Quốc hội sẽ giám sát việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã
Kiểm tra trọng tâm, giám sát mở rộng Hà Nội: Phát sinh 45 dự án chậm triển khai sau giám sát |
Sáng 21/7, tiếp tục chương trình làm việc tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khoá XV, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường đã trình bày trước Quốc hội tờ trình về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2022.
Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày dự kiến chương trình giám sát năm 2022 của Quốc hội |
Theo Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường, năm 2020 và những tháng đầu năm 2021 là thời gian chuyển giao giữa hai nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV và khóa XV với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là đại dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến nhiều mặt đời sống kinh tế - xã hội.
Trong bối cảnh đó, Quốc hội đã chủ động điều chỉnh, cải tiến, đổi mới cách thức tiến hành cho phù hợp với thực tiễn, qua đó đã đạt được những kết quả nhất định, được cử tri và Nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.
Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tiếp tục có nhiều đổi mới với việc tiến hành xem xét thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ, thể hiện tinh thần trách nhiệm của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các vị đại biểu trong việc theo dõi, giám sát đến cùng.
Bên cạnh những kết quả đạt được, theo Tổng Thư ký Quốc hội, hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội vẫn còn một số hạn chế. Hoạt động giám sát chuyên đề có lúc bị ảnh hưởng do báo cáo của một số cơ quan chịu sự giám sát gửi đến Đoàn giám sát còn chậm, không bảo đảm về mặt pháp lý hoặc có nội dung chưa thể hiện được vấn đề cần xem xét, đánh giá...
Tổng thư ký Quốc hội cho rằng: Nguyên nhân là do một số nội dung giám sát có phạm vi rộng, khối lượng công việc lớn, tính chuyên môn sâu, nhiều việc phát sinh, yêu cầu gấp trong khi thời gian cho hoạt động giám sát, nguồn lực để thực hiện giám sát còn hạn chế; Còn thiếu quy định cụ thể về cơ chế hỗ trợ đại biểu Quốc hội tự tiến hành giám sát…
Về chương trình giám sát năm 2022, Tổng thư ký cho biết, đã tổng hợp theo 10 nhóm lĩnh vực với 127 vấn đề thuộc trách nhiệm của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; Đồng thời, căn cứ vào tiêu chí lựa chọn, nội dung đã thực hiện, năng lực thực hiện của các cơ quan, đã tiến hành lựa chọn các chuyên đề giám sát theo quy trình chặt chẽ.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã lựa chọn 4 chuyên đề trình Quốc hội xem xét, quyết định chọn 2 chuyên đề để giám sát tối cao, 2 chuyên đề còn lại sẽ giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức giám sát.
Cụ thể, Chuyên đề 1: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 (dự kiến giao Ủy ban Tài chính, Ngân sách chủ trì tham mưu về nội dung).
Chuyên đề 2: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch được ban hành (dự kiến giao Ủy ban Kinh tế chủ trì tham mưu về nội dung).
Chuyên đề 3: Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 1/7/2016 đến ngày 1/7/2021 (dự kiến giao Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chủ trì tham mưu về nội dung).
Chuyên đề 4: Việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021 (dự kiến giao Ủy ban Pháp luật chủ trì tham mưu về nội dung).
Thảo luận về nội dung này, một số đại biểu đồng tình và đề xuất thêm các chuyên đề khác nhưng cũng có đại biểu đề nghị bỏ hai chuyên đề trong dự kiến để thay bằng các chuyên đề khác.
Đại biểu Lê Thanh Vân cho rằng cần có chuyên đề giám sát về công tác cán bộ, luân chuyển cán bộ để tránh tình trạng như một Phó UBND Chủ tịch một phường ở Nha Trang vừa qua gây bức xúc cho công luận và ảnh hưởng xấu đến công tác cán bộ. Ông cũng đề xuất giám sát việc sử dụng tài sản công, vốn Nhà nước trong các doanh nghiệp Nhà nước.