Nhật Thảo - giọng ca ngủ quên và cuộc lãng du lạ lùng trên con đường nghệ thuật
Giọng ca Opera Phúc Tiệp tiết lộ lý do bén duyên nhạc xưa |
Một giọng hát sầu đẹp “ngủ quên”
Nhật Thảo không phải một gương mặt quen của giới giải trí, dù không còn trẻ. 6 tuổi đã lên sân khấu, cả quãng đời niên thiếu tham gia vào đội văn nghệ thành phố, tuy nhiên chưa bao giờ cô gái xứ Thanh có suy nghĩ mình sẽ theo đuổi con đường ca hát chuyên nghiệp.
Có lẽ, vì tuổi thơ nhiều sóng gió nên Nhật Thảo chỉ mong bình yên, sợ đi con đường gập ghềnh, sợ những trái ngang mà đời nghệ sĩ có thể đem đến. Sau 8 năm được đào tạo tại Nhạc viện, ra trường Nhật Thảo tạm gác tấm bằng tốt nghiệp ở đó, may mắn được hiện thực hoá ước mơ từ thuở bé - một phóng viên mang tên Nhật Thảo cũng bắt đầu từ đây.
Ca sĩ Nhật Thảo |
Tuy không đi theo con đường chuyên nghiệp nhưng với Nhật Thảo âm nhạc vẫn là một tình yêu, đam mê ở trong huyết quản, và hơn thế nó còn cho cô rất nhiều điều tốt đẹp trong cuộc sống.
Nhật Thảo không theo ca hát chuyên nghiệp, nhưng cô lại có cách sống với đam mê theo kiểu của mình. Kiểu của một người mà “máu” nghệ sĩ đậm đặc và rất cầu toàn. Ngay từ những ngày còn học trung cấp tại Nhạc viện, Nhật Thảo đã mong muốn thực hiện một album cho riêng mình. Cần mẫn đi học rồi đi làm kiếm tiền, dư được đồng nào, cô gom góp làm album đầu tay mang tên “Khoảng lặng” ra mắt năm 2008.
Không chịu giống bạn bè, cô đi thuê phối khí 3 triệu/bài, có bài phối đi phối lại ba lần, tổng tiền lên tới là 9 triệu. Dù chỉ in 200 bản để tặng mọi người làm kỷ niệm nhưng Nhật Thảo đã rất nghiêm túc với cuộc chơi của mình. Nhật Thảo thật sự đã rất “lạ lùng” từ những ngày ban đầu như thế.
Năm 2011 ra trường, Nhật Thảo về Đài Tiếng nói Việt Nam, kênh VOV TV. Lúc đó mọi người đề nghị cô vào nhà hát Đài tiếng nói Việt Nam làm ca sĩ, nhưng cô khăng khăng chỉ thích làm phóng viên. Sau đó Nhật Thảo thi đậu biên chế, tập trung làm báo, chuyển sang Truyền hình Quốc hội và từ đó, các tụ điểm ca nhạc không còn thấy cô xuất hiện.
Âm nhạc luôn ở trong máu, là đam mê cả một đời, nuôi dưỡng trái tim, tâm hồn Nhật Thảo. Nhật Thảo chưa bao giờ xa nó mà chỉ là chọn cách yêu nó rất khác. Cách yêu của một kẻ lãng du, rong chơi, làm âm nhạc vì thích, vì mê, làm những gì mình thích chứ không sống chết với nó, bó buộc vào nó bởi sự nghiệp. Cô nàng lãng du ấy khi sắp bước vào tuổi 40 lại gom góp tiền bạc làm một đĩa nhạc kỷ niệm có tên “Kỳ Diệu” ra mắt cuối năm 2021. Với tâm tưởng làm cho mình, cho thỏa tình yêu âm nhạc của mình nhưng thật bất ngờ khi “Kỳ Diệu” đã mang rất nhiều điều kỳ diệu đến với Nhật Thảo.
Người ta thường nói hát nhạc xưa muốn hay thì cần từng trải, thấu cảm, người nghệ sĩ muốn hát hay cũng phải có nhiều thăng trầm mới tạo nên tầng tầng lớp lớp cảm xúc. Nhật Thảo cũng từng nghĩ như vậy. Chính trong thời gian thu âm album “Những ngày thơ mộng” lại là lúc cô bình yên và thư thái nhất, khiến có lúc cô hoang mang hỏi ê-kíp: “Em phải làm sao đây khi cuộc sống của em đang yên bình mà album của em toàn bài sầu đau, nếu em vẫn đang buồn đang thất tình thì có phải hợp hơn không?”.
Những rồi cùng với những chỉ dạy của ca sĩ Tuấn Anh và nghệ sĩ Đạo Nguyễn, Nhật Thảo hiểu ra, một người làm nghệ thuật chuyên nghiệp không thể bị chi phối cảm xúc quá nhiều, mà phải dùng tư duy tách bạch. Những gì đã qua trong cuộc sống có thể là chất liệu, xúc tác nhưng không thể lúc nào cũng vin vào nó, cần phải hiểu về tác phẩm một cách sâu và chuẩn nhất.
Chính vì vậy quá trình tập album “Những ngày thơ mộng”, tìm hiểu tác phẩm "Kiếp nào có yêu nhau", Nhật Thảo khóc rất nhiều trước câu chuyện về sự ra đời bài thơ của tác giả Minh Đức Hoài Trinh, là nỗi đau của hai người yêu nhau phải chia lìa bởi cái chết. “Đó là lúc tôi hoá thân vào nhân vật, dùng cảm xúc của nhân vật để hát chứ không còn là cảm xúc từ cuộc đời mình nữa” - Nhật Thảo nhớ lại.
Sự tái sinh trong âm nhạc, cuộc sống với “Những ngày thơ mộng”
Album là sự hỗ trợ của nhiều người, để giọng hát đẹp Nhật Thảo được tái sinh, để những ca khúc bất hủ được khán giả tiếp tục yêu mến. Cho đến tận khi ra mắt album này, Nhật Thảo mới chỉ phải bỏ ra duy nhất tài nguyên sẵn có của mình là giọng hát, 1 phần được Audiospace - nhà phát hành ứng trước chi phí cũng như 1 phần sự động viên của ekip với câu nói “Em chỉ việc chuyên tâm vào thu, mọi thứ để sau hãy nghĩ tới”.
Từng ở trong vỏ ốc nhưng Nhật Thảo đã được ca sĩ Tuấn Anh lôi ra ánh sáng. Từ ngày đi hát lại, những người xung quanh thấy Nhật Thảo với một tâm thế khác, vui tươi hơn, bớt khó tính, tự cởi trói cho bản thân để được rộng mở tâm hồn với cuộc đời.
Album “Những ngày thơ mộng” đã tái sinh Nhật Thảo về tất cả, từ giọng hát đến cuộc sống. Tuy nhiên khi được hỏi có ân hận vì quãng thời gian hơn mười năm vì lựa chọn báo chí mà để con đường nghệ thuật dang dở, Nhật Thảo bảo, cô không nuối tiếc vì vẫn được sống với âm nhạc theo cách riêng của chính mình - một kẻ lãng du, rong chơi bằng cảm xúc.
Album “Những ngày thơ mộng” được ra đời dịp cuối năm, cũng là sự tri ân của Nhật Thảo đến với những người mà cô rất biết ơn trong đời mình. Cô biết ơn ca sĩ Anh Thơ, người thầy đầu tiên của cô trên con đường âm nhạc, biết ơn phòng thu Mạnh skull đã giúp đỡ cô 2 album kỷ niệm đầu tiên, rồi ca sĩ Tuấn Anh - người đã thúc giục cô “tỉnh dậy” và ra khỏi vỏ ốc của mình, Đạo Nguyễn - người khai mở nhiều tâm thức cho cô trong âm nhạc, đến phòng trà Trịnh Ca - nơi đã giúp cô thay đổi hoàn toàn quan niệm về hát nhạc xưa cũng như bồi dưỡng cho sự chuyên nghiệp của cô.
Rồi đến những nhóm bạn thân của cô - những người đã thương cô như chính người thân, luôn ở bên cô trong mọi vui buồn, luôn động viên, cổ vũ cô phát hành album này, không thể không nói lời biết ơn đến Audio Hà Nội- nơi đã giúp cô có một ngày họp báo thật tinh tế, ấm cúng và ý nghĩa…. Cô còn biết ơn tới những người, những điều đã đến như nhân duyên mà số phận đã ưu ái dành tặng cô. Nhật Thảo nói, cô quá hạnh phúc vì có tất cả những điều ấy.