Nữ bệnh nhân bị áp xe má vì lạm dụng filler trẻ hóa khuôn mặt
Biến chứng nhiễm trùng sau tiêm filler được báo cáo là kết quả của việc vi phạm các kỹ thuật vô trùng và sử dụng sản phẩm filler không an toàn của những người không có chuyên môn.
Biến chứng này được báo cáo rộng rãi do lợi nhuận ngày càng tăng của thị trường chất làm đầy. Biến chứng nhiễm trùng filler biểu hiện trong vòng 2 tuần sau tiêm, vi khuẩn nuôi cấy được thường là tụ cầu vàng, E Coli… trường hợp ca bệnh này là Klebsiella. Trong nhiễm trùng filler muộn hơn, Mycobacteria không điển hình hay được phát hiện.
Hình ảnh dịch mủ chứa chất làm đầy từ sau tiêm filler má |
Tại Trung tâm Phẫu thuật sọ mặt và tạo hình, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, các bác sĩ đã phẫu thuật chích rạch áp xe, khâu đóng hoặc tái tạo thì 2 cùng hỗ trợ tâm lý được thực hiện, tuy nhiên, vẫn có thể để lại những di chứng về thể chất hoặc tinh thần.
Phòng ngừa các biến chứng trong sử dụng filler làm đẹp cần được chú trọng. Sản phẩm filler cần đảm bảo chất lượng được chứng nhận bởi FDA. Người thực hiện tiêm filler cần hiểu rõ cấu trúc giải phẫu, có kiến thức chuyên môn quy trình thực hiện, đến phát hiện và xử trí biến chứng để đảm bảo mang lại kết quả thẩm mỹ an toàn tối ưu.
Trước khi tiêm, khách hàng cần được thảo luận về hiệu quả, tác dụng mong muốn, độ bền cũng như rủi ro tiềm ẩn để không bị lợi dụng hoặc lạm dụng tiêm các chất làm đầy. Tối đa hóa kỹ thuật tiêm và hiểu biết thấu đáo về các biến chứng tiềm ẩn cũng như cách xử trí có thể giúp tránh và hạn chế thương tổn.
Bác sĩ Lưu Phương Lan - Trung tâm Phẫu thuật Sọ mặt và Tạo hình, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, tiêm filler - tiêm chất làm đầy da là một trong những thủ thuật được thực hiện phổ biến nhất trong da liễu thẩm mỹ.
Kể từ năm 1980, collagen được giới thiệu như chất làm đầy đầu tiên, trong 3 thập kỷ qua, đã có một cuộc cách mạng trong phương pháp trẻ hóa khuôn mặt do sự cải tiến của nhiều loại chất làm đầy mới.
FDA đã phê duyệt nhiều loại chất làm đầy khác nhau, mỗi loại có thành phần, cách tiêm, thời gian tác dụng riệng biệt, trong đó HA (acid hyaluronic) là loại filler được sử dụng nhiều nhất, tiếp theo là CaHa, PLLA, PMMA...
Filler đã trở lên phổ biến chưa từng thấy do khả năng lấy lại vẻ ngoài trẻ trung mà không cần đến phẫu thuật, thực hiện tại phòng khám dễ dàng không cần gây mê, gây tê, thời gian nghỉ dưỡng tối thiểu và đặc biệt được cho là an toàn với cơ thể.
Theo dữ liệu do Hiệp hội bác sĩ phẫu thuật Tạo hình Hoa Kỳ (ASPS) công bố năm 2014, số lượng tiêm chất làm đầy tăng từ 1,6 triệu ca mỗi năm vào năm 2011 lên hơn 2,4 triệu ca vào năm 2015.
Các loại filler được FDA cấp phép vẫn khẳng định tính hiệu quả, linh hoạt và an toàn, với tỉ lệ biến chứng thấp và phần lớn ở mức độ nhẹ như bầm tím, ban đỏ, nóng rát tại chỗ...
Tuy nhiên trên thực tế cùng với sự gia tăng số lượng thủ thuật tiêm filler là sự đồng thời gia tăng số lượng biến chứng xảy ra. Các chuyên gia y tế khuyến cáo, filler vẫn là chất lạ đối với cơ thể, nếu bị lợi dụng hoặc thực hiện bởi người thiếu chuyên môn thì có thể gặp những biến chứng khó lường: Nhiễm trùng, áp xe, tắc mạch, hoại tử...