“Rồi tôi sẽ lớn” - vở nhạc kịch đầu tiên về lứa tuổi dậy thì
"Trại hoa vàng" tiếp tục lan tỏa dự án nhạc kịch hướng nghiệp |
Để vòng tròn gắn kết tình thân trong mỗi mái ấm ngày càng trọn vẹn hơn
Điều thú vị là tác phẩm này được dàn dựng không chỉ dành riêng cho đối tượng khán giả trẻ, đặc biệt là lứa tuổi mới lớn, mà còn hướng đến các bậc ông bà, cha mẹ trong gia đình có thể cùng thưởng thức tác phẩm này với các con mình. “Rồi tôi sẽ lớn” được coi là vở nhạc kịch đầu tiên về lứa tuổi dậy thì trình diễn trên sân khấu Nhà hát Tuổi trẻ cho đến nay.
Hình ảnh trong vở nhạc kịch "Rồi tôi sẽ lớn" |
Được sân khấu hóa từ kịch bản của nhà báo, nhà văn Hoàng Anh Tú, đạo diễn: NSƯT Lê Ánh Tuyết, nhạc kịch “Rồi tôi sẽ lớn” trước hết mang trong mình sứ mệnh chinh phục khán giả trẻ và lứa tuổi học sinh bằng các yếu tố mới mẻ, hiện đại, những trào lưu, xu hướng thịnh hành trong đời sống học đường hôm nay một cách chân thực và sinh động.
Vở diễn tràn ngập âm nhạc sôi động và sâu lắng, những bài hát, điệu nhảy trẻ trung hiện đại được các bạn trẻ yêu thích, sân khấu đầy màu sắc và những câu chuyện gần gũi, thân quen thường nhật. Tới xem vở diễn, mỗi bậc ông bà, cha mẹ cũng sẽ tìm thấy chính mình trong câu chuyện đầy ý nghĩa và xúc động của vở diễn.
Bên cạnh hơi thở tươi mới của một vở nhạc kịch dành cho tuổi trẻ, “Rồi tôi sẽ lớn” cũng là tiếng nói đồng cảm với những người làm cha, làm mẹ mong muốn “kết bạn” với con cái của mình, phần nào giải mã những câu hỏi hóc búa trong việc khám phá lứa tuổi đầy “biến động” trên hành trình trưởng thành thông qua nghệ thuật.
Với nhiều thể nghiệm mới mẻ trong sáng tạo nghệ thuật và giải mã tâm lý các nhân vật đa dạng, vở diễn chuyển tải những thông điệp chia sẻ, hàn gắn giữa các thế hệ trong gia đình, để vòng tròn gắn kết tình thân trong mỗi mái ấm ngày càng tròn vẹn hơn, với tình yêu thương và sự thấu hiểu.
Chữa lành thương tổn trong con và cha mẹ
Nói về "Rồi tôi sẽ lớn", tác giả kịch bản Hoàng Anh Tú chia sẻ: “Tuổi dậy thì (từ 9 - 16 tuổi) luôn là một đề tài nói mãi không hết chuyện. Bởi đó là khoảng thời gian nhạy cảm vô cùng với mỗi đứa trẻ. Từ những thay đổi về sinh lý sẽ dẫn đến những thay đổi về tâm lý. Mỗi đứa trẻ đều trải qua quá trình lột xác như loài sâu bướm. Có rất nhiều những đứa trẻ trưởng thành trong đơn độc không phải vì cha mẹ chúng không quan tâm đến chúng mà là cha mẹ không hiểu con.
Những năm gần đây, các trường học đều hay tổ chức các tọa đàm liên quan đến khủng hoảng tâm lý tuổi dậy thì không chỉ dành cho các con mà còn dành cho các phụ huynh. Bởi con khủng hoảng tâm lý một thì cha mẹ khủng hoảng tâm lý mười. Nỗ lực hiểu con nhưng không phải cha mẹ nào cũng làm được. Vì chính bản thân bọn trẻ cũng không hiểu nổi bản thân của chúng. Đó cũng là lý do khiến mối quan hệ cha mẹ con cái bị đứt gãy khi con bước vào tuổi dậy thì.
Vở diễn "Rồi tôi sẽ lớn" chính là chiếc chìa khóa, mối hàn vết đứt gãy đó. Là nơi để lũ trẻ xem và mở lòng ra với cha mẹ. Là nơi cha mẹ xem để xích lại gần con hơn. Nhìn cây sửa đất - nhìn con sửa mình. Xem kịch để chữa lành những thương tổn trong con cũng như trong chính mỗi bậc cha mẹ.
Thông điệp của vở nhạc kịch hướng tới việc hóa giải những mâu thuẫn giữa cha mẹ- con cái ở giai đoạn tuổi dậy thì của con. Không chỉ giúp cha mẹ hiểu những biến động tâm lý của con mà còn giúp chính cách con thấu hiểu lòng cha mẹ. “Các con có yêu cha mẹ mình không?” sẽ là câu hỏi mà mọi cha mẹ đều mong nhận được câu trả lời. Câu trả lời đó sẽ được lật mở qua từng lớp kịch.
Thông qua vở diễn muốn thể hiện bằng trái tim cha mẹ và sự am hiểu về tuổi mới lớn. Những câu chuyện trong vở nhạc kịch này chính là từ những lá thư mà học trò gửi về cho tôi và cả tâm sự của nhiều cha mẹ. Tôi mong vở nhạc kịch này sẽ không chỉ nằm lại trên sân khấu của Nhà hát Tuổi trẻ mà nó sẽ được lan tỏa đến các trường học, trở thành giáo cụ giúp các trường học dùng nó cho các bậc phụ huynh xem và chính các em xem”
Vở diễn "Rồi tôi sẽ lớn" khi các con chính là trời xanh của cha mẹ muốn chạm vào. Một bước. Chỉ một bước thôi. Là chính cha mẹ hãy bước tới. Để chạm vào con. Đừng để con trưởng thành trong đơn độc chỉ vì cha mẹ không hiểu con mình. Học hiểu con rồi mới biết cách thương con là vậy. Đừng chỉ thương mà không hiểu. Học hiểu con để trở thành cha mẹ thương con đúng.”
Nhà báo, nhà văn Hoàng Anh Tú được nhiều người trẻ nhớ đến với bút danh “anh Chánh Văn”, là chuyên gia tâm lý, khách mời quen thuộc tư vấn các chủ đề học đường, dạy con và gia đình... Anh từng giữ cương vị Trưởng ban Biên tập báo Sinh viên Việt Nam, chủ bút của ấn phẩm 2! tác giả một số đầu sách về kỹ năng dạy con. Có mặt tại buổi diễn, "Anh Chánh văn" Hoàng Anh Tú thốt lên: "Đứa con tinh thần đã hình thành. Thật tuyệt vời là nó còn hay hơn những gì tôi viết ra. Cảm ơn các bạn rất nhiều"!
Tìm thấy những giá trị nhất định cho mình
NSƯT Lê Ánh Tuyết - đạo diễn vở nhạc kịch “Rồi tôi sẽ lớn” thì tâm sự: “Đây là vở nhạc kịch thứ hai mà tôi dàn dựng về đề tài tuổi trẻ, sau nhạc kịch “Trại hoa vàng” giành Huy chương Vàng trong Liên hoan Ca múa nhạc Toàn quốc 2021 vừa qua.
Lâu nay, các tác phẩm sân khấu dành cho lứa tuổi trung học cơ sở và trung học phổ thông dường như còn quá ít ỏi, chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu thưởng thức và trải nghiệm nghệ thuật của tuổi trẻ, đặc biệt là lứa tuổi học trò, các em cũng vì thế không có thói quen đến rạp hát, thay vào đó là smartphone, mạng xã hội và những hình thức giải trí đôi khi không phù hợp với lứa tuổi.
Vở diễn được xây dựng với mục tiêu đầu tiên: Các bạn trẻ phải thích xem, bằng cách gắn vào chuyện kịch những yếu tố “thời thượng” nhất của lứa tuổi này, bằng âm nhạc và cuộc sống học đường để khi xem, các em sẽ thấy mình trong đó. Sau đó mới đến những ẩn dụ dành cho cha mẹ, là sáng tạo của những cái bóng - ẩn dụ về con người bên trong, là tiếng nói của trái tim nhân vật.
Vở nhạc kịch cũng là một thể nghiệm về hình thức thể hiện tâm lý phức tạp của con người. Hay những biểu tượng ẩn ý về “Khu vườn nói thật”, những màn vũ đạo, những ca khúc đang được lứa tuổi này yêu thích, tạo ra cảm xúc ấn tượng về thị giác, thính giác. Ekip sáng tạo vở diễn hy vọng vở diễn sẽ chinh phục được đối tượng khán giả “khó gần” và rất mới: Tuổi mới lớn.
Những nghệ sỹ sáng tạo nên vở diễn có tham vọng đưa “Rồi tôi sẽ lớn” trở thành một vở diễn mà tất cả thành viên trong gia đình đều yêu thích và tìm thấy ở đó những giá trị nhất định cho mình.”
Quả thật là như vậy, xem "Rồi tôi sẽ lớn", cà ông bà, cha mẹ, con cái đều cảm nhận được mình đều "lớn" lên trong hành trình tiếp tục học để làm con, làm cha mẹ, làm bà. Bởi không có nghĩa rằng chúng ta sinh ra đã làm tròn những vai ấy mà cứ vừa thực hiện vai vừa học tiếp, thông qua những mâu thuẫn, va vấp để cùng trưởng thành và để cùng hiểu nhau hơn.
Bên cạnh đó, điều tuyệt vời mà vở diễn mang lại đó chính là sự xóa nhòa khoảng cách giữa sân khấu và khán giả. Bằng những câu chuyện nghe có vẻ mang motip quen thuộc nhưng lại rất điển hình và chưa bao giờ cũ trong xã hội như phụ nữ hi sinh sự nghiệp để chăm lo gia đình, đàn ông mải mê công việc và có "trà xanh"; Bố mẹ đổ lỗi cho nhau về việc nuôi dạy con cái, rạn nứt hôn nhân ảnh hưởng tâm lý con trẻ... vở kịch đưa người xem vào những tình huống mà ta có thể gặp phải trong cuộc sống hàng ngày.
Thêm vào đó, âm nhạc trong vở diễn có tính kết nối diệu kỳ. Nó là một trong những tác nhân xoa dịu mâu thuẫn, nối liền trái tim các nhân vật đồng thời giúp khán giả hòa điệu cùng với diễn viên trên sân khấu.
Dù còn một vài đoạn chưa thực sự mượt, một số nhân vật phụ chưa được khai thác hợp lí nhưng nhìn chung "Rồi tôi sẽ lớn" vẫn là một vở diễn chất lượng, mang lại màu sắc trẻ trung, rực rỡ cho sân khấu Thủ đô. Đó là lí do "Rồi tôi sẽ lớn" chắc chắn sẽ thu hút đông đảo khán giả thưởng thức và đồng cảm.