Nhóm "tài năng" công nghệ lập website giả, chiếm đoạt nhiều tỉ đồng
Điều tra viên lấy lời khai của các bị can trong vụ án do nam sinh lớp 12 cầm đầu, lập website giả để chiếm đoạt tài sản
Bài liên quan
Cảnh báo nhiều trang web quảng cáo thực phẩm chức năng vi phạm quy định
Cảnh giác với các trang web "thổi phồng" công dụng thực phẩm chức năng
Công an tỉnh Bắc Ninh vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 7 đối tượng về hành vi Sử dụng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, chiếm đoạt hơn 10 tỷ đồng. Đây là vụ án do nam sinh lớp 12 cầm đầu đã lập các website giả để hack mật khẩu Facebook, từ đó chiếm đoạt hơn 10 tỷ đồng của trên 100 nạn nhân.
Cũng theo cơ quan điều tra, để triệt phá thành công vụ án, Công an tỉnh Bắc Ninh đã phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an), Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế, Công an tỉnh Quảng Trị điều tra, làm rõ và tóm gọn 7 đối tượng hoạt động liên tỉnh, có sự câu kết với nhau liên tiếp gây ra hơn 100 vụ xâm nhập hack tài khoản Facebook và chiếm đoạt hơn 10 tỷ đồng của hơn 100 bị hại trên cả nước.
Danh tính các đối tượng bị khởi tố gồm: Phạm Xuân Thái (18 tuổi); Lê Viết Quý (26 tuổi); Cao Đăng Nhu (25 tuổi), cùng trú tại tỉnh Quảng Trị; Trịnh Minh Vương (30 tuổi); Nguyễn Văn Điền (23 tuổi); Lê Hữu Quý (27 tuổi) và Trịnh Hà Sơn Bình (34 tuổi), cùng ở tỉnh Thừa Thiên Huế, trong đó kẻ cầm đầu ổ nhóm trên là Phạm Xuân Thái.
Thái đang là học sinh lớp 12, rất am hiểu công nghệ thông tin. Thái đã lập trình, tạo ra các website giả mạo có dạng: Bình chọn giọng hát Việt nhí, Bình chọn danh lam thắng cảnh… sau đó gửi đường link trang web này đến các tài khoản Facebook của những người Việt đang sinh sống và làm việc tại nước ngoài.
Khi chủ tài khoản đăng nhập bình chọn, đối tượng sẽ có mật khẩu (password) rồi chiếm quyền sử dụng tài khoản Facebook và thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.
Bên cạnh đó, các đối tượng còn gửi các đường link giả mạo ngân hàng để các nạn nhân truy cập, khai báo thông tin tài khoản ngân hàng. Sau khi thu thập đầy đủ mật khẩu, mã OTP của chủ tài khoản, các đối tượng lập tức chuyển toàn bộ tiền trong tài khoản của nạn nhân vào các tài khoản của chúng.
Số tiền chiếm đoạt được Thái đã chuyển vào các tài khoản ngân hàng do Viết Quý, Nhu và Vương cung cấp. Sau đó Vương chia nhỏ sang các tài khoản khác nhau để đối tượng Điền, Hữu Quý và Bình đi rút tiền về chia nhau. Mỗi lần chiếm đoạt tài sản trót lọt, Thái được hưởng 70% số tiền chiếm đoạt được, những người còn lại hưởng từ 5-10%.
Trong thời gian từ đầu năm 2020 đến nay, nhóm đối tượng trên đã sử dụng 14 tài khoản ngân hàng ảo để chiếm đoạt số tiền hơn 10 tỷ đồng của hơn 100 bị hại trên cả nước, trong đó có các bị hại trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh. Hiện cơ quan chức năng đang tiếp tục điều tra, làm rõ vụ án.
Luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP Hà Nội |
Trao đổi với PV báo Tuổi trẻ Thủ đô về vụ án trên, luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết: Theo thông tin mà cơ quan điều tra cung cấp thì đối tượng Thái trong vụ án này là kẻ có tài nhưng không sử dụng tài năng của mình góp ích cho xã hội mà lại sử dụng khả năng đặc biệt của mình để chiếm đoạt tài sản của người khác.
"Có lẽ ít đứa trẻ nào khi đang còn học phổ thông trung học mà có khả năng lập trình đến vậy. Không những thế đối tượng còn thực hiện các hành vi chiếm đoạt tài sản bằng các phương tiện điện tử một cách hết sức tinh vi. Số nạn nhân lên đến hơn 100 người và số tiền chiếm đoạt là hơn 10 tỷ đồng, con số rất bất ngờ về hành vi phạm tội. Cơ quan điều tra sẽ làm rõ hành vi, vai trò của từng đối tượng và hậu quả xảy ra để xác định trách nhiệm pháp lý theo quy định của pháp luật", luật sư Cường nói.
Luật sư Cường cho biết thêm, theo tài liệu cơ quan điều tra, các đối tượng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội danh theo quy định tại điều 290 Bộ luật hình sự năm 2015. Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để chiếm đoạt tài sản của người khác là trực tiếp xâm phạm quyền sở hữu tài sản của cá nhân, cơ quan, tổ chức thông qua việc sử dụng công cụ là mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử; xâm hại trật tự an toàn công cộng.
Với số tiền chiếm đoạt hơn 10 tỷ đồng của các bị hại, thì các đối tượng sẽ phải đối mặt với mức hình phạt cao nhất quy định tại khoản 4 của tội danh này là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.
Về nam sinh lớp 12 khi phạm tội chưa đủ 18 tuổi thì sẽ được áp dụng quy định về người chưa thành niên phạm tội, mức hình phạt sẽ không quá 18 năm tù. Cụ thể Điều 101 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định áp dụng hình phạt tù có thời hạn với người dưới 18 tuổi phạm tội như sau:
Đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 18 năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá ba phần tư mức phạt tù mà điều luật quy định;
Đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 12 năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá một phần hai mức phạt tù mà điều luật quy định.
Việc áp dụng hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội cũng phải tuân theo các nguyên tắc mà Điều 91 bộ luật hình sự đã quy định, cụ thể như sau:
1. Việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội phải bảo đảm lợi ích tốt nhất của người dưới 18 tuổi và chủ yếu nhằm mục đích giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh, trở thành công dân có ích cho xã hội.
Việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội phải căn cứ vào độ tuổi, khả năng nhận thức của họ về tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nguyên nhân và điều kiện gây ra tội phạm.
2. Người dưới 18 tuổi phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây và có nhiều tình tiết giảm nhẹ, tự nguyện khắc phục phần lớn hậu quả, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 29 của Bộ luật này, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng một trong các biện pháp quy định tại Mục 2 Chương này:
a) Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng, trừ tội phạm quy định tại các điều 134, 141, 171, 248, 249, 250, 251 và 252 của Bộ luật này; b) Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng quy định tại khoản 2 Điều 12 của Bộ luật này, trừ tội phạm quy định tại các điều 123, 134, 141, 142, 144, 150, 151, 168, 171, 248, 249, 250, 251 và 252 của Bộ luật này; c) Người dưới 18 tuổi là người đồng phạm có vai trò không đáng kể trong vụ án.
3. Việc truy cứu trách nhiệm hình sự người dưới 18 tuổi phạm tội chỉ trong trường hợp cần thiết và phải căn cứ vào những đặc điểm về nhân thân của họ, tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội và yêu cầu của việc phòng ngừa tội phạm…