Phát hiện 5 mẫu rượu có hàm lượng methanol vượt ngưỡng
Theo đó, tính đến ngày 12/3, trong số 9 sinh viên (tạm trú tại Yên Hòa, Cầu Giấy) được điều trị ngộ độc rượu tại Trung tâm chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) có 2 sinh viên đã xuất viện. Hiện chỉ còn 7 trường hợp đang được điều trị, trong đó có 1 trường hợp nặng phải thở máy. Như vậy, trên địa bàn Hà Nội đã ghi nhận 24 trường hợp ngộ độc rượu methanol, trong đó có 2 trường hợp tử vong.
Qua kiểm tra gần 1.100 cơ sở, cơ quan chức năng đã tiến hành tiêu huỷ 140 lít rượu, niêm phong gần 1.300 lít rượu, tiến hành xử phạt hơn 200 cơ sở với số tiền gần 380 triệu đồng. Ngoài ra, các đoàn kiểm tra đã lấy 43 mẫu rượu xét nghiệm tại labo, phát hiện 5 mẫu rượu có hàm lượng methanol vượt ngưỡng cho phép, trong đó có 1 mẫu tại gia đình bệnh nhân Nguyễn Đình Chính ở Thanh Xuân, 1 mẫu tại cửa hàng cơm (số 1 Trung Liệt, Đống Đa), 1 mẫu ở cơ sở cơm Vĩnh Thành (số 95 khu giãn dân Mộ Lao, Hà Đông) và 2 mẫu tại quán cơm 38 Chùa Láng, Đống Đa).
Trước đó, Sở Y tế Hà Nội đã làm việc với UBND quận Cầu Giấy về vụ việc hàng loạt sinh viên nhập viện vì ngộ độc rượu methanol (cồn công nghiệp). Theo báo cáo của UBND quận Cầu Giấy, tính đến sáng 11/3, tổng số có 12 sinh viên phải nhập viện, trong đó có 3 trường hợp đã xuất viện vì kiểm tra sức khoẻ đều ổn và 9 trường hợp đang được điều trị tích cực tại Trung tâm Chống đốc (Bệnh viện Bạch Mai).
Trong số sinh viên này có 4 nữ và 5 nam đều quê ở Gia Lai và hiện là sinh viên sư phạm mầm non-Trường Sư phạm tiểu học Hải Dương (Chi nhánh tại Trường Cao đẳng Cộng đồng, đang ở trọ tại số nhà 13, ngõ 259, phố Yên Hòa, Cầu Giấy). Hiện tại, 6 bệnh nhân đang trong tình trạng hôn mê, thở máy và phải lọc máu và 3 bệnh nhân tỉnh táo. Tuy nhiên, có 2 nam sinh viên trong tình trạng nguy kịch là Nay Thin (21 tuổi) và Nay Ro (23 tuổi).
Qua xác minh, số lượng rượu mà những sinh viên này đã uống được mua tại ngõ 259, phố Yên Hòa. Tại ngõ này có 2 cửa hàng tạp hóa bán rượu là số nhà 5B và số nhà 17. Tại số nhà 5B qua kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện khoảng 2 lít rượu không nhãn mác, không rõ nguồn gốc. Rượu ở đây được nhập từ rượu Bắc Hùng (tại cụm 8 làng Thủy Hội, xã Tân Hội, Đan Phượng). Tại cửa hàng số 17, cơ quan chức năng đã xác minh đầu mối cung cấp rượu tại đây là bà Nguyễn Thị Hảo (Cự Đà, Cự Khê, Thanh Oai, Hà Nội) với loại rượu mang nhãn mác “Duy Hảo”.
Đây cũng là đầu mối cung cấp rượu tại một cửa hàng tại chợ Hợp Nhất (phường Trung Kính, quận Cầu Giấy) và cho nhiều cửa hàng ăn, tạp hóa trên địa bàn Hà Nội với mức giá chỉ 7.000-8.000/chai 500ml. Hiện bà Nguyễn Thị Hảo đang được mời lên làm việc tại cơ quan Công an quận Đống Đa do cũng liên quan đến một số rượu không rõ nguồn gốc trên địa bàn. Cơ quan chức năng đã tiến hành lấy 3 mẫu rượu lấy tại 2 cửa hàng rượu nêu trên và khoảng 200ml rượu đựng trong chai nhựa nhỏ tại phòng trọ của các sinh viên này gửi xét nghiệm.
Như vậy, từ ngày 26/2 đến sáng 11/3, trên địa bàn Hà Nội đã ghi nhận 24 trường hợp ngộ độc rượu methanol, trong đó có 2 trường hợp tử vong. Tính đến ngày 10/3, các đoàn kiểm tra liên ngành của thành phố và các quận/huyện đã tiến hành kiểm tra 833 cơ sở, xử phạt 75 cơ sở với số tiền hơn 233 triệu đồng, tiêu huỷ 120 lít rượu và niêm phong hơn 6.500 lít rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ. Ngoài ra, tiến hành xét nghiệm nhanh 231 mẫu rượu, trong số 35 mẫu xét nghiệm tại labo đã phát hiện 3 mẫu vượt giới hạn cho phép tại quận Thanh Xuân, Hà Đông và Đống Đa.
Tại cuộc họp, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung yêu cầu quận Cầu Giấy tăng cường kiểm tra các cơ sở kinh doanh rượu trên địa bàn, xử lý nghiêm minh khi phát hiện vi phạm. Ông Trần Văn Chung cũng đề nghị Sở Công thương, Công an Thành phố, UBND quận/huyện/thị xã tổ chức điều tra truy nguồn gốc sản phẩm, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu liên quan đến các trường hợp ngộ độc methanol. Mặt khác, tăng cường kiểm tra và rà soát thống kê các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu, cơ sở dịch vụ ăn uống, thức ăn uống có bán lẻ rượu, đặc biệt là các cơ sở pha chế rượu thủ công.