Tạm giữ 3 đối tượng lắp đặt, sử dụng trạm BTS trái phép để phát tán tin rác
Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, trong tháng 2/2022, Thanh tra Bộ đã chủ trì, phối hợp với Cục Tần số vô tuyến điện, Cục Viễn thông, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm công nghệ cao và các đơn vị liên quan tiến hành thanh tra đột xuất việc lắp đặt, sử dụng trạm phát sóng di động (trạm BTS) trái pháp luật đối với 3 đối tượng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
Cụ thể, 3 đối tượng gồm: Bế Văn Trường (sinh năm 1993, ở tỉnh Quảng Ninh) lắp đặt trái phép trạm BTS tại quận Tân Bình; Trương Đức Dương (sinh năm 1989, ở tỉnh Hà Nam) lắp đặt trái phép trạm BTS tại địa bàn quận 12; Hoàng Quốc Anh (sinh năm 1999, ở Quảng Ninh) lắp đặt trái phép trạm BTS ở địa bàn quận 12.
Đây là vụ thiết lập trạm BTS giả để phát tán tin nhắn rác đầu tiên được các đơn vị chức năng phát hiện. Chỉ trong vòng 24 giờ kể từ khi phát hiện vụ việc, các đơn vị liên quan đã xác định được đối tượng, vị trí phát tán tin nhắn rác và tạm giữ 3 đối tượng cùng thiết bị thực hiện hành vi phát tán tin nhắn rác.
Thiết bị các đối tượng lắp BTS trái phép để phát tán tin nhắn giả mạo |
Các đối tượng đã sử dụng kỹ thuật viễn thông, công nghệ thông tin để gửi tin nhắn rác, tin nhắn quảng cáo dịch vụ, tin nhắn giới thiệu trang web cờ bạc… đến máy điện thoại người dùng; Không loại trừ khả năng có các tin nhắn xác thực cho dịch vụ cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam hoặc tin nhắn giả mạo các tổ chức tín dụng, ngân hàng để lừa đảo người dân.
Qua nghiên cứu, các đơn vị nghiệp vụ nhận thấy thiết bị mà các đối tượng sử dụng ngoài việc gây can nhiễu tần số vô tuyến điện, ảnh hưởng đến hoạt động cung cấp dịch vụ của doanh nghiệp viễn thông, ảnh hưởng đến việc sử dụng dịch vụ của người dân còn có thể thực hiện một số hành vi có tính chất nguy hiểm, có tác động ảnh hưởng lớn.
Cụ thể như: Phát tán tin nhắn rác, rất cao (trung bình 80.000 tin/ngày/thiết bị của đối tượng); Có khả năng giả mạo tin nhắn từ cơ quan nhà nước, ngân hàng, giả mạo thuê bao di động của tổ chức, cá nhân… để lừa đảo người dân (như giả ngân hàng yêu cầu người dân cung cấp tài khoản, mật khẩu); Phát tán tin nhắn chống phá Nhà nước, gây bất ổn an ninh, chính trị (kích động bạo lực, chống phá Nhà nước).
Vụ việc có mức độ sai phạm lớn, có khả năng gây ra ảnh hưởng tác hại nghiêm trọng do các đối tượng sử dụng phương thức, thủ đoạn tinh vi, thiết bị nhỏ gọn, thường xuyên thay đổi vị trí, địa điểm phát tán, do đó việc xác định vi phạm rất khó khăn…
Đặc biệt, các đối tượng trên khai nhận được đối tượng người nước ngoài giao cho các trạm BTS không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có tên thiết bị, không có thông tin nhà sản xuất để thuê phát tán tin nhắn rác tại khu vực có nhiều người qua lại.
Hành vi sử dụng trạm BTS để phát tán tin nhắn rác có dấu hiệu phạm tội xâm nhập trái phép vào mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác (Ảnh minh họa) |
Hành vi của 3 đối tượng nêu trên có dấu hiệu phạm tội xâm nhập trái phép vào mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác (quy định tại Điều 289 Bộ luật Hình sự) và hiện cơ quan Cảnh sát điều tra - Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) khởi tố vụ án, khởi tố bị can để xử lý theo quy định.
Bộ Thông tin và Truyền thông, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) khuyến cáo, người dân khi nhận được các tin nhắn yêu cầu cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng, tin nhắn có nội dung chứa các đường liên kết (link), tin nhắn từ số điện thoại người thân vay tiền… thì không nên thực hiện theo yêu cầu hoặc ấn vào các link này để đề phòng bị lừa đảo.
Bộ Thông tin và Truyền thông cũng yêu cầu, các doanh nghiệp viễn thông, các cá nhân, tập thể khi phát hiện đối tượng lắp đặt thiết bị điện tử lạ, nhất là tại khu vực có mật độ dân cư đông đúc, cần kịp thời thông báo cho Bộ Thông tin và Truyền thông, Sở Thông tin và Truyền thông địa phương hoặc cơ quan chức năng để kịp thời phát hiện, ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật…