Nhật Bản viện trợ gần 500 tỷ đồng giúp Việt Nam phòng, chống dịch Covid-19
GS.TS Nguyễn Thanh Long, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Việt Nam và Ngài Yamada Takio, Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam tham dự buổi lễ.
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang diễn ra trên toàn cầu và tại Việt Nam với những diễn biến phức tạp, nhiều ca mắc và tử vong, Chính phủ Nhật Bản đã quyết định dành cho Việt Nam khoản viện trợ phi Dự án: “Cung cấp trang thiết bị y tế cho 4 bệnh viện Trung ương”.
Mục tiêu chung của khoản viện trợ này là hỗ trợ kỹ thuật nâng cấp các trang thiết bị y tế đối với 4 bệnh viện của Bộ Y tế đủ khả năng đáp ứng nhu cầu phòng, chống đại dịch Covid-19, hạn chế tỷ lệ mắc và tử vong do SARS-CoV-2; đáp ứng các nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh và nâng cao chất lượng sức khỏe của nhân dân.
Tổng giá trị khoản viện trợ ODA không hoàn lại trị giá 2 tỷ Yên Nhật, trong đó phía Việt Nam thụ hưởng 1,8 tỷ Yên, tương đương khoảng 455 tỷ đồng. Phía dại lý chỉ định của Chính phủ Nhật Bản khoảng 200 triệu Yên.
Khoản viện trợ nhằm tăng cường năng lực cho 4 bệnh viện trong công tác khám, chữa bệnh và ứng phó các đại dịch, thảm họa… thông qua mua sắm và bổ sung các trang thiết bị y tế cần thiết và phù hợp.
Cơ quan chủ quản tiếp nhận viện trợ là Bộ Y tế, chủ Khoản viện trợ là Bệnh viện Phổi Trung ương. Địa điểm triển khai, tiếp nhận khoản viện trợ bao gồm: Bệnh viện Phổi Trung ương, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương và Bệnh viện C Đà Nẵng. Khoản viện trợ được thực hiện trong khoản thời gian 18 tháng (8/2020 - 01/2022).
Phát biểu tại buổi lễ, GS. TS Nguyễn Thanh Long, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế đánh giá khoản viện trợ mà Chính phủ Nhật Bản dành cho Việt Nam là một trong những khoản viện trợ rất quý báu, Quyền Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long bày tỏ mong muốn những trang thiết bị sẽ sớm được cung cấp cho 4 bệnh viện thụ hưởng. Đồng thời, lãnh đạo Bộ Y tế yêu cầu 4 bệnh viện sẽ sử dụng các trang thiết bị một cách thiết thực, hiệu quả nhất để công tác chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ nhân dân, khám chữa bệnh ngày một nâng lên.
Phát biểu tại buổi lễ, ngài Đại sứ Yamada Takio cho hay Chính phủ Nhật Bản đánh giá cao vai trò của Bộ Y tế Việt Nam trong việc ngăn chặn, khống chế thành công đại dịch Covid-19 tại Việt Nam trong bối cảnh dịch bệnh này đang lây lan mạnh mẽ và chưa có dấu hiệu dừng lại trên thế giới.
Ngài Đại sứ cho biết, khi Nhật Bản rơi vào tình trạng khan hiếm khẩu trang trong mùa xuân năm nay, Chính phủ Việt Nam đã gửi tặng hơn 1,2 triệu chiếc khẩu trang cho người dân Nhật Bản.
“Món quà khẩu trang đó đã được người dân Nhật Bản chúng tôi rất trân trọng và chúng tôi cảm ơn món quà cùng tình cảm ấm áp của người dân Việt Nam”, ngài Đại sứ chia sẻ.
Ngài Đại sứ bày tỏ sự vui mừng khi hai bên cùng nhau ký kết công hàm trao đổi dự án viện trợ không hoàn lại “Cung cấp trang thiết bị y tế cho 4 bệnh viện Trung ương” do Chính phủ Nhật Bản tài trợ với khoản viện trợ 2 tỷ Yên.
Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long và Ngài Yamada Takio- Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam cùng ký kết/trao Công hàm trao đổi giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Nhật Bản về khoản viện trợ không hoàn lại phòng chống dịch Covid-19 |
Khoản viện trợ này là sáng kiến của ngài Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nhật Bản nhằm cung cấp các trang thiết bị y tế một cách nhanh nhất cho các nước, trong đó có Việt Nam, để tăng cường năng lực trong lĩnh vực y tế.
Sau lễ ký, Quyền Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long và Đại sứ Yamada Takio đã thảo luận một số vấn đề y tế liên quan tới việc nối lại đường bay thương mại giữa hai nước.
Trong những năm qua, quan hệ hợp tác y tế giữa hai nước Việt Nam và Nhật Bản không ngừng được mở rộng và phát triển. Nhật Bản hiện là một trong những nhà tài trợ ODA song phương lớn nhất cho ngành y tế nói riêng.
Thông qua Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), Chính phủ Nhật Bản đã hỗ trợ cho ngành Y tế Việt Nam nhiều dự án viện trợ không hoàn lại, hợp tác kỹ thuật và nguồn vốn vay ưu đãi.
Các dự án hợp tác với Nhật Bản đều được thực hiện rất hiệu quả, toàn diện và bền vững, mang lại những đóng góp tích cực cho công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, bao gồm tăng cường năng lực y tế dự phòng và phòng chống dịch bệnh; đầu tư cơ sở hạ tầng bệnh viện, chẩn đoán, điều trị, chăm sóc người bệnh và quản lý bệnh viện.