Ra mắt lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự cơ sở
Hà Nội lấy ý kiến thành lập Tổ bảo vệ an ninh trật tự TP Hồ Chí Minh ra quân Năm An toàn giao thông 2024 |
Đến dự buổi lễ còn có Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi; Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Dương Ngọc Hải; Trung tướng Lê Hồng Nam, Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh...
Chủ tịch nước Tô Lâm cùng nhiều đồng chí lãnh đạo TP Hồ Chí Minh tham dự buổi lễ (Ảnh: Trang Thơm) |
TP Hồ Chí Minh là một trong 12 địa phương được lựa chọn làm điểm tổ chức lễ, cùng với các địa phương: Lào Cai, Sơn La, Hải Dương, Nghệ An, Quảng Nam, Đắk Lắk, Khánh Hòa, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cần Thơ, Cà Mau.
Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự (ANTT) ở cơ sở được hình thành từ việc kiện toàn 3 lực lượng sẵn có, gồm: Công an xã bán chuyên trách, bảo vệ dân phố và dân phòng. Đây là những lực lượng đông đảo của toàn dân.
TP Hồ Chí Minh là một trong 12 địa phương được lựa chọn tổ chức lễ ra mắt (Ảnh: Trang Thơm) |
Lực lượng này có 6 nhóm nhiệm vụ chính, gồm: Hỗ trợ nắm tình hình ANTT; hỗ trợ xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; hỗ trợ phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; hỗ trợ quản lý hành chính về trật tự xã hội; hỗ trợ vận động, giáo dục người đã có hành vi vi phạm pháp luật đang cư trú tại cơ sở; hỗ trợ tuần tra bảo đảm ANTT, an toàn giao thông; thực hiện nhiệm vụ bảo vệ ANTT khi được điều động.
Nghi thức diễu hành (Ảnh: Trang Thơm) |
Theo nghị quyết của HĐND TP Hồ Chí Minh, mỗi khu phố, ấp đều thành lập 1 tổ bảo vệ ANTT, số lượng thành viên tùy thuộc quy mô nhân khẩu của từng khu phố, ấp.
Đối với các khu phố, ấp có quy mô nhân khẩu đến 2.700 nhân khẩu được bố trí 3 thành viên, có trên 2.700 - 3.600 nhân khẩu được bố trí thêm 1 tổ viên, tăng thêm 900 nhân khẩu thì bố trí thêm 1 tổ viên.
(Ảnh: Trang Thơm) |
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch nước Tô Lâm tin tưởng lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở sẽ là lực lượng quần chúng đắc lực, tinh nhuệ và là cánh tay nối dài của lực lượng Công an trong công tác bảo đảm ANTT, xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc, từng bước xây dựng nền an ninh Nhân dân gắn với thế trận an ninh Nhân dân vững chắc; giải quyết kịp thời, nhanh chóng, từ sớm, từ cơ sở các vụ việc liên quan đến ANTT; không để mẫu thuẫn nhỏ tạo thành vụ việc lớn, phát sinh tội phạm và tạo thành các điểm nóng...
(Ảnh: Trang Thơm) |
Chủ tịch nước đề nghị cấp ủy, chính quyền các cấp cần thống nhất nhận thức, xác định vị trí, tầm quan trọng của Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở để chỉ đạo lực lượng công an với vai trò nòng cốt phối hợp với các ngành, đoàn thể tham mưu triển khai đầy đủ, thống nhất, bao quát và bám sát hết địa bàn cơ sở; quan tâm xây dựng, bố trí, trang bị cơ sở vật chất, trang thiết bị, điều kiện đảm bảo hoạt động và chế độ chính sách cho lực lượng này.
(Ảnh: Trang Thơm) |
Đồng thời, Chủ tịch nước đề nghị thành phố huy động cả hệ thống chính trị tổ chức tuyên truyền, tạo sự ủng hộ của Nhân dân đối với lực lượng tham gia bảo vệ ANTT tại cơ sở, góp phần đảm bảo tốt tình hình ANTT và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tại địa phương.
TP Hồ Chí Minh cần thường xuyên quan tâm tới việc tuyển chọn, chăm lo, hướng dẫn, đào tạo, huấn luyện, bồi dưỡng về chính trị, pháp luật, nghiệp vụ, đặc biệt là cụ thể hóa 6 nhóm nhiệm vụ mang tính chất hỗ trợ công an cấp xã.
(Ảnh: Trang Thơm) |
Bên cạnh đó, Chủ tịch nước Tô Lâm cũng đề nghị TP Hồ Chí Minh tâm xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở; thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở; nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước về ANTT.
Thành phố tập trung giải quyết những vấn đề nhạy cảm về ANTT liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của người dân; không để phần tử xấu xuyên tạc, kích động, lôi kéo gây mất an ninh trật tự, xói mòn niềm tin của Nhân dân...
Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở được Quốc hội khóa XV, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 28/11/2023, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024, đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng, vững chắc, toàn diện cho việc xây dựng, củng cố, duy trì lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở; góp phần kiện toàn, sắp xếp, bố trí lực lượng, tinh gọn đầu mối gắn với hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác của từng tổ chức cơ sở; kịp thời đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo đảm ANTT trong tình hình mới. Luật gồm 5 chương 33 điều, quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, nguyên tắc tổ chức, hoạt động, quan hệ công tác, xây dựng lực lượng, bảo đảm điều kiện hoạt động và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức đối với lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở. Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở cũng quy định các điều kiện để tham gia lực lượng này, bao gồm: Người từ đủ 18 - 70 tuổi (trường hợp trên 70 tuổi nhưng có sức khỏe tốt sẽ được xem xét theo quyết định của Chủ tịch UBND cấp xã dựa trên đề nghị của công an cấp xã); có lý lịch rõ ràng, phẩm chất đạo đức tốt, cá nhân và gia đình tuân thủ tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; không phải là người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, đang thụ án hình sự. |