Phòng tránh say nắng vào những ngày nắng nóng cao điểm
Hoạt động ngoài trời dưới nắng nóng kéo dài dễ bị say nắng
Bài liên quan
Kỳ 1: Người nhà, bệnh nhân vất vả chờ khám bệnh vì nắng nóng
Kỳ 2: Các bệnh viện lắp quạt, điều hoà, hệ thống nước uống miễn phí cho bệnh nhân
Hà Nội: Nam bệnh nhân sốc nhiệt do nắng nóng
Đề phòng sốc nhiệt, mất nước khi đi ngoài trời nắng
Người bị say nắng thường có các biểu hiện như sốt cao, da nóng và khô, mệt mỏi, đau đầu, nôn mửa... Một số triệu chứng khác có thể xảy ra như giảm khả năng nhận thức, bị ảo giác, mất định hướng và hôn mê, co giật.
Nếu không được cấp cứu kịp thời, người bị say nắng dễ mắc các biến chứng nghiêm trọng như phù phổi, suy thận cấp, hạ đường huyết, rối loạn đông máu, mất trí nhớ… Việc đổ quá nhiều mồ hôi sẽ làm mất đi các chất điện giải như natri, kali, và còn làm trầm trọng thêm, thậm chí tăng nguy cơ bị say nắng. Do đó, việc giữ cơ thể đủ nước rất quan trọng trong mùa hè.
Đặc biệt là đối với trẻ nhỏ, khi cơ thể bị nóng quá mức, trung tâm điều hòa nhiệt độ ở thân não ứng biến bằng cách tiết mồ hôi để hạ bớt sức nóng của cơ thể. Tuy nhiên đối với trẻ em, trung tâm này chưa phát triển hoàn chỉnh nên sự giải nhiệt không tốt, khiến trẻ rất dễ bị say nắng khi cơ thể phải phơi nắng quá lâu. Nếu không cấp cứu kịp thời, trẻ có thể tử vong.
Do đó, để phòng tránh say nắng, đối với trẻ em, người già, người đang ốm thì nên uống nhiều nước khi đi ra ngoài trời nắng nóng vì mọi người sẽ bị đổ mồ hôi nhiều và cơ thể rất dễ bị mất nước, đặc biệt là những người phải luyện tập thể lực hoặc tham gia các trò chơi vận động ngoài trời thì lượng nước mất sẽ nhiều hơn như vậy cần uống nước ngay cả khi chưa cảm thấy khát.
Mọi người cũng cần hạn chế tối đa việc đi ra ngoài đường trong giờ nắng nóng cao điểm từ 11h trưa đến 4h chiều, khi đi ra nắng, cần che nắng kín đáo như mặc áo dài tay, quần dài, đeo khẩu trang và đội mũ rộng vành để hạn chế tác hại sức nóng của ánh nắng mặt trời.
Khi gặp trường hợp say nắng, say nóng, mọi người cần nhanh chóng tiến hành những biện pháp sơ cứu ngay lập tức khi chưa có sự hỗ trợ của nhân viên y tế hay phương tiện y tế: Nhanh chóng tiến hành giảm thân nhiệt cho bệnh nhân; Chuyển ngay bệnh nhân vào chỗ mát, thoáng gió, cởi bỏ bớt quần áo, cho uống nước mát có pha muối, chườm lạnh bằng khăn mát hoặc nước đá ở những vị trí có động mạch lớn đi gần ngoài da như nách, bẹn, cổ.
Nếu bệnh nhân hôn mê không uống được nước hoặc nôn liên tục, sốt tăng liên tục, kèm các triệu chứng đau bụng, đau ngực, khó thở thì phải nhanh chóng chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất, trong quá trình vận chuyển vẫn thường xuyên chườm mát.