Những thầy thuốc điều trị bệnh nhân thận tạo tại tâm dịch Hải Dương
Đảm bảo tối đa “cứ địa” trọng yếu
Một trong 3 nguyên tắc vàng trong điều trị được Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh Bộ Y tế Nguyễn Trọng Khoa đưa ra ngay từ đầu với tâm dịch Hải Dương là phải bảo vệ được những bệnh nhân nền, bệnh nhân thận nhân tạo.
TTYT huyện Ninh Giang là một trong những cơ sở y tế tuyến huyện có số lượng bệnh nhân chạy thận nhân tạo đứng thứ 2 trong toàn tỉnh Hải Dương với 72 bệnh nhân thuộc địa bàn 3 tỉnh: Hải Dương, Thái Bình, Hải Phòng.
Những ngày qua, dịch Covid-19 bùng phát mạnh mẽ tại Hải Dương, 17 bệnh nhân ngoại tỉnh điều trị tại TT Y tế Ninh Giang không thể trở về nhà.
Nhân viên y tế sát khuẩn máy chạy thận |
BS Đặng Văn Nguyên, Giám đốc TTYT huyện Ninh Giang (phải) đang động viên bệnh nhân Hoàng Hữu Chính (48 tuổi, quê Hải Phòng) ổn định tâm lý để điều trị |
Bác sĩ Đặng Văn Nguyên - Giám đốc TTYT huyện Ninh Giang cho biết: “Ngay từ đầu chúng tôi đã xác định phải quan tâm đặc biệt đến những bệnh nhân chạy thận, bệnh nhân yếu thế trong phòng chống dịch Covid-19.
Bệnh nhân chạy thận ngày thường đã khó trăm bề nay lại càng khó khăn hơn. Đối với các bệnh nhân ngoại tỉnh, chúng tôi không chỉ chú trọng đến công tác điều trị để đảm bảo an toàn, mà còn cố gắng tối đa để người dân có nơi ăn nghỉ đảm bảo hồi phục sức khỏe trong những ngày không thể trở về với gia đình”.
Những ngày qua các bác sĩ của đơn vị Thận Nhân tạo thuộc Khoa Hối sức cấp cứu, TTYT huyện Ninh Giang vất vả hơn hẳn ngày thường.
Bác sĩ Quách Xuân Loan - phụ trách đơn vị từ Tết nay, chưa về thăm vợ con. Nỗi niềm của một bác sĩ 36 tuổi trong những ngày này thật đặc biệt: “Mình không được về nhà nhưng lại được đồng hành cùng những bệnh nhân chạy thận. Những bệnh nhân mà mình coi như người thân vì điều trị gần như thường xuyên. Bệnh nhân chạy thận như mang quả “bom nổ chậm” bên mình, khó khăn đủ đường nên anh em bác sĩ ai cũng quan tâm, động viên”.
Những ân tình từ trái tim
Hải Dương thực hiện giãn cách xã hội trên phạm vi toàn tỉnh, những bệnh nhân ngoại tỉnh không thể về quê mà ở lại thì lại không biết bấu víu vào đâu. Thấu hiểu nỗi trăn trở đó, chính Giám đốc của TTYT Ninh Giang và các y bác sĩ đã đi gặp từng nhà dân để thuê trọ cho bà con. Ban đầu, ai cũng mang tâm lý lo lắng vì sợ lây nhiễm Covid-19.
Bác sĩ Đặng Văn Nguyên tâm sự: “Bà con lo sợ vì Ninh Giang vừa qua cũng là cơ sở điều trị Covid-19. Chúng tôi thuyết phục để bà con hiểu. Những lúc hoạn nạn mới thấm thía ân tình. Nhiều cán bộ địa phương còn ứng trước tiền túi để trả tiền phòng cho bệnh nhân chạy thận. Cô giáo Phạm Thị Thuyến - Hiệu trưởng trường THCS Thành Nhân khi nghe yêu cầu cũng sẵn sàng hỗ trợ, tiếp ứng cho TTYT”.
17 bệnh nhân thận nhân tạo được chia làm 2 khu ở: nhà trọ trong dân và trường THCS Thành Nhân.
Bệnh nhân Nguyễn Xuân Minh (73 tuổi, quê Thái Bình, chạy thận 4 năm tại TTYT Ninh Giang nghẹn ngào: “Bệnh nhân chạy thận chúng tôi nghèo tiền, nghèo bạc mà lắm lúc nghèo luôn cả nụ cười vì mỗi lần chạy thận xong về chỉ muốn nghỉ ngơi. Những lúc như thế này, được các y bác sĩ quan tâm chúng tôi thấy ấm áp lắm. Bác sĩ Loan như con cháu trong nhà. Lắm lúc thấy tôi buồn vì Tết xa nhà lại thăm hỏi động viên ngay”.
Còn anh Nguyễn Hữu Sơn (34 tuổi, chạy thận đã 10 năm) thì thấy những này này quá đỗi đặc biệt: “Chúng tôi may mắn khi được ở đây trong những ngày này. Cơm thì đã có căng tin bệnh viện. Tắm giặt thì có nóng lạnh của nhà trường. Vậy là tạm ổn cho cuộc sống rồi. Tôi mang ơn các y bác sĩ lắm. Không có họ làm sao tôi sống được đến bây giờ”.
Chúng tôi không khỏi xúc động trước hình ảnh bác sĩ Loan xem phim chụp và các chỉ số rồi chỉ bảo tận tình cho các bệnh nhân của TTYT ngay tại nơi ăn nghỉ của họ. “Hai chai nước rửa tay này hôm qua bác sĩ Loan vừa mới bảo chúng tôi đêm về rửa tay thường xuyên cho an toàn đấy!”- bệnh nhân Nguyễn Hữu Chính (48 tuổi, đã chạy thận 8 năm, quê ở Hải Phòng) nói.
“Lương y như từ mẫu” không phải là câu từ hoa mỹ mà là những điều chúng tôi đã thực chứng ở khắp những chiến tuyến của cuộc chiến chống Covid-19 ở Hải Dương. Người lao mình vào tuyến đầu chống dịch, người ở lại bảo vệ cho những bệnh nhân có nguy cơ cao. Mỗi một bác sĩ, nhân viên y tế đều có một nhiệm vụ riêng. Giữa những khó khăn, căng thẳng của dịch bệnh, sứ mệnh đồng hành cùng người bệnh đã trở thành điều thiêng liêng sau màu áo blouse trắng.
Chào tạm biệt các bệnh nhân, chúng tôi ám ảnh mãi với câu nói của bác sĩ Loan: “Chúng tôi với các bệnh nhân chạy thận có ân tình với nhau. Khó nói lắm nhưng nó là ân tình từ trái tim. Dù có virus nguy hiểm hơn Covid-19 nữa, chúng tôi cũng không bao giờ bỏ rơi họ!”.