Sáng 26/4, thêm 3 ca mắc Covid-19 nhập cảnh đã được cách ly
Tính đến 6h ngày 26/4: Việt Nam có tổng cộng 1570 ca mắc Covid-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/1 đến nay: 910 ca.
Tính từ 18h ngày 25/4 đến 6h ngày 26/4: 3 ca mắc mới, đều được cách ly ngay sau khi nhập cảnh.
Sáng 26/4, thêm 3 ca mắc Covid-19 nhập cảnh đã được cách ly |
Thông tin ca mắc mới: 3 ca mắc mới (BN2844-2846) được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Quảng Nam (2), Đà Nẵng (1). Cụ thể:
CA BỆNH 2844 (BN2844) ghi nhận tại tỉnh Quảng Nam: Bệnh nhân nam, 28 tuổi, công dân Việt Nam, địa chỉ tại huyện thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà rịa - Vũng Tàu.
CA BỆNH 2845 (BN2845) ghi nhận tại tỉnh Quảng Nam: Bệnh nhân nam, 35 tuổi, công dân Việt Nam, địa chỉ tại huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị.
Ngày 23/4/2021, BN2844-2845 từ Nhật Bản nhập cảnh Sân bay Đà Nẵng trên chuyến bay VN5313 và được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại tỉnh Quảng Nam. Kết quả xét nghiệm ngày 25/4/2021 dương tính với SARS-CoV-2. Hiện các bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Quảng Nam.
CA BỆNH 2846 (BN2846) ghi nhận tại Thành phố Đà Nẵng: Bệnh nhân nam, 27 tuổi, công dân Việt Nam, địa chỉ tại huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ. Ngày 20/4/2021, bệnh nhân từ Nhật Bản nhập cảnh Sân bay Quốc tế Đà Nẵng trên chuyến bay QH9413 và được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại thành phố Đà Nẵng.
Kết quả xét nghiệm lần 2 ngày 25/4/2021 dương tính với SARS-CoV-2. Hiện bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng.
Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 41.626, trong đó: Cách ly tập trung tại bệnh viện: 527; Cách ly tập trung tại cơ sở khác: 26.276; Cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 14.823.
Theo báo cáo của Cục Quản lý Khám chữa bệnh - Bộ Y tế, số ca âm tính với SARS-CoV-2: Lần 1: 13; Lần 2: 15; Lần 3: 20; Số ca tử vong: 35 ca; Số ca điều trị khỏi: 2.516 ca.
Cũng theo Bộ Y tế, tính đến sáng nay, thế giới ghi nhận hơn 147 triệu ca nhiễm, trong đó có hơn 3,1 triệu ca tử vong. Đứng thứ nhất về số ca nhiễm là Mỹ với hơn 32,7 triệu ca, 585 nghìn ca tử vong, đứng thứ hai là Ấn Độ với hơn 16,9 triệu ca, 192 nghìn ca tử vong và Brazil với hơn 14,3 triệu ca, 389 nghìn ca tử vong.
Tại Ấn Độ, dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp với số ca nhiễm tăng cao, trong khi hệ thống y tế đang có nguy cơ sụp đổ. Chỉ trong 24 giờ qua, Ấn Độ có thêm 349.313 ca nhiễm mới và số người tử vong đã tăng thêm 2.761 người.
Con số trên đánh dấu ngày thứ 8 liên tiếp Ấn Độ ghi nhận số ca mắc mới trên mức 200.000, nâng tổng số ca nhiễm Covid-19 ở nước này lên tới 16.960.172 trường hợp. Tổng số người tử vong do dịch Covid-19 tại Ấn Độ đã lên tới 192.311 trường hợp.
Nhiều bệnh viện trên khắp cả nước, trong đó có thủ đô New Delhi đã ra thông báo nguồn oxy sắp cạn kiệt.
Giới chuyên gia y tế cho rằng Ấn Độ đã mất cảnh giác khi dịch bệnh Covid-19 dường như đã được kiểm soát trong thời gian từ tháng 1 - 3/2021, khi số ca mắc trong ngày ở mức khoảng 10.000 ca và đã dỡ bớt các biện pháp hạn chế nhằm phòng chống dịch, cho phép tập trung đông người trở lại.
Chính phủ Ấn Độ đã phát động chương trình tiêm vắc xin ngừa Covid-19, nhưng chỉ có một phần nhỏ trong số hơn 1,3 tỉ dân của nước này đã được tiêm.
Tại Thái Lan, trong ngày 24/4 ghi nhận số lượng ca mắc mới Covid-19 với 2.839 ca và số người tử vong là 8 ca theo ngày cao nhất từ trước tới nay. Lũy tích tới nay, tổng số các ca nhiễm là 55.460 ca trong đó có 140 ca tử vong.
Từ 1/4 đến nay, Thái Lan ghi nhận tổng cộng 27.000 ca mắc Covid-19, trong đó 56% số ca là ở Bangkok. Thủ đô Bangkok đang là tâm điểm của đợt bùng phát Covid-19 thứ ba ở Thái Lan và là một trong 18 địa phương được chính phủ nước này đưa vào danh sách “vùng đỏ”, nơi giờ mở cửa của một số cơ sở nhất định bị hạn chế.
Từ 26/4, Chính quyền Bangkok ra lệnh đóng cửa 31 loại hình kinh doanh nhằm ngăn chặn sự lây lan của làn sóng thứ ba đại dịch Covid-19 tại thủ đô.
Tại Lào, trong 24 giờ qua ghi nhận thêm 88 ca mắc mới Covid-19 (trước đó 1 ngày ghi nhận 65 ca), trong đó có tới 84 ca ở thủ đô Viêng Chăn, 2 ca ở tỉnh Champasak, 2 ca ở tỉnh Bokeo, nâng tổng số ca nhiễm lên 323 ca.
Tính tới thời điểm hiện tại, đã có ít nhất 10/18 tỉnh, thành phố của Lào ra lệnh phong tỏa, một số tỉnh đã tiến hành cách ly 14 ngày đối với người về từ thủ đô Viêng Chăn.
Các ca mắc mới đều là lây nhiễm cộng đồng, trong đó có cả trẻ em, với tâm điểm vùng dịch vẫn là thủ đô Viêng Chăn. Thủ tướng Chính phủ Lào ban hành Chỉ thị số 15/TTg ngày 21/4/2021 về việc tăng cường các biện pháp toàn diện chống, kiểm soát và sẵn sàng ứng phó dịch Covid-19, trong đó quy định việc phong tỏa thủ đô Viêng Chăn; Tiếp tục đóng các cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu phụ và cửa khẩu địa phương đường bộ, đường thủy tại các đường biên giới với các nước đang có dịch Covid-19 lây lan trong cộng đồng; Đối với các hoạt động xuất nhập cảnh của cá nhân từ ngày 22/4 - 5/5/2021, ngoại trừ trường hợp cần thiết được Ban Chỉ đạo cấp Trung ương cấp phép và xe chở hàng hóa nhưng phải có bảo hiểm Covid-19 và thiết bị giám sát y tế trong 14 ngày.
Tại Campuchia, trong 3 ngày qua số ca nhiễm trong ngày đang có chiều hướng gia tăng, riêng trong ngày qua ghi nhận 511 ca mắc mới và 10 ca tử vong, trong đó có 9 ca ở thủ đô Phnom Penh, nâng tổng số ca mắc lên 9.359 ca và 71 ca tử vong.
Đây là ngày có số ca tử vong cao nhất kể từ khi Campuchia ghi nhận ca đầu tiên tử vong liên quan “sự cố lây nhiễm cộng đồng ngày 20/2”. Bộ Y tế Campuchia cho biết Thủ đô Phnom Penh vẫn là địa phương có số ca mắc mới cao nhất với 318 ca, tiếp theo là tỉnh Preah Sihanouk (126 ca) và tỉnh Kandal (44 ca).
Như vậy, đến nay Campuchia có 22 tỉnh, thành phố xuất hiện dịch bệnh; 3 tỉnh không có ca nhiễm Covid-19 nào là Ratanakkiri, Oddar Meanchey và Stung Treng.
Cơ quan chức năng Thủ đô Phnom Penh cho biết sẽ điều động nhóm y bác sỹ đến lấy mẫu xét nghiệm tại chỗ cho những người dân ở các “khu vực đỏ” tại thủ đô hiện đang bị hạn chế ra ngoài. Những khu vực đỏ là những nơi có tỷ lệ lây nhiễm cao nhất, gồm 3 quận Steung Meanchey, Por Senchey và Toul Kork.