Phẫu thuật gắp đồng xu kẹt trong thực quản bé trai 5 tuổi
Bệnh nhi 5 tuổi có tên Phạm Bảo Năm, trú tại xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. Gia đình trẻ cho biết, trước khi nhập viện, trẻ nghịch đã nuốt 1 đồng xu vào miệng, gia đình phát hiện đã đưa ngay trẻ đến bệnh viện. Qua thăm khám và kết quả chụp X.quang chẩn đoán, các bác sĩ phát hiện trong thực quản của bé có hình ảnh cản quan dị vật hình tròn.
BS Nguyễn Bắc Hải, khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện đa khoa tỉnh cho biết: Bệnh nhi Phạm Bảo Nam đã được kíp nội soi gắp thành công 1 đồng xu 200 đồng ra khỏi thực quản. Hiện tại, sức khỏe bệnh nhi ổn định, đã ăn uống tốt và sẽ sớm được xuất viện. Bác sỹ Hải khuyến cáo, các gia đình không nên để những vật nhỏ, dễ nuốt trong tầm tay trẻ như: đồ chơi nhỏ, đồng xu, các loại hạt... đề phòng trẻ nuốt và rơi vào thực quản, khí quản gây nghẹn, khó thở, nguy hiểm đến tính mạng.
Gần đây, tình trạng trẻ nhỏ bị tai nạn do sự vô tình đã có xu hướng gia tăng ở một số địa phương, trong đó có tai nạn hóc nghẹn, tắc đường thở rất nguy hiểm; đặc biệt là trẻ nhỏ dưới 3 tuổi. Loại tai nạn này khá phổ biến ở trẻ nhỏ ngay cả khi có sự giám sát của người lớn nhưng vì thiếu hiểu biết để chủ động đề phòng nên vẫn có thể xảy ra gây hậu quả tử vong cho trẻ.
Tình trạng ngạt thở, tắc đường thở ở trẻ nhỏ có nhiều nguyên nhân khác nhau như bị hóc, nghẹn thức ăn hoặc các loại dị vật như xương, hạt mãng cầu, hòn bi, đồng xu, cúc áo...xảy ra khi trẻ nghịch ngợm đút vào mũi hay miệng. Cũng có thể do sặc nước, sữa, bột, thức ăn hay một số dị vật khác khi trẻ vừa ăn vừa khóc, chạy nhảy, cười đùa hoặc do dị tật hở vòm miệng bẩm sinh.
Ngoài ra, mũi và miệng trẻ có thể bị bịt kín bởi túi nylon, chăn hay vải... thường xảy ra đối với trẻ nhỏ dưới 1 tuổi do nằm ngủ úp mặt trên nệm, gối quá mềm. Nguy cơ này cũng có thể xảy ra ở các trẻ lớn hơn khi đùa nghịch lấy bao nylon, chăn, áo gối... trùm kín qua đầu. Tai nạn do đuối nước hoặc bị vùi lấp bởi đất, cát cũng làm cho trẻ bị ngạt thở.
Khi trẻ nhỏ bị hóc nghẹn, tắc đường thở thường có những biểu hiện như tím tái, ho sặc sụa, trào nước mắt nước mũi; trẻ không phát âm được hoặc không thể khóc thành tiếng. Trẻ thường phải lấy tay nắm lấy cổ của mình. Nếu chậm hơn sẽ thấy môi và lưỡi của trẻ bắt đầu tím tái, mạch máu ở mặt và cổ nổi lên. Trẻ có thể bị bất tỉnh nếu vật gây tắc đường thở không lấy ra được kịp thời. Nguyên tắc sơ cứu chung là phải nhanh chóng lấy ngay dị vật ra khỏi mũi, miệng trẻ để làm thông đường thở. Tùy thuộc vào từng lứa tuổi của trẻ để thực hiện các kỹ thuật sơ cứu hóc nghẹn, tắc đường thở khác nhau.