Phát huy bài học của chiến thắng Điện Biên Phủ trong xây dựng và phát triển Thủ đô, đất nước
Thủ tướng tưởng niệm các Anh hùng, liệt sĩ trong chiến dịch Điện Biên Phủ 69 năm chiến thắng Điện Biên Phủ: Biểu tượng của bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam |
Lá cờ quyết chiến, quyết thắng của Quân đội Nhân dân Việt Nam tung bay trên nóc hầm Sở chỉ huy của tướng De Castries ngày 7/5/1954 - Ảnh tư liệu |
Đại đoàn kết - Nhân tố quan trọng làm nên chiến thắng
Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, đỉnh cao của cuộc tiến công chiến lược đông xuân 1953 - 1954, là thắng lợi to lớn nhất của quân đội và Nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp; Tạo một bước ngoặt quan trọng trên con đường phát triển của cách mạng Việt Nam, buộc Pháp phải ký kết Hiệp định Giơnevơ, chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam.
69 năm đã trôi qua, Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” vẫn mãi là một mốc son chói lọi trong lịch sử và niềm tự hào của dân tộc Việt Nam; Là sức mạnh tinh thần, nguồn cổ vũ, động viên to lớn, đồng thời để lại nhiều bài học quý giá đối với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Đó là bài học từ sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Nhờ có đường lối, chủ trương, chính sách đúng đắn, toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến và trường kỳ kháng chiến, với khẩu hiệu “Tất cả vì Điện Biên Phủ”, “Tất cả để chiến thắng” thực dân Pháp xâm lược... Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát huy cao độ sức mạnh của lòng yêu nước, ý chí quyết chiến, quyết thắng của cả dân tộc, đưa cả nước cùng ra trận.
Là bài học về đề cao tinh thần sáng tạo, độc lập, tự chủ; Coi trọng thực tiễn, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước nhiệm vụ trước Đảng và Nhân dân. Trong trận chiến này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã quán triệt và thực hiện xuất sắc tư tưởng chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng. Chắc thắng mới đánh. Không chắc thắng không đánh” bằng quyết định chuyển từ phương án “Đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “Đánh chắc, tiến chắc”.
Từng đoàn dân công ngụy trang gánh gạo ra tiền tuyến năm 1954 - Ảnh tư liệu |
Đó còn là bài học phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc, của toàn dân, của cả nước. Theo PGS, TS Lịch sử Nguyễn Đức Hòa, giảng viên cao cấp trường Đại học Sài Gòn: Việc huy động sự đoàn kết của cả dân tộc, phát huy sức mạnh ấy một cách đúng lúc là một trong những nhân tố quan trọng nhất cho thắng lợi của chiến dịch.
Với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, hậu phương cả nước sôi nổi trong phong trào chi viện cho tiền tuyến. Sức người, sức của từ mọi nẻo hậu phương đổ vào chiến trường. Hàng chục vạn chiến sĩ nông dân, chân trèo, vai vác, vượt qua bom đạn, vận chuyển lương thực, súng đạn, thuốc men cho mặt trận. Hàng vạn thanh niên xung phong, hầu hết là thanh niên nông dân, phối hợp cùng công binh anh dũng mở hàng ngàn cây số đường vận tải...
Cộng đồng các dân tộc Liên khu Việt Bắc, vùng mới giải phóng Tây Bắc, dù kinh tế còn nghèo nhưng đã có những hy sinh, đóng góp trực tiếp rất to lớn vào chiến thắng Điện Biên Phủ. Đồng bào Kinh, Thái, Nùng, Dao ở Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Tuyên Quang… sát cánh bên nhau, dốc sức người, sức của cho chiến dịch. Bộ đội địa phương, dân quân du kích và đồng bào các dân tộc Việt Bắc, Tây Bắc không chỉ tích cực phối hợp chiến đấu với bộ đội chủ lực, mà còn huy động tối đa sức người, sức của phục vụ cho chiến dịch. Tất cả đã góp phần làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” còn vang mãi đến hôm nay.
Không ngừng khẳng định vị trí, vai trò trung tâm lớn của cả nước
Phát huy tinh thần và bài học của Chiến thắng Điện Biên Phủ, ngày nay, Đảng ta vẫn tiếp tục nhấn mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc là sức mạnh và động lực to lớn của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã khẳng định: “Đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam, là động lực và nguồn lực to lớn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Tại Hà Nội Đảng bộ TP luôn chú trọng phát huy cao độ sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, vai trò làm chủ của các tầng lớp Nhân dân trong quá trình xây dựng và phát triển Thủ đô. Các cấp ủy đảng và chính quyền thường xuyên đối thoại, lắng nghe, học hỏi, tiếp thu ý kiến, tin dân, tôn trọng, lắng nghe, tôn vinh những đóng góp, cống hiến của Nhân dân. Nhờ phát huy tốt sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, TP luôn hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị, không ngừng khẳng định vị trí, vai trò trung tâm đầu não chính trị, hành chính quốc gia, trung tâm lớn về kinh tế, văn hoá, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ và hội nhập quốc tế.
Một góc Hà Nội hôm nay |
Những năm qua, Đảng bộ và Nhân dân Thủ đô đã chủ động triển khai thực hiện đồng bộ, toàn diện các nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên; Kịp thời chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ có tính chiến lược, căn cơ lâu dài cho sự phát triển; Đồng thời, giải quyết tốt các nhiệm vụ đột xuất, phát sinh và đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, toàn diện trên các lĩnh vực thời gian vừa qua.
Hà Nội vừa làm tốt nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh vừa kịp thời chăm lo, bảo đảm an sinh xã hội; Tạo chuyển biến mạnh trên các lĩnh vực quản lý và phát triển đô thị, phân cấp ủy quyền, cải cách hành chính, tăng cường kỷ cương, kỷ luật...
Riêng quý I/2023, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 5,8%. Bình quân 2 năm 2021-2022, GRDP TP tăng 5,86%. GRDP/người năm 2022 đạt 141,8 triệu đồng. Năng suất lao động tăng bình quân 5,05%/năm.
Sản xuất tiếp tục phát triển, kinh doanh dịch vụ phục hồi khá; Các lĩnh vực dịch vụ tăng cao hơn cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 11,2% (cùng kỳ tăng 8,4%). Tổng doanh thu ngành vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải tăng 20,4% (cùng kỳ tăng 16,3%). Số lượng khách du lịch tăng cao, gấp 3,1 lần cùng kỳ (khách quốc tế gấp 10 lần cùng kỳ).
4 tháng đầu năm 2023, tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn là 177.989 tỷ đồng, đạt 50,4% dự toán, tăng 21,6% so với cùng kỳ. Giai đoạn 2021-2022, tổng thu ngân sách Nhà nước thành phố là 656.102 tỷ đồng, đạt 119,9% dự toán Trung ương giao. Hà Nội thu hút 1,7 tỷ USD vốn FDI (bằng cả năm 2022); Có 10.307 doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đăng ký thành lập (tăng 13%).
Tại buổi làm việc mới đây với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, Thường trực Chính phủ nhìn nhận, trong bối cảnh rất khó khăn do đại dịch COVID-19 và khó khăn chung của thế giới do xung đột địa chính trị, lạm phát nhưng Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô đã thể hiện rõ quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội; Thể hiện trách nhiệm cao đối với cả nước nhất là duy trì tăng trưởng kinh tế; Chia sẻ, hỗ trợ các địa phương khác trong hoàn cảnh thiên tai, dịch bệnh...
Đặc biệt, TP đã thể hiện tinh thần mạnh dạn đổi mới, sáng tạo khi tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, phân cấp, ủy quyền; Ban hành nghị quyết chuyên đề về phát triển công nghiệp văn hóa; quyết tâm, quyết liệt tổ chức thực hiện dự án Vành đai 4... Những thành tựu, kết quả của Hà Nội đã góp phần cùng cả nước thực hiện được mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn; Giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh; Thúc đẩy hội nhập và đối ngoại; Phát triển văn hóa; Chuyển dịch cơ cấu kinh tế…
Đã 69 năm qua đi nhưng Chiến thắng Điện Biên Phủ cùng những bài học quý được rút ra từ Chiến thắng vĩ đại đó còn nguyên giá trị. Những bài học đúc kết từ chiến thắng oanh liệt này sẽ được tiếp tục nghiên cứu, vận dụng, phát triển trong sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô để không ngừng đem lại những thành tựu mới vẻ vang hơn...