Nỗ lực thực hiện “kỳ tích” đường sắt đô thị
Đề xuất chính sách đặc thù bồi thường dự án đường sắt đô thị Tiếp tục hoàn thiện đề án tổng thể đầu tư đường sắt đô thị Kiến nghị kéo dài tuyến đường sắt đô thị đến thị xã Sơn Tây |
Từng bước thể hiện được tính ưu việt
Việc phát triển vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn là giải pháp căn cơ giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông và vấn đề ô nhiễm môi trường đang diễn ra nhức nhối tại nhiều đô thị lớn như Hà Nội. Trong đó, việc phát triển mạng lưới đường sắt đô thị được xem là “xương sống” của vận tải hành khách công cộng.
Ngày càng nhiều người dân lựa chọn di chuyển bằng đường sắt đô thị |
Hiệu quả từ việc vận hành tuyến đường sắt đô thị 2A Cát Linh - Hà Đông đã cho thấy điều đó. Tuyến 2A Cát Linh - Hà Đông được đưa vào khai thác vận hành từ ngày 6/11/2021. Sau gần 3 năm đi vào khai thác, tổng sản lượng hành khách phục vụ đã lên tới con số hàng triệu hành khách, với 24.500 lượt tàu an toàn. Qua đánh giá, theo dõi quá trình vận hành khai thác tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông cho thấy, đường sắt đô thị từng bước thể hiện được tính ưu việt và tạo ra xu thế giao thông công cộng văn minh, hiện đại. Người dân đánh giá rất cao và hài lòng về loại hình vận tải hành khách công cộng bằng dường sắt đô thị.
Đối với tuyến đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội, đến nay, thành phố Hà Nội đã vận hành thử đoạn trên cao; hoàn thành thẩm duyệt phòng cháy, chữa cháy, đào tạo nhân sự. Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính đã chỉ đạo triển khai đánh giá, chứng nhận an toàn hệ thống; tổ chức kiểm tra hiện trường, rà soát các điều kiện nghiệm thu; hoàn thiện thủ tục và ký kết phân bổ vốn vay cho đoạn đi ngầm; thành lập hội đồng thẩm định cấp giấy phép môi trường.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, dự kiến cuối tháng 7/2024 sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng đoạn trên cao tuyến đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội.
Theo Quy hoạch Giao thông vận tải Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2016, Hà Nội sẽ đầu tư xây dựng 10 tuyến ĐSĐT với hơn 300km.
Tuy nhiên, căn cứ thực tế phát triển của thành phố cũng như kinh nghiệm quốc tế, nhằm nâng cao năng lực của ĐSĐT tương xứng với vị thế, quy mô của Thủ đô, thành phố đã tiếp tục nghiên cứu, lên kế hoạch bổ sung thêm 5 tuyến ĐSĐT mới, nâng tổng số lên 15 tuyến với hơn 600km, phấn đấu hoàn thành vào năm 2045.
Theo Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội, hệ thống đường sắt đô thị Hà Nội bắt đầu xây dựng từ năm 2007, tuy nhiên tiến độ triển khai chậm, không đáp ứng nhu cầu vận tải, hạ tầng giao thông và không bắt kịp tốc độ đô thị hóa mạnh mẽ hiện nay. Tình trạng mất cân đối về thị phần vận tải giữa các phương thức đã dẫn đến nhiều hệ lụy như ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm, chi phí vận tải lớn, ô nhiễm môi trường… Do vậy, việc sớm hoàn thành đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị là cần thiết, góp phần tăng cường năng lực cơ sở hạ tầng giao thông, tạo động lực mới trong phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.
Dự kiến sau khi đưa vào khai thác, hệ thống đường sắt đô thị có khả năng vận chuyển khoảng 3,2 triệu lượt khách/ngày, chiếm 35-40% thị phần vận tải hành khách công cộng khu vực đô thị trung tâm và khoảng 20% ở khu vực ngoại ô. Muốn làm được điều đó, Hà Nội cần có những đột phá, nhất là về cơ chế chính sách trong xây dựng hệ thống đường sắt đô thị.
Đề xuất 5 nhóm giải pháp với 23 chính sách
Để tháo gỡ các vướng mắc, hoàn thành các mục tiêu đề ra, UBND TP Hà Nội đã xây dựng Đề án tổng thể chi tiết nhằm mục tiêu hoàn thiện mạng lưới đường sắt đô thị (ĐSĐT) theo quy hoạch trước năm 2035, mở rộng thêm đến năm 2045.
Đoạn trên cao tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội đã được cấp chứng nhận an toàn hệ thống. Ảnh: Trung Nguyên |
Đề án với 5 nhóm giải pháp gồm 23 chính sách, được xem là kịch bản chi tiết nhất, cụ thể và đầy đủ nhất từng bước hiện thực hóa kỳ vọng hoàn thiện mạng lưới ĐSĐT của Hà Nội.
Đề án không chỉ đưa ra một danh mục các tuyến ĐSĐT được bố trí khoa học, hợp lý, đón đầu xu thế đô thị hóa của Thủ đô mà còn xác một lộ trình cực kỳ chi tiết với “1 kế hoạch, 3 phân kỳ”. Trong đó làm rõ giai đoạn 1 đến năm 2030, thành phố hoàn thành xây dựng 96,8km ĐSĐT của 3 tuyến, đưa vào vận hành 680 toa xe, đáp ứng 7 - 8% nhu cầu vận tải hành khách công cộng.
Giai đoạn 2 từ năm 2030 - 2035, thành phố hoàn thành xây dựng 301km ĐSĐT của 7 tuyến, đưa vào vận hành 2.110 toa xe, nâng mức đảm nhận vận tải hành khách công cộng của TP lên 35 - 40%. Giai đoạn 3 từ năm 2035 - 2045, thành phố hoàn thành xây dựng 196,2km của các tuyến còn lại; đưa vào vận hành khoảng 1.375 toa xe, hoàn thành mạng lưới ĐSĐT của Thủ đô.
5 nhóm giải pháp được Hà Nội đề xuất cho ĐSĐT tập trung vào các lĩnh vực: Quy hoạch; thu hồi đất, đền bù, hỗ trợ, tái định cư; huy động nguồn vốn; lập, đề xuất dự án; thủ tục quyết định chủ trương đầu tư; quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, công nghệ. Có thể nói, Đề án đã cho thấy sự quyết tâm, tập trung cao nhất của Hà Nội cho ĐSĐT.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, hiện tại dự thảo Đề án cũng đang đề xuất theo hướng ưu tiên giải quyết là việc lựa chọn áp dụng một hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật, công nghệ chung, đồng bộ cho toàn bộ mạng lưới đường sắt đô thị của các địa phương. UBND thành phố sẽ chỉ đạo thành viên Tổ công tác, Ban Quản lý đường sắt đô thị tiếp tục nghiên cứu, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Thành phố Hồ Chí Minh để hoàn thiện nội dung đề xuất.
Cùng với đó, UBND thành phố sẽ chỉ đạo thành viên Tổ công tác, Ban Quản lý đường sắt đô thị rà soát, hoàn thiện nội dung Đề án cũng như thúc đẩy thủ tục chuẩn bị đầu tư tuyến 2A kéo dài (Cát Linh - Hà Đông kéo dài) và các tuyến đã có nghiên cứu và dự kiến hoàn thành trong phân kỳ đầu tiên của Đề án (đến năm 2030).
Tại Phiên họp thứ 2 của Tổ công tác giúp việc Ban Chỉ đạo để chỉ đạo tiến độ triển khai các công trình, dự án đường sắt đô thị thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà yêu cầu, UBND thành phố Hà Nội phấn đấu đưa vào khai thác đoạn trên cao tuyến đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội sớm hơn tiến độ đề ra.
Về đề án phát triển mạng lưới đường sắt đô thị, Hà Nội cần tham khảo kinh nghiệm của một số quốc gia có mạng lưới tàu điện ngầm phát triển, đây là cơ sở để đề án đưa ra phương án đầy đủ, khả thi về tiếp nhận, chuyển giao công nghệ xây dựng công trình ngầm, đầu máy, toa xe, quản lý, vận hành, đào tạo nhân lực… nhằm xây dựng ngành công nghiệp đường sắt đồng bộ, hiện đại.