Phòng cháy, chữa cháy tại các cơ sở công nghiệp: Còn đó những nỗi lo
Nhìn lại những thống kê của năm 2019 cho thấy, cháy nhà kho, cháy xưởng sản xuất vẫn chiếm đa số. Điều này cho thấy, rõ ràng, công tác phòng cháy, chữa cháy tại các cơ sở công nghiệp vẫn còn đó rất nhiều những nỗi lo.
Cháy nhà kho, xưởng sản xuất: Tồn tại nhiều năm
Vụ cháy hơn 800m2 nhà kho của Công ty TNHH Sản xuất và thương mại Cường Việt tại phường Thượng Thanh (quận Long Biên) sáng 30/6 vừa qua đã gây thiệt hại lớn về tài sản. Trước đó ngày 6/5/2020, vụ cháy xưởng sản xuất của Công ty TNHH Song Ngân, trong Khu công nghiệp Phú Thị (huyện Gia Lâm) đã để lại hậu quả nặng nề hơn đó là 3 người tử vong…
Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ làm nhiệm vụ trong vụ cháy tại kho hoá chất ở cảng Đức Giang, quận Long Biên, Hà Nội |
Đây chỉ là hai trong số nhiều vụ cháy nhà kho, xưởng sản xuất xảy ra trên địa bàn thành phố Hà Nội trong thời gian qua. Thống kê của Công an thành phố cho thấy, 6 tháng đầu năm 2020, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 22 vụ cháy nhà kho, xưởng sản xuất, đứng thứ hai trong các loại hình cơ sở xảy ra cháy. Cháy nhà kho, xưởng sản xuất cũng chiếm khoảng 60 - 70% thiệt hại về tài sản trong tổng số các vụ cháy. Còn thống kê 8 tháng cho thấy, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 268 vụ cháy, trong đó loại hình xảy ra cháy chủ yếu tại nhà dân, nhà kho, xưởng sản xuất là 189 vụ, chiếm 70,8% tổng số vụ cháy.
Điều đáng nói là tình trạng cháy nhà kho, xưởng sản xuất này đã kéo dài nhiều năm. Còn nhớ ngày 12/4/2019, vụ cháy nhà xưởng tại phường Trung Văn (quận Nam Từ Liêm) làm 8 người tử vong. Sau đó, Công an thành phố Hà Nội đã kiểm tra 7.108 lượt cơ sở sản xuất công nghiệp. Từ đây, thành phố yêu cầu 342 cơ sở dừng hoạt động, tạm đình chỉ 204 lượt cơ sở do vi phạm các quy định về phòng cháy, chữa cháy...
Đợt tổng kiểm tra cũng phát hiện hơn 1.600 cơ sở chưa được nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy nhưng đã đưa vào sử dụng. Nhưng vài tháng sau, chiều 28/8/2019, tại Nhà máy bóng đèn phích nước Rạng Đông, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân đã xảy ra một vụ cháy làm thiệt hại vô cùng to lớn, uy hiếp hàng loạt nhà dân bên cạnh nhà máy khiến nhiều người dân hoảng sợ.
Rõ ràng, việc vẫn để xảy ra tình trạng cháy lớn tại các cơ sở công nghiệp trong những năm qua cho thấy, sự lơ là, chủ quan và bất chấp quy định pháp luật về phòng cháy của chủ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất là khá phổ biến. Đồng thời cũng phản ánh thực tế công tác quản lý lĩnh vực này tại cơ sở còn nhiều bất cập.
Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức và kiến thức phòng ngừa cháy nổ
Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Nguyễn Thanh Hải cho biết, hiện thành phố có khoảng hơn 3.800 cơ sở sản xuất đang hoạt động trong 70 cụm công nghiệp trên địa bàn 17 quận, huyện, thị xã; Trong đó, chỉ có 4/70 cụm công nghiệp được nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy đối với hạ tầng kỹ thuật. Nhiều cơ sở đã được đầu tư xây dựng từ lâu nên không còn bảo đảm các quy định về phòng cháy, chữa cháy.
Tăng cường kiểm tra phòng, chống cháy nổ tại các cơ sở |
Thượng tá Phạm Trung Hiếu, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và CNCH cho biết, các quy định về phòng cháy chữa cháy đối với kho xưởng, cơ sở sản xuất tập trung đông người được quy định rất chặt chẽ, chỉ cần thiếu tuân thủ sẽ dễ dẫn đến hậu quả khôn lường. Những năm gần đây, các cơ quan chức năng TP Hà Nội liên tục kiểm tra việc tuân thủ công tác phòng cháy, chữa cháy trong các tòa nhà cao tầng, khu xưởng và công khai những đơn vị vi phạm. Đồng thời, cơ quan chức năng đã yêu cầu các chủ công trình phải khắc phục những bất cập trong bảo đảm an toàn công trình và trong quá trình thi công nhưng không phải chủ công trình nào cũng tuân thủ.
Thực tế, trong phòng cháy, chữa cháy, yêu cầu lớn nhất là làm tốt công tác “bốn tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, vật tư và hậu cần tại chỗ). Do đó, vấn đề quan trọng đặt ra là cần nâng cao nhận thức cho người lao động và chủ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất.
Về phía chủ doanh nghiệp, ngay khi thiết kế, xây dựng kho, xưởng phải có giải pháp phòng cháy; chỉ đưa kho, xưởng vào sử dụng khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án phòng cháy, chữa cháy. Quá trình vận hành kho, xưởng sản xuất cần đặt yếu tố an toàn lao động nói chung và an toàn phòng cháy, chữa cháy nói riêng là ưu tiên số một...
Theo Đại tá Trần Ngọc Dương, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội, thành phố cần có cơ chế quản lý chặt chẽ ngay từ khi nhà kho, xưởng sản xuất được cấp phép, hình thành và hoạt động. Dù khó khăn về lực lượng thì chính quyền địa phương vẫn cần siết chặt công tác quản lý phòng cháy chữa cháy theo thẩm quyền và kiên quyết xử lý tình trạng xây dựng, cải tạo nhà kho, xưởng sản xuất trái phép.
Chính quyền cơ sở, cần kiên trì đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật về phòng cháy, chữa cháy để chủ cơ sở, người lao động ý thức được sự nguy hiểm của cháy nổ và tự giác thực hiện; Cùng với đó, thông báo công khai các kho, xưởng không bảo đảm an toàn phòng cháy để nhân dân trên địa bàn nắm được và cùng chính quyền tham gia giám sát.
Ngày 4/10 hàng năm là ngày toàn dân phòng cháy và chữa cháy. Đây cũng là dịp để tổ chức các hoạt động hưởng ứng nhằm nâng cao nhận thứ, ý thức trách nhiệm của các cấp, ngành và đông đảo quần chúng nhân dân trong công tác phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ, qua đó góp phần hạn chế số vụ cháy, nổ, sự cố và tai nạn xảy ra.