Số ca mắc sốt xuất huyết giảm, số ca mắc tay chân miệng tăng
Số ca mắc sốt xuất huyết và tay chân miệng tăng Hà Nội tiếp tục tăng số ca mắc tay chân miệng Tập huấn phòng chống bệnh tay chân miệng Đẩy mạnh các biện pháp phòng chống dịch bệnh tay chân miệng |
Trong tuần từ ngày 24 đến 31/3, thành phố Hà Nội ghi nhận 8 ca mắc sốt xuất huyết, số ca mắc giảm 9 ca so với tuần trước.
Cộng dồn từ đầu năm 2023 cho đến nay, thành phố ghi nhận 197 ca mắc sốt xuất huyết, số ca mắc tăng so với cùng kỳ năm 2022. Bệnh nhân phân bố tại 26/30 quận, huyện, thị xã; 124/579 xã, phường, thị trấn.
Trẻ nhỏ mắc tay chân miệng điều trị tại bệnh viện |
Trong tuần qua, thành phố cũng ghi nhận một ổ dịch sốt xuất huyết tại xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất. Cộng dồn từ đầu năm 2023 cho đến nay, thành phố ghi nhận 9 ổ dịch sốt xuất huyết, hiện còn 1 ổ dịch đang hoạt động.
Trong khi đó, toàn thành phố ghi nhận 63 ca tay chân miệng, số ca mắc tăng hơn so với tuần trước. Cộng dồn từ đầu năm 2023 cho đến nay, thành phố đã ghi nhận 248 ca mắc tay chân miệng, số mắc tăng 183 trường hợp so với cùng kỳ năm 2022.
Đặc biệt, CDC Hà Nội ghi nhận 4 ổ dịch tay chân miệng tại trường mầm non, cụ thể: Hoàng Mai (2 ca bệnh); Đan Phượng với 2 ca bệnh; Thạch Thất với 10 ca bệnh. Cộng dồn từ đầu năm 2023 đến nay thành phố ghi nhận 8 ổ dịch tay chân miệng, hiện còn 4 ổ dịch đang hoạt động.
CDC Hà Nội đề nghị các đơn vị trong ngành tiếp tục chủ động giám sát các chỉ số bọ gậy, muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết tại các khu vực xuất hiện ca bệnh, ổ dịch, các khu vực nguy cơ cao, đồng thời chủ động triển khai chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy một cách triệt để, có hiệu quả.
Trong thời gian tới, CDC Hà Nội cho biết, có thể vẫn sẽ tiếp tục ghi nhận bệnh nhân tại các quận, huyện, thị xã. CDC Hà Nội yêu cầu các đơn vị trong toàn ngành tăng cường theo dõi sát tình hình, sẵn sàng nhân lực, cơ số vật tư, hóa chất phục vụ cho công tác phòng, chống dịch bệnh.
Đồng thời, các địa phương tăng cường công tác giám sát dựa vào sự kiện thông qua các thông tin phản ánh về dịch bệnh trên mạng xã hội, các phương tiện truyền thông, báo chí; Giám sát chủ động tại các bệnh viện trọng điểm đóng trên địa bàn thành phố theo phân cấp của Sở Y tế; Giám sát dựa vào cộng đồng thông qua trạm y tế và mạng lưới cộng tác viên y tế, y tế thôn; Giám sát thông qua hệ thống báo cáo bệnh truyền nhiễm trực tuyến của Bộ Y tế... qua đó, nắm bắt tình hình dịch bệnh, điều tra, xử lý kịp thời các ca bệnh, ổ dịch, không để dịch bệnh bùng phát.
Các địa phương cũng thường xuyên rà soát, xác minh, cập nhật thông tin ca bệnh trên hệ thống phần mềm Thông tư 54 để phát hiện sớm ca bệnh nhằm điều tra, xử lý ca bệnh, ổ dịch kịp thời; Thực hiện báo cáo kịp thời số liệu ca bệnh, ổ dịch, báo cáo tuần đúng thời gian quy định.
Các đơn vị chủ động giám sát các chỉ số bọ gậy, muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết tại các khu vực xuất hiện ca bệnh, ổ dịch, các khu vực nguy cơ cao, chủ động triển khai chiến dịch vệ sinh môi trường - diệt bọ gậy một cách triệt để, có hiệu quả.
Song song với đó, các địa phương tăng cường công tác truyền thông phòng, chống dịch, trong đó tập trung vào các nội dung phòng, chống sốt xuất huyết Dengue, tay chân miệng, phòng chống các bệnh lây qua đường hô hấp trong mùa Đông Xuân và tiêm chủng vắc xin phòng bệnh.
Liên quan đến bệnh tay chân miệng, theo TS Đỗ Thiện Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương, bệnh tay chân miệng xuất hiện quanh năm, đặc biệt giai đoạn giao mùa là thời điểm thuận lợi nhất cho virus gây bệnh phát triển.
Trẻ mắc tay chân miệng thường có các biểu hiện như: Sốt (sốt nhẹ hoặc sốt cao) và tổn thương ở da (rát đỏ, mụn nước ở các vị trí đặc biệt như họng, quanh miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, đầu gối…).
Hiện, chưa có vaccine và thuốc điều trị đặc hiệu bệnh tay chân miệng. Do đó, chuyên gia khuyến cáo, người dân rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ. Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống.