Phá đường dây lừa đảo nhận quà trúng thưởng hàng tỷ đồng
Lừa đảo bán điện thoại giá rẻ, chiếm đoạt hơn 90 tỷ đồng Công an Hà Nội cảnh báo thủ đoạn lừa đảo mới của tội phạm |
Theo đó, đầu năm 2024, qua công tác nghiệp vụ, Phòng Kỹ thuật nghiệp vụ Công an TP HCM phát hiện nhóm đối tượng nghi vấn hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân ở nhiều địa phương trên cả nước thông qua dịch vụ giao hàng có thu hộ tiền (COD).
Ban Giám đốc Công an thành phố đã chỉ đạo Công an quận 11, Phòng Kỹ thuật nghiệp vụ phối hợp các đơn vị, địa phương liên quan tiến hành thu thập tài liệu, xác minh ban đầu.
Đồng thời, Công an TP HCM xác lập chuyên án để tập trung lực lượng, biện pháp nhằm làm rõ thủ đoạn hoạt động phạm tội, tiến tới triệt phá nhóm đối tượng.
Qua thời gian kiên trì đeo bám, bằng các biện pháp nghiệp vụ, Công an Quận 11 xác định 3 đối tượng chủ chốt, cầm đầu là: Lê Đức Kông (sinh 1989); Nguyễn Thị Hồng Nhung (vợ Kông - sinh 1989), hai đối tượng cùng ở phường Bình Trị Đông A, quận Bình Tân; Bá Võ Tuấn (sinh 1981), nơi ở hiện nay chung cư Richstar 1, phường Hiệp Tân, quận Tân Phú.
3 đối tượng có vai trò giúp sức tích cực, gồm: Tằng Huệ Phụng (sinh 1993), nơi ở hiện nay: Phường 2, Quận 11; Nguyễn Ngọc Liêm (sinh 2003), nơi ở hiện nay: Phường Tân Thành, quận Tân Phú; Lê Xuân Cường (sinh 1994), nơi ở hiện nay: Phường Tân Thành, quận Tân Phú.
Đồng thời, Cơ quan Công an xác định có khoảng 50 đối tượng có liên quan đến hoạt động lừa đảo trên.
Các đối tượng tại cơ quan công an |
Ngày 16/4, Công an Quận 11 phối hợp Phòng Kỹ thuật nghiệp vụ, Công an quận Tân Phú triển khai kế hoạch phá án, đồng loạt khám xét 6 địa điểm, đưa 56 đối tượng về làm việc, thu giữ nhiều tài liệu, đồ vật có liên quan.
Bước đầu xác định Lê Đức Kông và Nguyễn Thị Hồng Nhung đã thuê những đối tượng trên, bố trí làm việc tại nhiều căn hộ khác nhau ở chung cư Richstar 2 (phường Hiệp Tân, quận Tân Phú) và chung cư Carilon 5 (phường Hòa Thạnh, quận Tân Phú).
Mỗi địa điểm làm việc có 1 nhóm trưởng và Kông giao việc thông qua các nhóm trưởng, sau đó nhóm trưởng phân công lại cho các nhân viên.
Kông và Nhung chuẩn bị các thiết bị như máy vi tính, điện thoại có kết nối các đầu số ảo, danh sách số điện thoại, kịch bản... để các nhân viên sử dụng công nghệ gọi điện bằng tổng đài ảo (hình thức gọi điện thông qua internet, cuộc gọi được mã hóa, số điện thoại hiển thị bên người nghe là số điện thoại ảo, không có thật) để gọi điện thoại thông báo nạn nhân là một trong những khách hàng "may mắn" được trúng thưởng một phần quà có giá trị (xe máy, điện thoại...).
Để nhận quà, nạn nhân phải mua sản phẩm do các đối tượng bán để "nhận mã trúng thưởng" hoặc phải nộp một số tiền gọi là "chi phí nhận quà".
Khi nạn nhân đồng ý mua sản phẩm hoặc nộp tiền, các đối tượng đóng gói hàng hóa, giả thông tin trúng thưởng giao cho nạn nhân bằng dịch vụ giao hàng có thu hộ tiền (COD).
Nạn nhân sau khi nhận hàng, trả tiền hoặc đóng tiền "chi phí nhận quà" sẽ tiếp tục bị các đối tượng lừa đóng thêm các loại "phí" khác cho đến khi không còn khả năng đóng thêm được nữa thì các đối tượng cắt liên lạc.
Do số điện thoại ảo nên các nạn nhân không thể liên lạc lại, đồng thời gây khó khăn cho cơ quan công an trong quá trình xác minh, điều tra.
Đối tượng Kông, là người cầm đầu đường dây, tại cơ quan công an |
Mỗi ngày trung bình một nhân viên thực hiện khoảng 300 cuộc gọi. Mỗi tháng, Kông trả lương cho nhân viên và phần trăm thưởng thêm dựa trên doanh thu lừa đảo được.
Công an Quận 11 thông tin, nhóm đối tượng này đã lừa đảo hàng ngàn bị hại tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước, thu lợi bất chính mỗi tháng hơn 2 tỷ đồng.
Hiện lực lượng chức năng đang tiếp tục củng cố chứng cứ, đấu tranh làm rõ vai trò của từng đối tượng; đồng thời mở rộng điều tra, xác định tất cả các đối tượng có liên quan để xử lý theo quy định của pháp luật.