Nữ điều dưỡng trưởng kiên cường bám trụ tại nơi điều trị 176 bệnh nhân mắc Covid-19
Áp lực chưa bao giờ làm các nhân viên y tế chùn bước
“Thực lòng toàn thể cán bộ, nhân viên Trung tâm Y tế Hòa Vang biết ơn sự giúp đỡ của các y bác sĩ đầu ngành của Trung ương và các bệnh viện lớn đã không quản ngại nguy hiểm về với Hòa Vang. Ơn này chúng tôi nguyện khắc ghi trong trái tim…”, điều dưỡng trưởng Trung tâm Y tế Hòa Vang Đặng Thị Công mở đầu cuộc trò chuyện.
Dịch bệnh xảy ra bất ngờ, Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang được chọn làm cơ sở điều trị bệnh nhân dương tính Covid-19 với quy mô 200 giường bệnh. Trong đó 180 giường điều trị với bệnh nhân mức độ nhẹ tới vừa, 20 giường dành cho bệnh nhân nặng.
Với một người đứng đầu lĩnh vực về điều dưỡng của đơn vị, chị Công thực sự sốc với khối lượng công việc khi lãnh đạo giao phó.
“Trong cuộc đời làm nghề của tôi và đồng nghiệp chưa bao giờ áp lực như trong đợt này”, chị Công chia sẻ.
Kết thúc ngày làm việc đầu tiên sau khi Trung tâm y tế trở thành cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19, chị Công hoảng hốt khi 5 nhân viên dọn vệ sinh xin nghỉ việc vì không thể chịu được áp lực.
Chị nói: “Lúc mới đầy ai cũng có tâm lý bị lây nhiễm, bản thân những người dọn dẹp vệ sinh cũng là những chiến sĩ trong công tác phòng, chống dịch bởi có những người phải mang trên mình trang phục bảo hộ kéo dài suốt nhiều giờ khiến cơ thể bị mất nước”.
Bí quyết để nữ điều dưỡng trưởng “lôi kéo” mọi người quay trở vào cổng viện để chiến đấu và yêu công việc đến bây giờ kể ra quả đơn giản nhưng rất hiệu quả.
Nữ điều dưỡng trưởng kiên cường bám trụ tại nơi điều trị 176 bệnh nhân mắc Covid-19 |
“Gặp gỡ mọi người dưới tán cây ở cổng viện, tôi đưa điện thoại ra cho từng người xem các bức hình chụp các y bác sĩ cùng lao vào lau dọn, vệ sinh phòng bệnh... Tại sao bác sĩ chuyên gia đầu ngành ở Trung ương và các bệnh viện lớn họ lao vào giúp mình, giúp bệnh nhân cho mình, vậy mà mọi người vì chút áp lực đã xin nghỉ là sao”, chị Công bật khóc kể về quá trình thuyết phục các nhân viên vệ sinh của bệnh viện.
Lần đầu tiên được làm việc trong môi trường chuyên nghiệp, trực tiếp với các chuyên gia đầu ngành với nhiều áp lực nhưng cũng là cơ hội để các thầy thuốc nơi đây học hỏi.
“Thực sự đây là cơ hội ngàn năm có một để mọi người trong đơn vị học hỏi và nâng cao tay nghề. Nếu không có dịch, phải mất hơn 10 năm nữa chất lượng điều trị cho bệnh nhân mới được như bây giờ”, chị Công chia sẻ.
Theo nhận định vui của chị Công, Trung tâm Y tế Hòa Vang mới thành lập 7 năm, một cơ sở khám chữa bệnh còn quá non trẻ, giống như "đứa bé đang bò" nhưng chỉ sau ít hôm đã biết chạy, thậm chí chạy như vận động viên marathon.
Hết dịch mới trở về với gia đình
“Chúng tôi xác định làm việc tại đây không có chuyện sau 14 ngày mình được về với gia đình. Tất cả ở đây xác định, làm đến lúc nào hết dịch rồi mới về”, nữ điều dưỡng quả quyết.
Để công việc được thực hiện khoa học, nhanh gọn, mỗi sáng trước khi bắt tay vào việc, nữ điều dưỡng trưởng Đặng Thị Công ghi ra từng trang giấy các việc cụ thể. Việc nào thực hiện xong sẽ đánh dấu để tiếp tục hướng dẫn, chỉ đạo mọi người triển khai công việc tiếp theo.
“Nhiều lần trao đổi công việc mọi người cũng có giận dỗi, nóng nảy và căng thẳng nhưng sau đó ai cũng nghĩ rằng mình cần phải cố gắng hơn nữa. Xong ca làm việc, chúng tôi cùng chia sẻ, động viên để lấy lại tinh thần chiến đấu”, chị Công cho biết.
Bí quyết của nữ điều dưỡng trưởng động viên người thân khi nhiều ngày xa cách động viên ngược lại để họ yên tâm.
“Tranh thủ những lúc nghỉ ngơi mọi người thường chia sẻ những câu chuyện về công tác cứu chữa người bệnh lên mạng xã hội, đây là cách để mình đưa thông điệp ra bên ngoài cho mọi người từ gia đình, cộng đồng xã hội để cho họ yên tâm, đặt niềm tin vào công việc mình đang thực hiện”, chị Công kể.
Đáp lại công sức của những y bác sĩ đang ngày đêm căng mình chiến đấu với dịch Covid-19 là niềm hạnh phúc vô bờ khi chứng kiến hàng chục bệnh nhân được công bố khỏi bệnh mỗi ngày.
“Mỗi lần có bệnh nhân được công bố khỏi bệnh cũng vui mừng, chúng tôi đến tận giường để trò chuyện, chia sẻ và căn dặn mọi người về nhà tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng ngừa”, chị Công nói.