Nỗi lo an toàn tại các khu chung cư
Cư dân chung cư cũ ở Hà Nội đã thấy... "ánh sáng cuối đường hầm" Một người đàn ông quốc tịch Mỹ bị đánh gãy nhiều xương sườn tại chung cư Petro Vietnam Landmark |
Nhiều nguyên nhân gây mất an toàn
Mới đây nhất, Công an huyện Đan Phượng (Hà Nội) đang điều tra vụ việc nhiều đối tượng dùng hung khí xông vào sảnh toà nhà HHB Tân Tây Đô (xã Tân Lập, huyện Đan Phượng, Hà Nội) hành hung cư dân.
Nguyên nhân ban đầu được xác định là do nhiều người ở bãi giữ xe đã gây sức ép, yêu cầu anh T đem xe ra đỗ ở khu vực khác. Trước đó, anh T đi làm về, đỗ xe tại khuôn viên khu đô thị.
Hai bên xảy ra cãi vã. Sau đó anh T đi về nhà thì bị gần chục thanh niên cầm hung khí đánh ngay ở sảnh toà chung cư. Anh T bị thương khá nặng và đang phải điều trị tại bệnh viện.
Đến sáng nay, 1/11, cơ quan công an đã xác định được một trong các đối tượng là người trông giữ bãi xe ngoài trời trong khu đô thị Tân Tây Đô. Theo cư dân sinh sống tại đây, bãi đỗ xe này hình thành từ lâu, lấn chiếm toàn bộ vỉa hè của các toà chung cư, gây ùn tắc, đặc biệt là bãi đỗ xe này không có giấy phép hoạt động.
Người dân không gửi phương tiện ở bãi xe trái phép bị nhiều đối tượng vây đánh ở Đan Phượng (ảnh cắt camera) |
Trước đó, tháng 8/2021, nhiều người dân tại chung cư Nam Xa La (phường Phúc La, Hà Đông, Hà Nội) bị đập phá xe ô tô. Một tháng sau, hàng loạt ô tô tại khu đô thị Trung Văn, quận Nam Từ Liêm bị tạt sơn vào thân xe, nắp capo và cửa kính. Có cư dân bị phá hoại ô tô một lần, một số hộ còn bị nhiều lần.
Điểm chung của các vụ việc này là các chung cư bị quá tải chỗ gửi xe; Một số cư dân không gửi xe vào bãi xe không phép gần đó nên mới dẫn đến sự việc trên.
Cũng trong thời gian này, nhiều ô tô của người dân ở khu đô thị Trung Văn (Nam Từ Liêm, Hà Nội) bị tạt sơn.
Được biết, khu vực để ở khu đô thị Trung Văn vốn là đất nông nghiệp, giao cho các hộ gia đình quản lý. Do đất hoang hóa không sử dụng nên một số đối tượng đã chiếm làm bãi xe trái phép.
Các đối tượng trên “ép” người dân phải gửi xe. Nếu ai không gửi sẽ phải mang xe ra khỏi khu vực dù là cư dân sống ngay ở tòa nhà đó. Điều này khiến người dân bức xúc, lo lắng.
Để “yên thân”, nhiều chủ xe chọn cách “ngậm bồ hòn làm ngọt”. Anh V.V.C (Nam Từ Liêm) chia sẻ: “Trước khi về chung cư tôi đã tìm hiểu rồi, nếu không gửi xe ở bãi kiểu như trên thì lại nơm nớp lo xe bẻ gương, chọc thủng lốp hay tạt sơn; Thậm chí còn trở thành “cái gai” trong mắt các đối tượng trông giữ xe “lậu”. Xung đột, mất an ninh trật tự, phá hoại tài sản, dằn mặt, trả thù, xô xát cũng từ đây mà ra. Như thế, người dân vừa ức mà vẫn phải đi sửa xe, thiệt hại gấp nhiều lần. Nếu gửi xe thì cũng chả có cơ sở nào mà bắt đền khi mất cắp hoặc các rủi ro khác. Đã thế, mỗi tháng cư dân vẫn mất tiền triệu cho… người lạ".
Pháp luật không "nương tay” với hoạt động phạm tội
Nhiều đối tượng sau khi được xác định có những hành vi cố tình ép, gây hoang mang cho cư dân cũng đã bị pháp luật xử lý.
Vụ việc xảy ra tại phường Phúc La, Công an phường Phúc La đã xác minh ông Nguyễn Công Đoàn (sinh năm 1988) là người có liên quan đến các hành vi gây mất trật tự công cộng, vi phạm quy định phòng chống Covid-19, đúng như phản ánh của người dân. Cộng với các hành vi “trông giữ xe sai quy định”, “có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác”, người đàn ông này bị xử phạt tổng cộng 7,2 triệu đồng.
Pháp luật Việt Nam hiện hành quy định, các hành vi phá hoại, tạt sơn, làm xước kính, vẽ bậy lên xe dù bất cứ lý do nào cũng vi phạm pháp luật. Ngoài bị xử phạt hành chính, bị buộc bồi thường thiệt hại theo Bộ luật dân sự, các đối tượng vi phạm có thể lĩnh hình phạt nặng hơn.
Theo quy định tại Điều 178, Bộ luật Hình sự năm 2015: Trường hợp tài sản bị hư hỏng có tổng giá trị từ 2 triệu đồng trở lên hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính, đã bị kết án về tội này chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, trật tự an toàn xã hội hoặc tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ thì người vi phạm còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự và đối diện với mức phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 20 năm.
Ngoài ra, người phạm tội có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 đến 5 năm.
Một hầm để xe ở chung cư cao tầng (Ảnh minh hoạ, nguồn IT) |
Thực tế, những tòa chung cư phải đảm bảo chỗ để phương tiện, đáp ứng nhu cầu của người ở hiện tại cũng như tương lai.
Đối với những tòa chung cư không đủ điều kiện để trông giữ cơ bản được thì phải có phương án khác, ví như việc bố trí xe trên đường (tại những vị trí mà không ảnh hưởng đến công tác phòng cháy, chữa cháy) hoặc phải quy hoạch, kẻ biển, đường, vị trí đỗ để bảo đảm an toàn và an ninh trật tự.
Bên cạnh đó, chủ đầu tư cũng phải đề nghị với chính quyền địa bàn để xem xét, bố trí, đăng ký xin phép thành lập bãi trông giữ xe tập trung cho cư dân.
Đó chỉ là những giải pháp tình thế của từng toà chung cư. Về lâu dài, ngành chức năng cần tham mưu để các cấp lãnh đạo có phương án hạn chế phương tiện cá nhân. Bởi thực tế, không có một quốc gia, một thành phố phát triển nào đủ nguồn lực về đất đai hay không gian để đáp ứng tất cả nhu cầu đỗ xe. Đặc biệt, những thành phố đang trong giai đoạn phát triển nóng về phương tiện cơ giới cá nhân cũng đi đôi với nhiều vấn đề phát sinh liên quan đến việc trông giữ xe.
Nhiều nước trên thế giới đã phải tăng cường quản lý để hạn chế sự gia tăng các phương tiện cá nhân, đồng thời, nâng cao năng lực của hệ thống giao thông công cộng.
Thực tế, tại nhiều thành phố hiện đại trên thế giới, các bãi đỗ xe phải được tồn tại một cách hợp pháp để ngăn chặn các nguy cơ mất an toàn có thể xảy ra.