Sáng 4/6, Việt Nam ghi nhận 52 ca mắc COVID-19
Cụ thể:
Bệnh nhân BN8064-BN8066, BN8083-BN8112, BN8114-BN8115 ghi nhận tại tỉnh Bắc Giang trong khu cách ly và khu vực đã được phong tỏa, liên quan đến công nhân làm tại các khu công nghiệp. Kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2.
Bệnh nhân BN8067-BN8075, BN8078-BN8082 ghi nhận tại tỉnh Bắc Ninh: 6 ca liên quan ổ dịch Khu công nghiệp Khắc Niệm, 3 ca liên quan ổ dịch Khu công nghiệp Quế Võ, 2 ca liên quan ổ dịch Thuận Thành, 3 ca đang điều tra dịch tễ. Kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2.
Bệnh nhân BN8076 ghi nhận tại tỉnh Thái Bình: nữ, 75 tuổi, địa chỉ tại huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình; liên quan đến ổ dịch cũ, đã được cách ly. Kết quả xét nghiệm ngày 03/6/2021 dương tính với SARS-CoV-2. Hiện đang được cách ly điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình
Bệnh nhân BN8077, BN8113 ghi nhận tại TP. Hà Nội: 1 ca có tiền sử đi về từ TP. Hồ Chí Minh, 1 ca là F1 BN5243. Kết quả xét nghiệm ngày 03/6/2021 dương tính với SARS-CoV-2.
Thông tin tiêm chủng:
Có thêm 45.571 người được tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 trong ngày 03/6/2021.
Tính đến 16 giờ ngày 03/6/2021, tổng cộng đã thực hiện tiêm vắc xin phòng COVID-19 đợt 1 và 2 tại các tỉnh/TP với 1.156.056 liều. Trong đó, số người đã được tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng COVID-19 là 31.551 người.
Chi tiết 45.571 người được tiêm tại 04 tỉnh/TP trong ngày 03/6/2021 như sau:
1- Bắc Giang: 31.608
2- Bắc Ninh: 7.002
3- Yên Bái: 779
4- Lào Cai: 3.058
Hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong quản lý mẫu xét nghiệm do nhóm chuyên gia Bộ Y tế xây dựng đã góp phần giúp tỉnh Bắc Giang giải quyết được bài toán quá tải mẫu, thiếu thông tin về mẫu và chậm trả kết quả xét nghiệm trong giai đoạn đầu của đợt dịch.
Tham gia trong Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế trợ giúp Bắc Giang chống dịch có một nhóm chuyên gia trẻ của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương. Đây là những thành viên tinh nhuệ thuộc tổ điều tra, giám sát dịch. Trong số đó có TS.BS Ngũ Duy Nghĩa, Trưởng Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, người đã có kinh nghiệm trợ giúp Đà Nẵng, Hải Dương trong những đợt dịch trước đây.
Theo ông Nghĩa, tình hình dịch tại Bắc Giang lần này khác rất nhiều so với những ổ dịch tại các địa phương trước đó kể cả về quy mô, mức độ lẫn thời gian diễn biến. Trong bất cứ đợt dịch nào khâu điều tra, giám sát dịch đều được xác định là nhiệm vụ đi trước, một mắt xích quan trọng mở màn cho một cuộc chiến. Chính vì vậy, nếu khâu này làm không tốt sẽ khiến cho những công đoạn về sau trở nên khó khăn chất chồng.
Nhận thức được trách nhiệm nặng nề, nhóm chuyên gia Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương dưới sự lãnh đạo của PGS.TS Trần Như Dương đã bắt tay ngay vào việc xây dựng giúp tỉnh Bắc Giang kế hoạch khung về lấy mẫu xét nghiệm, tầm soát, truy vết hết sức rõ ràng.
Kế hoạch khung không quy định cụ thể phải lấy bao nhiêu mẫu, nhưng định hướng rõ cho các huyện các loại mẫu xét nghiệm cần phải lấy; mục đích, ý nghĩa của từng loại để từ đó xác định loại mẫu nào cần phải ưu tiên lấy trước và ưu tiên lấy trước ở địa điểm nào (dựa vào việc phân loại các nhóm đối tượng từ nguy cao tới thấp).
Từ kế hoạch khung, tùy theo diễn biến tình hình dịch bệnh, các huyện tiếp tục phát triển và xây dựng kế hoạch lấy mẫu chi tiết của huyện theo từng ngày.
Ưu tiên huyện nào đang có ổ dịch phải đi lấy mẫu ngay để chống dịch, huyện nào có nguy cơ ít thì chú trọng lấy mẫu diện rộng tại cộng đồng để đánh giá nguy cơ. Chỉ khi có kế hoạch chi tiết trong tay, các cơ quan quản lý nhà nước mới có một cái nhìn tổng thể, bao quát để điều phối các lực lượng (nội tại sẵn có lẫn chi viện) một cách hợp lý, qua đó đảm bảo tính hệ thống, chiến lược, khoa học và hiệu quả trong công tác lấy mẫu.
Từ kế hoạch lấy mẫu, nhóm chuyên gia Bộ Y tế tiếp tục hỗ trợ Bắc Giang xây dựng sơ đồ lấy mẫu tại thực địa. Theo sơ đồ này, việc tổ chức lấy mẫu tại các địa bàn được diễn ra quy củ, khoa học. Khu vực lấy mẫu phải đảm bảo về mặt giãn cách phòng chống dịch, tránh lây nhiễm cho cán bộ nhân viên y tế lẫn người dân, đảm bảo luồng đi 1 chiều, thông suốt.
Tới thời điểm hiện tại, hệ thống quản lý mẫu xét nghiệm do nhóm chuyên gia của Bộ Y tế xây dựng đã góp phần giúp tỉnh Bắc Giang về cơ bản giải quyết được bài toán quá tải mẫu, thiếu thông tin về mẫu và chậm trả kết quả xét nghiệm trong giai đoạn đầu của đợt dịch. Đây được xem là một trong những đóng góp rất thiết thực của các chuyên gia Bộ Y tế tại tỉnh Bắc Giang, góp phần giúp địa phương thêm "vũ khí" trong cuộc chiến cam go chống lại đại dịch COVID-19".