Nỗi vất vả của những chiến sĩ "blouse trắng" nơi tâm dịch Covid-19
Hơn 35.000 bệnh nhân đang điều trị
Trước áp lực số bệnh nhân Covid-19 không ngừng gia tăng tại Thành phố Hồ Chí Minh (TP HCM), công tác điều trị đang được tập trung với sự quyết tâm cao độ trên tất cả các mặt trận điều trị: từ các bệnh viện dã chiến thu dung điều trị bệnh nhân không triệu chứng, cho đến các bệnh viện tầng 2 và 3 trong “mô hình điều trị tháp 3 tầng”, nơi tiếp nhận và điều trị cho những bệnh nhân nặn, nguy kịch.
Theo chia sẻ từ BSCKII Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM, công tác điều trị tại TP HCM có nhiều tiến triển tích cực, dự kiến số bệnh nhân xuất viện thời gian tới sẽ khoảng 1.000 người/ngày; hiện hơn 35.000 bệnh nhân đang được điều trị và ngành Y tế TP cũng đã chuẩn bị sẵn sàng 59.000 giường để đáp ứng nhu cầu thu dung điều trị cho các bệnh nhân Covid-19.
Khu vực điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng và nguy kịch ở Bệnh viện hồi sức Covid-19 Thành phố Hồ Chí Minh: |
Theo cách tính thông thường từ các chuyên gia quản trị bệnh viện, với mỗi 1000 giường bệnh cần tương đương khoảng 2000 nhân sự, thì với con số hơn 35.000 bệnh nhân đang được điều trị hiện nay sẽ cần một con số nhân lực khổng lồ có thể lên đến 70.000 người.
Đó là chưa kể các trường hợp bệnh nhân nặng, nguy kịch thì trung bình 1 bệnh nhân sẽ cần từ 3 nhân viên y tế trở lên để tham gia chăm sóc, điều trị.
Để đảm bảo nhân sự phục vụ cho công tác điều trị tại TP HCM, ngành Y tế TP đã huy động tổng lực nguồn nhân lực từ nhiều đơn vị, bệnh viện; song song đó là nguồn nhân lực được hỗ trợ từ các bệnh viện trực thuộc trung ương đóng trên địa bàn TP HCM như BV Chợ Rẫy, BV Răng Hàm Mặt Trung ương, BV Thống Nhất, BV Quân Y 175…
Thêm vào đó là lực lượng chi viện từ nhiều đơn vị, bệnh viện thuộc nhiều tỉnh thành trên cả nước.
Về vấn đề nguồn nhân lực phục vụ cho công tác điều trị, TS.BS Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy kiêm Giám đốc Bệnh viện Hồi sức Covid-19 từng chia sẻ, để đưa vào hoạt động ngay một bệnh viện hồi sức với quy mô 1.000 giường là điều không thể, do đó bệnh viện sẽ tiến hành nâng cao khả năng tiếp nhận và điều trị cho bệnh nhân Covid-19 nặng, nguy kịch theo từng giai đoạn.
Ở giai đoạn đầu bên cạnh hơn 650 nhân sự đang phục vụ tại bệnh viện (đến từ 10 bệnh viện, địa phương khác nhau) BV đã yêu cầu hỗ trợ nhân lực từ Sở Y tế TP HCM; Ở giai đoạn tiếp theo BV đã có công văn đề nghị Bộ Y tế chi viện nhân lực.
Những nhiệm vụ song hành
Bên cạnh việc tập trung tổng lực công tác điều trị cho bệnh nhân Covid-19, ngành Y tế vẫn phải đảm nhiệm các nhiệm vụ song hành trong công tác phòng chống dịch cũng như công tác chăm sóc sức khỏe thường nhật của người dân.
Chia sẻ cùng phóng viên, PGS.TS Nguyễn Hoàng Bắc, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM cho biết, ngoài lực lượng khoảng 300 bác sĩ, điều dưỡng, hồi sức, kỹ thuật viên tham gia chi viện tại 8 bệnh viện trong hệ thống tháp 3 tầng của TP HCM, nhân lực của bệnh viện còn tham gia vào nhiều công tác khác như lấy mẫu xét nghiệm, tổ chức 15 đội tiêm vắc xin phòng Covid-19, 4 xe cấp cứu phục vụ công tác tiêm chủng… Đồng thời nhân sự y tế vẫn phải đảm bảo phục vụ công tác khám chữa bệnh nội trú, ứng trực cấp cứu tại bệnh viện.
Để đồng thời đảm trách nhiều chức năng nhiệm vụ đó không chỉ đòi hỏi các bác sĩ có trình độ chuyên môn, tinh thần làm việc cao độ, không quản ngại khó khăn, mà còn đòi hỏi một trái tim đong đầy nhiệt huyết.
Trong Bệnh viện Hồi sức Covid-19 TP HCM. Ảnh: Bộ Y tế |
PGS.TS Nguyễn Hoàng Bắc chia sẻ, nhiều trường hợp nhân viên bệnh viện sẵn sàng xung phong vào tuyến đầu, khu vực cách ly phong tỏa để đồng hành cùng bệnh nhân, tham gia công tác chăm sóc, điều trị cũng như động viên tinh thần cho người bệnh và thân nhân của họ.
“Bác sĩ Đặng Minh Hiệu sau những ngày xung phong vào tâm dịch Bắc Giang khi trở về đã tiếp tục tham gia công tác điều trị Covid-19 tại Củ Chi, và vừa qua một lần nữa BS Hiệu đã viết thư xin xung phong tham gia chống dịch” – PGS.TS.BS Nguyễn Hoàng Bắc chia sẻ thêm.
Cuộc chiến chống dịch Covid-19 có thể còn dài, những chiến sĩ “Blouse trắng” vẫn sẽ tiếp tục xông pha trong cuộc chiến chống dịch để cùng bệnh nhân chiến đấu và chiến thắng vì như một bác sĩ nhiều lần tham gia vào cuộc chiến đã từng nói; “Bệnh nhân còn đó, không cho phép mình bỏ cuộc” và “Niềm hạnh phúc lớn nhất, động lực lớn nhất của bác sĩ là sự hồi phục của bệnh nhân”.
Sau lưng những bác sĩ trên tuyến đầu chống dịch là những đồng đội nơi hậu phương sẵn sàng choàng gánh công việc điều trị tại các bệnh viện hậu phương lên gấp đôi, gấp ba để các đồng đội nơi “tiền phương” an tâm chống dịch.