổ biến trong cuộc sống của chúng ta hiện nay. Tuy nhiên không phải ai cũng biết rằng đây là việc làm vi phạm quy định pháp luật và có nguy cơ bị xử phạt nặng nếu gây hậu quả nghiêm trọng.
Theo quy định tại Điều 58 và Điều 60 Luật Giao thông đường bộ 2008, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông phải thỏa mãn điều kiện về độ tuổi, sức khỏe và có giấy phép lái xe phù hợp với loại xe được phép điều khiển.
Khoản 10 Điều 8 Luật Giao thông đường bộ 2008 đã nghiêm cấm hành vi "giao xe cơ giới, xe máy chuyên dùng cho người không đủ điều kiện để điều khiển xe tham gia giao thông đường bộ".
Theo quy định tại Điều 30 Nghị định 100/2019/NĐ-CP về xử phạt chủ phương tiện vi phạm quy định liên quan đến giao thông đường bộ. Nếu chủ xe bàn giao ô tô hoặc để cho người chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện giao thông, thì có thể bị phạt tiền từ 4.000.000 đồng lên đến 6.000.000 đồng nếu là cá nhân và từ 8.000.000 đồng đến 12.000.000 nếu là tổ chức.
Trong trường hợp có căn cứ xác định chủ xe biết rõ một người chưa đủ điều kiện tham gia giao thông (không có giấy phép lái xe; đang trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định; không đủ các điều kiện khác) mà vẫn cho mượn và thiệt hại xảy ra đến mức nghiêm trọng thuộc các trường hợp quy định tại Điều 264 Bộ luật Hình sự về Tội giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ thì có thể bị phạt tù đến 7 năm.
Về trách nhiệm bồi thường cho người và tài sản bị thiệt hại do hành vi vi phạm luật giao thông gây ra được thực hiện theo quy định của Bộ Luật dân sự. Người điều khiển xe vi phạm luật giao thông gây tai nạn phải có trách nhiệm bồi thường cho người bị tai nạn và tài sản bị thiệt hại. Mức bồi thường do các bên thỏa thuận, phù hợp với mức độ thiệt hại trên thực tế.
Một ví dụ điển hình cho việc bàn giao xe cho người chưa đủ điều kiện tham gia giao thông và gây ra thiệt hại nghiêm trọng gần đây nhất là trường hợp tại chung cư 6th Element (quận Tây Hồ, Hà Nội). Cụ thể, khoảng 4 giờ sáng ngày 27/5, chủ xe Mercedes-Maybach S560 đã bàn giao xe cho một nhân viên bảo vệ là trưởng ca, lái xe vào vị trí đỗ. Nam bảo vệ điều khiển chiếc xe này đã tông vào hàng loạt phương tiện trong hầm tòa nhà.
Hậu quả, chiếc Maybach bị nát đầu, 17 xe máy điện, một xe máy xăng cùng 2 bốt kiểm soát gửi xe của tòa nhà bị hư hỏng. Một nạn nhân bị thương được đưa đi cấp cứu, không nguy hiểm tới tính mạng.
Trong ngày 28.5, người gây tai nạn đã tới cơ quan công an để làm việc. Theo công an, nam bảo vệ chưa có bằng lái.
Phân tích sự việc này như sau, theo quy định tại Điều 39, Luật Giao thông đường bộ 2008, mạng lưới đường bộ được chia thành 6 hệ thống, gồm: quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện, đường xã, đường đô thị và đường chuyên dùng. Như vậy, hầm để xe của tòa nhà không thuộc mạng lưới giao thông đường bộ và tai nạn xảy ra trong hầm để xe chung cư không thuộc nhóm hành vi liên quan đến đối tượng điều chỉnh của Luật Giao thông đường bộ.
Mặc dù vụ việc không xảy ra trên đường giao thông nhưng việc để xảy ra tai nạn gây hậu quả làm người khác bị thương và phương tiện hư hỏng nặng, thì tùy theo hành vi vi phạm và mức độ hậu quả có thể bị xử lý hình sự hoặc phải bồi thường thiệt hại được thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự. Việc điều tra, giải quyết vụ việc thuộc thẩm quyền của Công an cấp huyện nơi xảy ra vụ tai nạn.
Về trách nhiệm của chủ xe, hành vi giao xe của người chưa có giấy phép lái xe sẽ không bị xử lý hình sự do việc gây tai nạn dưới hầm không phải hành vi vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ.
Tuy nhiên, người này sẽ có trách nhiệm cùng nam bảo vệ liên đới bồi thường cho nạn nhân vụ tai nạn.