Số ca mắc mới COVID-19 và bệnh nhân nặng đang tăng nhẹ
Bệnh nhân COVID-19 nặng tăng gần gấp 3
Bộ Y tế cho biết ngày 4/1 có 83 ca mắc COVID-19 và 24 bệnh nhân nặng đang thở oxy, thở máy. Những con số này cho thấy bệnh nhân nặng và ca mắc mới đều tăng.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 11.525.491 ca nhiễm, đứng thứ 13/230 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 117/230 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 116.474 ca nhiễm).
Biểu đồ số ca mắc COVID-19 tại Việt Nam thời gian qua |
Đến nay tổng số người mắc COVID-19 đã khỏi ở nước ta là: 10.611.389 ca, trong số hơn 850 nghìn bệnh nhân đang theo dõi, giám sát, số bệnh nhân đang thở oxy là 24 ca, trong đó: Thở oxy qua mặt nạ: 19 ca; Thở oxy dòng cao HFNC: 3 ca; Thở máy xâm lấn: 2 ca. Số bệnh nhân nặng này tăng gần gấp 3 so với ngày trước đó.
Ngày 3/1 không ghi nhận ca tử vong. Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 0 ca. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.186 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.
Tổng số ca tử vong xếp thứ 26/230 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 139/230 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với Châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 7/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 21/49 quốc gia, vùng lãnh thổ Châu Á (xếp thứ 3 ASEAN).
Bộ Y tế yêu cầu cơ quan chuyên môn tiếp tục chủ động bám sát diễn biến tình hình dịch, sự xuất hiện của các biến chủng mới; thường xuyên trao đổi với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) để cập nhật thông tin kịp thời, chính xác về các biến chủng.
Tình hình tiêm vắc xin COVID-19
Trong ngày 3/1 có 13.689 liều vắc xin phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 265.533.350 liều, trong đó: Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 223.230.309 liều: Mũi 1 là 71.080.949 liều; Mũi 2 là 68.692.167 liều; Mũi bổ sung là 14.497.777 liều; Mũi nhắc lại lần 1 là 51.672.404 liều; Mũi nhắc lại lần 2 là 17.287.012 liều.
Triển khai tiêm vắc xin COVID-19 cho các học sinh từ 5 - 11 tuổi |
Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 23.863.347 liều: Mũi 1 là 9.127.078 liều; Mũi 2 là 8.955.979 liều; Mũi nhắc lại lần 1 là 5.780.290 liều.
Số liều tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi là 18.439.694 liều: Mũi 1 là 10.242.445 liều; Mũi 2 là 8.197.249 liều.
Bộ Y tế tiếp tục tăng cường triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho các nhóm đối tượng; Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc triển khai các hoạt động tăng cường tiêm cho trẻ em mầm non, học sinh tại các cơ sở giáo dục theo Kế hoạch số 1557/KH-BYT-BGDĐT.
Các cơ sở y tế chuẩn bị sẵn sàng các phương án, điều kiện bảo đảm phòng, chống dịch COVID-19 và các dịch bệnh khác trong dịp Tết Nguyên đán năm 2023; Chuẩn bị sẵn sàng và tổ chức tốt công tác thu dung, điều trị; Bảo đảm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế, nhân lực cho công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Đồng thời, các cơ sở y tế tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả hơn nữa công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức, nhận thức của người dân trong phòng, chống dịch, đặc biệt tiếp tục đẩy mạnh truyền thông về tác dụng, hiệu quả của vắc xin trong ngăn ngừa bệnh nặng, tử vong, khuyến khích, vận động người dân tham gia tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch.
Bên cạnh đó, các địa phương tiếp tục tổ chức triển khai hiệu quả chiến dịch truyền thông phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới "Vì một Việt Nam vững vàng, khỏe mạnh" với thông điệp "Thực hiện 2K (khẩu trang, khử khuẩn) + vắc xin + thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân và các biện pháp khác".
Tổng số ca mắc COVID-19 trên thế giới hơn 666,1 triệu ca, trên 6,7 triệu ca tử vong. Ngày 4/1, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố các dữ liệu phân tích cho thấy không có biến thể mới của virus SARS-CoV-2 được phát hiện trong diễn biến dịch bệnh hiện nay tại Trung Quốc. Thông tin trên được được ra khi WHO công bố các dữ liệu do Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh (CDC) Trung Quốc cung cấp. Trước đó một ngày, các quan chức WHO đã gặp các nhà khoa học Trung Quốc để thảo luận về tình hình dịch bệnh tại nước này. Theo những dữ liệu phân tích được CDC Trung Quốc cung cấp, các dòng phụ BA.5.2 và BF.7 của biến thể Omicron đang là những dòng gây bệnh chủ đạo ở nước này. Cả hai dòng phụ này gây ra khoảng 97,5% số ca mắc mới tại Trung Quốc. Để có được kết quả trên, CDC Trung Quốc đã tổng hợp và phân tích hơn 2.000 gene từ các mẫu bệnh phẩm. WHO cho biết những dữ liệu trên trùng khớp với những dữ liệu được các quốc gia trên thế giới cung cấp dựa trên kết quả giải trình tự gene virus trong các mẫu bệnh phẩm từ những du khách Trung Quốc. Theo đó, các dữ liệu phản ánh không có biến thể mới hay đột biến đáng chú ý nào. |