Tái xuất hiện tình trạng xe máy lên đường Vành đai 2 trên cao
Hành vi nguy hiểm, liều lĩnh
Sau Tết Nguyên đán 2024, tình trạng người dân điều khiển xe máy đi lên đường Vành đai 2 trên cao lại tái diễn, khiến tình hình giao thông trở nên mất an toàn hơn bao giờ hết.
Tuyến đường Vành đai 2 trên cao dài khoảng 5km, nối từ đầu đường Trường Chinh đến chân cầu Vĩnh Tuy. Toàn tuyến có 8 nhánh lên xuống tại đoạn giao với cầu Vĩnh Tuy, Ngã Tư Vọng, đường Trường Chinh, Ngã Tư Sở…
Đây là tuyến đường vành đai đi qua đô thị và ô tô được phép lưu thông lên đến 80km/h. Các phương tiện mô tô, xe gắn máy, xe thô sơ và người đi bộ bị cấm lưu thông trên tuyến đường này. Tuy nhiên, thời gian gần đây tái xuất hiện tình trạng người đi xe máy trên tuyến đường Vành đai 2 trên cao.
Hiện tượng người đi xe máy lên Vành đai 2 trên cao thường xảy ra vào giờ cao điểm buổi sáng, từ 6h30 đến 8h30, chủ yếu theo hướng từ ngã tư Trường Chinh - Giải Phóng đi Ngã Tư Sở. Lý do người dân đưa ra là sợ muộn làm, muộn học khi phải vượt qua đoạn ùn ứ kéo dài Ngã Tư Sở - Trường Chinh. Hành vi bất chấp biển cấm, đi vào đường dành cho ô tô là vô cùng nguy hiểm.
Người dân đi xe máy lên Vành đai 2 trên cao với lý do tránh ùn tắc, muộn làm,... |
Ghi nhận của phóng viên cho thấy, tại lối lên/xuống đường Vành đai 2 trên cao hướng Minh Khai đi Ngã Tư Sở, rất nhiều phương tiện xe máy bất chấp biển cấm đi vào vì lý do tránh ùn tắc để kịp đến công sở và trường học.
Điển hình, anh M.Q.T (sinh năm 1992, ở Ninh Bình), điều khiển xe máy biển kiểm soát 35B2-032.xx cho biết, do đường bên dưới thường xuyên xảy ra ùn tắc, lại tiện đường từ cầu Vĩnh Tuy sang nên đã đi thẳng lên Vành đai 2 trên cao dù biết hành vi này rất nguy hiểm.
Anh N.Đ.T (sinh năm 1977, ở Thái Bình) cũng là trường hợp điều khiển xe máy (biển kiểm soát 17M2-61.xx) lên đường Vành đai 2 bất chấp nguy hiểm.
Trực tiếp làm nhiệm vụ, Đại úy Cao Văn Tuấn, cán bộ Đội Cảnh sát giao thông số 3 cho biết: Từ sau Tết Nguyên đán, lực lượng Cảnh sát giao thông thường xuyên lập chốt để xử lý vi phạm. Mỗi ca xử lý trung bình 10 - 15 trường hợp. Tất cả trường hợp vi phạm đều bị tạm giữ phương tiện kèm mức phạt 2,5 triệu đồng… Trong quá trình làm nhiệm vụ, ghi nhận nhiều lái xe liều lĩnh quay đầu đi ngược chiều, bỏ chạy khi thấy lực lượng chức năng.
Hiện tại, Phòng Cảnh sát giao thông đã bố trí lực lượng tuần tra, kiểm soát khép kín địa bàn, đặc biệt, tập trung vào những hành vi người điều khiển phương tiện xe máy đi vào đường cấm, khu vực cấm.
Đề xuất lắp camera phạt nguội
Cũng từ việc người dân đi xe máy lên đường Vành đai 2 trên cao, mới đây, mạng xã hội lan truyền chóng mặt video clip hai người điều khiển xe máy liên tục tạt đầu ô tô và hành hung người khác ở đường vành đai 2 trên cao. Liên quan đến vụ việc này, Đội Cảnh sát giao thông đường bộ số 4, Phòng Cảnh sát giao thông Công an thành phố Hà Nội phối hợp cùng Công an phường Minh Khai và Đội Cảnh sát Hình sự Công an quận Hai Bà Trưng vẫn tiếp tục quá trình điều tra.
Theo cơ quan Công an, khoảng 16h ngày 25/2, chị N.P.T.A. (28 tuổi, trú tại quận Long Biên) đi ô tô ở đường vành đai 2 trên cao (hướng từ cầu Vĩnh Tuy – Ngã Tư Sở).
Đến đoạn phía trên cầu Mai Động (phường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng), ô tô của chị N.P.T.A. bị xe máy mang BKS 29H1-747.96 do Trần Văn Hiệp (38 tuổi, ở quận Hai Bà Trưng) điều khiển chở theo Trịnh Thịnh (44 tuổi, trú tại quận Ba Đình) lạng lách, tạt đầu.
Không dừng lại ở đó, hai người này còn đập vào xe của chị N.P.T.A. rồi chửi bới. Sau đó, Hiệp và Thịnh tiếp tục di chuyển trên đường vành đai 2 và gây gổ với 2 nam thanh niên đi xe con mang BKS 30K – 840.XX.
Sau khi bị Hiệp và Thịnh liên tục chửi bới, gây gổ và chặn xe thì 2 người đàn ông dừng ô tô lại. Các bên xảy ra xô xát. Chị N.P.T.A. đã dùng điện thoại quay lại video diễn biến vụ việc và cung cấp cho cơ quan công an.
Nhiều người dân bất chấp nguy hiểm, đi xe máy lên đường Vành đai 2 trên cao |
Trực tiếp dõi theo thông tin và xem clip ghi lại cả quá trình, nhiều ý kiến đã chỉ rõ hàng loạt dấu hiệu vi phạm như: Không đội mũ bảo hiểm; uống rượu bia rồi lái xe; đi vào đường cấm; lạng lách, đánh võng, tạt đầu; hành hung người khác...
Trao đổi về những sự việc trên, luật sư Vi Văn Diện, Giám đốc Công ty Luật TNHH Thiên Minh cho biết: Sau khi xem đoạn video đăng tải trên mạng xã hội cũng như thông tin phản ánh qua báo chí về vụ việc, có thể thấy rằng, hai người điều khiển xe máy đã thực hiện một chuỗi các hành vi vi phạm pháp luật. Cụ thể, đó là vi phạm Luật An toàn giao thông đường bộ như: Tham gia giao thông không đội mũ bảo hiểm; đi vào đường cấm; lạng lách, đánh võng, tạt đầu ô tô gây nguy hiểm cho các phương tiện tham gia giao thông khác.
Ngoài ra, với hành vi dừng xe, hành hung người khác, gây cản trở giao thông, có dấu hiệu của tội: “Gây rối trật tự công cộng” quy định tại Điều 318 Bộ luật Hình sự hiện hành. Chưa hết, khi làm việc với cơ quan Công an, những người này còn thừa nhận đã sử dụng rượu bia nhưng vẫn lái xe, dẫn tới không kiềm chế được bản thân.
Theo luật sư Vi Văn Diện, đối với hành vi vi phạm Luật An toàn giao thông đường bộ, các đối tượng sẽ bị xử phạt theo quy định của Nghị định 100/2019/NĐ-CP; Nghị định 123/2021/NĐ-CP của Chính phủ.
Đặc biệt, đối với việc chặn xe, hành hung người khác, gây cản trở giao thông trên đường vành đai 2 trên cao, nơi có rất nhiều phương tiện tham gia giao thông, hành vi này có dấu hiệu của tội “Gây rối trật tự công cộng”.
Để giải quyết triệt để tình trạng vi phạm này, cần sự tự giác, phối hợp của người tham gia giao thông để bảo vệ an toàn tính mạng cho chính bản thân và toàn xã hội.
Phòng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội) cho biết, thời gian tới, Phòng Cảnh sát giao thông đề nghị sự vào cuộc của Công an phụ trách địa bàn, lực lượng Thanh tra giao thông cùng tham gia xử lý.
Bên cạnh đó, đơn vị cũng đề xuất lắp camera phạt nguội, đồng thời, Phòng cũng mong muốn có thêm biện pháp hướng dẫn phân luồng, xử lý vi phạm ngay từ điểm đầu lên xuống đường Vành đai và ở nút giao Giải Phóng - Trường Chinh, Ngã Tư Sở - Trường Chinh.
Qua các phương tiện thông tin đại chúng, Phòng Cảnh sát giao thông khuyến cáo, người điều khiển xe máy cần chấm dứt vi phạm để bảo vệ an toàn tính mạng cho chính bản thân, người tham gia giao thông và toàn xã hội.