Siết chặt dịch vụ đòi nợ thuê
Đỗ Văn Quang, tức Quang "Rambo" cùng đồng phạm chuyên tổ chức đồi nợ thuê bị Công an TP Hà Nội khởi tố tội Cưỡng đoạt tài sản
Bài liên quan
Khởi tố, triệu tập một số người vụ đốt pháo sáng ở sân Hàng Đẫy
Tài xế xe container gây tai nạn trên cầu Thanh Trì khiến 4 người thương vong, đã ra trình diện
Hà Nội: Ngôi biệt thự 3 tầng ở khu đô thị Xa La bốc cháy dữ dội trong đêm
Đang tìm kiếm nạn nhân bị xe container tông văng xuống sông Hồng
Xe container đâm vào 4 người trên cầu Thanh Trì, 1 người rơi xuống sông Hồng
Tài xế Phiến diễn lại sự việc đưa đón học sinh tại buổi thực nghiệm hiện trường lần 2
Đây không phải lần đầu tiên có đề xuất cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ, nhưng liệu việc cấm kinh doanh dịch vụ này có góp phần làm lành mạnh hóa hơn môi trường đầu tư kinh doanh không?
Lo ngại dịch vụ đòi nợ thuê
Luật Đầu tư 2014 không xếp kinh doanh dịch vụ đòi nợ vào danh mục các nghề bị cấm đầu tư kinh doanh và xác định là ngành nghề phải được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự theo quy định tại Nghị định 96/2016/NĐ-CP quy định điều kiện về an ninh, trật tự đối với một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.
Thực tế cho thấy, hiện nay, dịch vụ đòi nợ thuê xuất hiện ở cả thành thị lẫn nông thôn, bị biến tướng và gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội. Nhiều vụ việc va chạm giữa người vay nợ và người thu hồi nợ gây mất an ninh trật tự như xô xát, bắt giữ người trái phép, dùng vũ lực trấn áp hay gây án mạng khi đòi nợ… Đơn cử trong tháng 7 vừa qua, chủ quán phở Hòa tại TP. Hồ Chí Minh nhiều lần trình báo cơ quan Công an nhờ can thiệp vì quán liên tục bị người lạ tạt sơn, mắm tôm, nhớt, khủng bố tinh thần bắt ông phải trả nợ thay cho em rể.
Chưa kể, Nghị định 104/2007/NĐ-CP về kinh doanh dịch vụ đòi nợ đã có nhiều quy định về nhân viên công ty thu hồi nợ phải có trình độ từ trung cấp trở lên, thuộc các ngành nghề an ninh, luật, kinh tế, quản lý. Song, trên thực tế, ngoài số nhân viên bảo đảm điều kiện tiêu chuẩn theo quy định, đa số các công ty thu hồi nợ thành lập thêm công ty bảo vệ, tuyển dụng nhiều người có tiền án, tiền sự và sử dụng những nhân sự này để đòi nợ…
Nhóm đòi nợ thuê của công ty CP dịch vụ đòi nợ Hưng Thịnh bị con nợ hành hung gây thương tích ở Quảng Ninh rồi quay clip tung lên mạng xã hội |
Đáng lo ngại hơn, theo Công an TP. Hồ Chí Minh, hiện trên địa bàn thành phố có gần 70 công ty đòi nợ thuê, nhưng chỉ có 45 doanh nghiệp được cấp phép; thậm chí khoảng 99% công ty đòi nợ thuê trên địa bàn cấu kết băng nhóm “xã hội đen” để trấn áp tinh thần người vay nợ.
Bộ Tài chính cũng từng đánh giá, hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ là hoạt động kinh doanh nhạy cảm về mặt xã hội, dễ xảy ra hậu quả do hành vi đòi nợ bất hợp pháp, do đó cần quy định kinh doanh dịch vụ đòi nợ là một loại hình kinh doanh có điều kiện.
Trước đó, trong một văn bản gửi Bộ Tài chính, UBND TP. Hồ Chí Minh cũng kiến nghị Chính phủ đưa dịch vụ đòi nợ vào danh mục ngành nghề cấm kinh doanh. Theo địa phương này, hoạt động đòi nợ đang diễn biến phức tạp, các tổ chức tín dụng thường núp bóng doanh nghiệp cho vay tài chính, dịch vụ đòi nợ để thu lợi bất chính. Bên cạnh đó, một lượng không nhỏ người tham gia các hoạt động tệ nạn, có nhu cầu bất hợp pháp nên tìm đến tín dụng đen. Chính những hành vi biến tướng của dịch vụ đòi nợ đã và đang gây khó khăn cho các cơ quan quản lý và tác động xấu tới xã hội.
Không quản được thì cấm
Trao đổi với PV báo Tuổi trẻ Thủ đô về vấn đề trên, luật sư Đặng Văn Cường – Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) phân tích: Trong các quan hệ kinh tế, quan hệ dân sự thì chuyện vay nợ là hệ quả tất yếu của các quan hệ kinh tế, dân sự (liên quan đến tài sản) bị đổ vỡ, có tranh chấp... Chậm thu hồi nợ có thể khiến gia đình tan vỡ hạnh phúc, doanh nghiệp lâm vào tình trạng khó khăn thậm chí phá sản. Trong khi đó việc thu hồi nợ không hề đơn giản khi cá nhân, doanh nghiệp không có kiến thức, kỹ năng, trình độ và thời gian để thực hiện việc thu hồi nợ...
Thông thường việc đòi nợ sẽ theo quy trình: Chủ nợ trực tiếp hoặc ủy quyền cho người khác đến gặp con nợ để đòi (nợ có thể phát sinh từ hợp đồng, từ quan hệ vay mượn hoặc phát sinh từ nghĩa vụ dân sự khác). Nếu tự mình không đòi được thì chủ nợ có thể khởi kiện đến tòa án để giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự, trong một số trường hợp có dấu hiệu chiếm đoạt tài sản thì gửi đơn thư tới cơ quan công an.
Ths Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) |
Tuy nhiên, thủ tục tố tụng để khởi kiện đòi nợ rất phức tạp, kéo dài. Một vụ án khởi kiện đòi nợ thực tiễn ở Việt Nam hiện nay mất cả năm, thậm chí nhiều vụ vài năm chưa xong. Khi kiện xong đối tượng nợ tài sản vẫn cố tình không trả thì chủ nợ lại phải đề nghị cơ quan thi hành án vào cuộc xác minh, truy tìm tài sản để xử lý, đến khi đó thì con nợ đã tẩu tán hết tài sản, hoặc không còn tài sản nữa thì việc đòi nợ trở nên vô nghĩa. Quá trình đòi nợ kéo dài khiến chủ nợ lâm vào tình trạng khó khăn, kiệt quệ, phá sản...
Bởi vậy, trong quan hệ kinh tế, dân sự đòi hỏi phải có bên thứ ba, chuyên nghiệp để thu hồi nợ, đảm bảo tính hiệu quả cũng như giảm thiểu thấp nhất những rủi ro trong các quan hệ kinh tế, dân sự đó là dịch vụ thu hồi nợ. Dịch vụ thu hồi nợ là nhu cầu lớn của cá nhân, doanh nghiệp đối với các khoản nợ khó đòi.
Phần lớn các quốc gia trên thế giới đều quy định về dịch vụ thu hồi nợ, mua, bán nợ để khơi thông nguồn vốn, thúc đẩy các quan hệ kinh tế, dân sự phát triển lành mạnh, tháo gỡ các khó khăn cho cá nhân, doanh nghiệp… Việc quản lý, kiểm soát các dịch vụ này như thế nào để tránh lợi dụng thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, đảm bảo việc thu hồi nợ nhanh chóng, phát huy các giá trị tích cực mới là vấn đề mà các quốc gia phải quan tâm trong việc quản lý kinh tế và xã hội.
Pháp luật Việt Nam đã có những quy định rất chặt chẽ trong việc kinh doanh, điều kiện kinh doanh, hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ và có đầy đủ các chế tài hành chính và chế tài hình sự để xử lý đối với các hành vi vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, những năm gần đây dịch vụ này không được quản lý, kiểm soát chặt chẽ ở nhiều địa phương dẫn đến biến tướng gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội. Trước tình hình này thì Dự thảo Luật Đầu tư đã đưa dịch vụ đòi nợ vào ngành nghề, lĩnh vực cấm kinh doanh chứ không còn kinh doanh có điều kiện như trước đây.
“Quan điểm cá nhân tôi cho rằng tư duy không quản lý được thì cấm không phù hợp với bối cảnh kinh tế, xã hội hiện nay. Cần phải có khảo sát, đánh giá về hiệu quả trong công tác quản lý dịch vụ đòi nợ, nghiên cứu làm rõ những tồn tại yếu kém trong việc quản lý lĩnh vực này để đưa ra các giải pháp hiệu quả trong công tác quản lý chứ không nên áp đặt tư duy “không quản được thì cấm. Nếu cấm dịch vụ đòi nợ sẽ khiến cho nhiều cá nhân, doanh nghiệp càng trở nên khó khăn. Cho dù có cấm thì các hoạt động đòi nợ vẫn cứ diễn ra và diễn biến phức tạp, càng khó quản lý”, luật sư Đặng Văn Cường nói.