Nhiều phụ nữ nông thôn chưa được đáp ứng nhu cầu tránh thai
Theo một khảo sát của tổ chức Marie Stopes, nhiều phụ nữ ở nông thôn Việt Nam có nhu cầu sử dụng biện pháp tránh thai nhưng chưa được đáp ứng. Có nhiều nguyên nhân để lý giải điều này, trong đó đáng lưu ý nhất có lẽ là sự thay đổi về nhận thức của phụ nữ nông thôn đối với kế hoạch hóa gia đình và việc áp dụng các biện pháp tránh thai.
Các nghiên cứu cho thấy hầu hết các biện pháp kế hoạch hoá gia đình đều được người phụ nữ tiếp cận và biết sử dụng. Cùng với tiến bộ của khoa học - kỹ thuật và tiến bộ xã hội, các biện pháp y tế dường như đã mang lại hiệu quả đáng kể trong việc điều hòa sự phát triển dân số. Tuy nhiên, nếu chỉ đơn thuần chỉ là những phương tiện kỹ thuật thì chưa đủ, mà nó còn phụ thuộc nhiều vào bản thân những người sử dụng các phương tiện kỹ thuật đó. Hiện nay việc sử dụng các phương tiện phòng tránh thai đều đặt dưới sự quản lý chặt chẽ của chính quyền cơ sở.
Các cuộc khảo sát cho thấy, hầu hết phụ nữ được biết về các biện pháp kế hoạch hóa gia đình là do các cấp chính quyền phổ biến. Hiện nay, điều kiện kinh tế - xã hội ở các vùng nông thôn đã có một sự biến đổi rõ rệt, ảnh hưởng tới đời sống của người nông dân. Sự biến đổi này đã có tác động nhất định tới nhu cầu về con ở mỗi người phụ nữ. Nhu cầu đó đã chi phối hành vi ứng xử của họ đối với các biện pháp kế hoạch hóa gia đình.
Bà Nguyễn Thị Bích Hằng, Trưởng Đại diện Tổ chức phi chính phủ Marie Stopes tại Việt Nam, cho biết một khảo sát mới đây cho thấy rất nhiều phụ nữ ở các vùng nông thôn Việt Nam có nhu cầu sử dụng biện pháp tránh thai nhưng chưa được đáp ứng. Bên cạnh đó, các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình ở các tuyến xã còn rất hạn chế.
Cụ thể có 42,3% trạm y tế không thường xuyên thực hiện dịch vụ đặt vòng, 23% người cung cấp dịch vụ tuyến xã gặp khó khăn khi đặt dụng cụ tử cung do chưa được tập huấn đầy đủ, không đủ trang thiết bị, hoặc ít thực hiện, cơ cấu sử dụng phương tiện tránh thai chưa đa dạng. Ngoài ra, ngân sách quốc gia cho kế hoạch hóa gia đình hằng năm liên tục giảm và chậm giải ngân.
Trước thực trạng trên, Marie Stopes đã đưa ra mô hình tăng cường năng lực cung ứng dịch vụ kế hoạch hóa gia đình và thực hiện tại 17 tỉnh với số tiền hỗ trợ 105 tỉ đồng. Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình cũng cam kết đối ứng tối thiểu hơn 50% để thực hiện chương trình.