Sau cúm A, lo ngại "vào mùa" bệnh viêm não
Bước vào "cao điểm"
Bệnh viêm não có thể xảy ra quanh năm nhưng mùa dịch thường bắt đầu vào các tháng mùa hè, đỉnh điểm dịch vào các tháng 5,6,7.
Đây là mùa thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển và cũng là mùa có nhiều loài hoa quả chín thu hút chim từ rừng về mang theo mầm bệnh từ nơi hoang dã, sau đó lây sang đàn lợn, gia súc gần người và lây sang cho người qua muỗi đốt.
Theo thống kê của Bộ Y tế, tính chung 6 tháng đầu năm 2022, cả nước có 110 trường hợp bị viêm não virus (3 người tử vong); 8 ca viêm màng não do não mô cầu.
Bệnh nhi bị viêm não Nhật Ban điều trị tại Khoa Điều trị tích cực, Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương |
Từ đầu năm đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 3 ca mắc viêm não Nhật Bản. Vật chủ trung gian truyền bệnh là muỗi Culex Tritaeniorhynchus. Ở Việt Nam, loài muỗi này sinh sản mạnh nhất từ tháng 3 đến tháng 7, 8, 9 trong năm, vì vậy, bệnh viêm não Nhật Bản cũng gia tăng trong các tháng này là nhiều nhất.
Thời điểm này, nhiều bệnh nhân nhập viện có nguyên nhân từ bệnh lý viêm não. Theo các bác sĩ, hiện ở một số tỉnh thành, viêm màng não, viêm não Nhật Bản đang vào mùa cao điểm.
Mới đây, Khoa Bệnh lây đường tiêu hóa (A4-B), Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã tiếp nhận nhiều ca với chẩn đoán viêm màng não virus, viêm màng não do HSV... Trong số đó có một trường hợp đặc biệt là bệnh nhân nam V.V.H. 26 tuổi, mắc bệnh viêm màng não do nấm Cryptococcus.
Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 điều trị cho bệnh nhân bằng các phương pháp truyền dịch, kháng sinh chống bội nhiễm, thuốc chống nấm, chống phù não, bổ gan, thuốc giảm đau, nuôi dưỡng…. Với sự chăm sóc tận tình tích cực của các bác sĩ, tình trạng bệnh nhân đã ổn định, được ra viện.
Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Nhi Trung ương) đang điều trị cho hàng chục bệnh nhân viêm màng não do các căn nguyên khác nhau. Mới nhất là nam bệnh nhân 15 tuổi ở Hà Nội bị viêm não Nhật Bản. Bệnh nhi vào viện trong tình trạng lơ mơ, mất định hướng, trả lời lẫn lộn.
Trước khi vào viện, bệnh nhân đau đầu, bứt rứt, khó chịu, nôn, rối loạn ý thức, loạng choạng. Khai thác tiền sử, bố mẹ bệnh nhi không nhớ con đã tiêm vắc xin hay chưa, sổ tiêm chủng không còn lưu. Sau 10 ngày điều trị, bệnh nhi đã tỉnh táo, ổn định, đi lại bình thường.
TS Bùi Hữu Nam - Trung tâm Bệnh nhiệt đới thuộc (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết, tháng 5 đến tháng 8 hằng năm là giai đoạn thường ghi nhận sự gia tăng các bệnh lí viêm não, đặc biệt là viêm não Nhật Bản.
Phòng bệnh viêm não
Bệnh viêm não thường khởi phát với các dấu hiêu sốt đột ngột, ớn lạnh, nhức đầu, mệt mỏi, buồn nôn và nôn. Ở trẻ em có thể gặp đau bụng trong giai đoạn đầu của bệnh. Sau 3 hoặc 4 ngày trẻ có thể co giật, lơ mơ, hôn mê.
Khoảng 20-30% số trường hợp mắc bệnh viêm não có thể tiến triển nặng dẫn tới tử vong, ở trẻ nhỏ dưới 10 tuổi có nguy cơ tiến triển nặng và tử vong cao hơn. Sau mắc bệnh 30-50% các trường hợp có tổn thương não và thần kinh gây liệt và chậm phát triển trí tuệ.
Cách phòng bệnh viêm não Nhật Bản tốt nhất là tiêm vắc xin |
Viêm não là bệnh có tỷ lệ tử vong cao và có nhiều biến chứng nguy hiểm. Để phòng bệnh chủ động, tiêm vắc xin là biện pháp hiệu quả nhất. Các bậc cha mẹ có con trong độ tuổi từ 1-5 tuổi cần đưa con đi tiêm đầy đủ và đúng lịch trong tiêm chủng thường xuyên.
Các bậc phụ huynh tại các vùng nguy cơ cao cần chủ động cho trẻ tham gia tiêm bổ sung vắc xin miễn phí cho trẻ 6-15 tuổi.
Ngoài ra, để phòng viêm não cũng như phòng tránh một số bệnh thường gặp trong mùa hè cần ăn uống hợp vệ sinh, nâng cao thể trạng, nằm màn tránh muỗi đốt; Vệ sinh môi trường, tích cực diệt muỗi, bọ gậy.
Khi có dấu hiệu sốt cao cùng với các triệu chứng tổn thương hệ thần kinh trung ương cần phải đưa ngay bệnh nhân đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
TS.BS Đỗ Thiện Hải - Phó Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, so với các bệnh viêm não, viêm màng não, viêm não Nhật Bản thường để lại di chứng nặng nề nhất. Nguyên nhân trẻ mắc bệnh, ở hầu hết các trường hợp là do phụ huynh quên lịch tiêm nhắc lại vắc xin viêm não Nhật Bản cho con sau khi hoàn thành những mũi tiêm cơ bản lúc 2 tuổi.
BS Hải khuyến cáo phụ huynh nên lưu ý cho con tiêm đầy đủ các mũi vắc xin phòng viêm não Nhật Bản. Mũi 1 tiêm khi trẻ được một tuổi, mũi 2 sau mũi 1 từ 1-2 tuần, mũi 3 tiêm sau một năm tiêm mũi 2. Sau đó, trẻ nên tiêm nhắc lại sau 3-4 năm đến khi 15 tuổi. Vắc xin viêm não Nhật Bản có tác dụng phòng bệnh trong khoảng 3-5 năm.