Quy hoạch 2 bên sông Hồng theo hướng ô bàn cờ
Giải pháp quy hoạch phải thích ứng, linh hoạt, khả thi Quy hoạch đô thị ven sông Hồng, sông Đuống trở thành điểm đột phá |
Tại phiên thảo luận tại tổ chiều 5/12, vấn đề Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2023, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 là nội dung được nhiều đại biểu HĐND TP Hà Nội quan tâm, đóng góp ý kiến.
Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn chủ trì thảo luận tổ |
Có sự tương tác giữa 2 đồ án quy hoạch Thủ đô và Luật Thủ đô (sửa đổi)
Góp ý kiến vào đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, đại biểu Đàm Văn Huân, Trưởng Ban Đô thị HĐND TP cho biết, Ban được Thường trực HĐND được giao thẩm tra đồ án Quy hoạch chung nên đã có sự tham gia ngay từ đầu. Sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ vào tháng 6/2023, TP đã quan tâm, đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Sau 6 tháng, Đồ án được hoàn thành bàn bản, công phu, thể hiện khát vọng xây dựng Thủ đô Hà Nội là TP "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại"; trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; TP kết nối toàn cầu, phấn đấu phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực.
Hiện các yếu tố liên quan đến 4 mốc thời gian (tới các năm 2030, 2045, 2050 và 2065) giữa đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô và đồ án Quy hoạch Thủ đô Hà Nội đã khớp nhau. Do đó, các thông số liên quan đồ án quy hoạch chung được HĐND TP thông qua sẽ là luận cứ đưa vào đồ án Quy hoạch Thủ đô và ngược lại, các nội dung như dân số, diện tích, tốc độ phát triển, trình độ nhân lực… được đề cập đến trong đồ án Quy hoạch Thủ đô sẽ được bổ sung vào đồ án điều chỉnh chung Thủ đô.
Còn theo Phó Chủ tịch UBND TP Dương Đức Tuấn, 2 đồ án quy hoạch cấp Thủ đô và Luật Thủ đô (sửa đổi) có sự tương tác, tổng hợp, tạo ra nội dung lớn, đổi mới trong phát triển Thủ đô Hà Nội như: Kiểm soát không gian phát triển TP; thiết lập mô hình chùm đô thị; dự kiến phát triển 2 mô hình TP phía Bắc và TP phía Tây Thủ đô; kiện toàn hệ thống hạ tầng kỹ thuật, xã hội; hình thành 5 trục phát triển cơ bản…
Phó Chủ tịch UBND TP Dương Đức Tuấn thảo luận tại tổ |
Phó Chủ tịch UBND TP cũng thông tin, theo quy định của Luật Quy hoạch và Luật Quy hoạch đô thị, sau khi hai đồ án quy hoạch cấp Thủ đô được Quốc hội, Chính phủ thông qua, Hà Nội phải xác lập chương trình, kế hoạch và nguồn lực, cơ chế chính sách phát triển đô thị, khắc phục hạn chế yếu kém của thời kỳ trước. Đây là thách thức không nhỏ, đặc biệt với yêu cầu hoàn thiện trong thời gian ngắn để tạo cơ hội phát triển mới cho Thủ đô đồng bộ, toàn diện.
Định hướng phát triển đường sắt đô thị tại Hà Nội theo mô hình TOD
Đại biểu Nguyễn Tiến Minh, Bí thư Huyện ủy Thường Tín cho rằng, việc triển khai Đề án quy hoạch Thủ đô phải kết hợp với chỉnh trang đô thị theo Chương trình số 03 của Thành ủy Hà Nội khóa XVII, đặc biệt khuyến khích việc xây dựng nhà ở cho người có thu nhập thấp; khuyến khích các hộ dân có thể hợp khối với sự tham gia của nhà đầu tư trong thiết kế cầu thang an toàn phòng chống cháy nổ. Đối với mỗi khu vực cũng nên thiết kế hạ tầng đảm bảo xe chữa cháy có thể tiếp cận.
Đại biểu Nguyễn Tiến Minh thảo luận tại tổ |
Về đồ án điều chỉnh quy hoạch chung, đại biểu Nguyễn Tiến Minh cho rằng, cần thiết phải điều chỉnh lại quy hoạch do người Pháp làm trước đây (lấy Hồ Gươm làm trung tâm và các tuyến đường hướng tâm). TP đã xác định lấy trục sông Hồng làm trung tâm trong quy hoạch mới và đường hai bên bờ sông Hồng làm trung tâm để giảm ùn tắc giao thông.
Đại biểu cho rằng, khi quy hoạch 2 bên sông Hồng cần thiết kế theo hướng ô bàn cờ để tạo không gian tĩnh. Cùng với đó là di dời các cơ quan, trường học ra ngoại thành để có không gian làm giao thông tĩnh, các hạ tầng công cộng...
Theo đại biểu Nguyễn Tiến Minh, dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi đã đề cập đến mô hình TOD (phát triển đô thị gắn kết với giao thông công cộng), vì vậy khi quy hoạch Thủ đô cần bám vào Luật Thủ đô sửa đổi để quy hoạch mô hình này; đặc biệt là định hướng phát triển tuyến đường sắt đô thị (nổi hoặc ngầm), bởi hiện Hà Nội chỉ có một tuyến đang chạy, 1 tuyến sắp chạy và 10 tuyến trong kế hoạch. Đây là con số khiêm tốn.
“Đề nghị trong định hướng quy hoạch đường sắt đô thị các đơn vị tư vấn cần nhấn mạnh triển khai theo mô hình TOD; nhấn mạnh sẽ quy hoạch tuyến đường sắt đô thị ngầm hoặc nổi với các tầng khác nhau, điều chỉnh các hướng để đường bộ và đường sắt đô thị bổ sung cho nhau để tăng cường năng lực giao thông công cộng, tiến tới hạn chế các phương tiện cá nhân hiệu quả”- đại biểu Nguyễn Tiến Minh nêu.