Tấm gương tiêu biểu cho lớp thanh niên yêu nước
Tấm gương sáng cho các thế hệ sau |
Tổng Bí thư Trần Phú. Ảnh: tapchimattran.vn |
Đồng chí Trần Phú, sinh ngày 1/5/1904 tại xã An Dân, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên trong một gia đình nhà nho giàu lòng yêu nước, có nguyên quán là xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh.
Từ một thanh niên trí thức yêu nước nhiệt thành, sớm giác ngộ lý tưởng cách mạng, đồng chí đã trở thành người cộng sản ưu tú và là Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng ta. Cuộc đời, sự nghiệp cách mạng vẻ vang và những cống hiến hết sức to lớn của đồng chí Trần Phú là di sản quý báu, dệt kết nên pho sử vàng vinh quang của Đảng.
Tấm gương đạo đức cách mạng, khí phách người chiến sĩ cộng sản cao đẹp, kiên trung, bất khuất của đồng chí mãi tỏa sáng, để lớp lớp thế hệ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân ta học tập, noi theo.
Từ khi còn là học sinh Trường Quốc học Huế, đồng chí Trần Phú đã thấu hiểu, sẻ chia tình cảnh bần cùng, cuộc sống lầm than của những người dân mất nước và sớm tham gia phong trào đấu tranh yêu nước. Năm 1922, đồng chí đỗ đầu kỳ thi Thành chung Trường Quốc học và được bổ nhiệm làm giáo viên Trường tiểu học Cao Xuân Dục ở Vinh (Nghệ An).
Trên vai trò của người thầy giáo, đồng chí đã đem tất cả lòng nhiệt thành yêu nước và khát vọng cháy bỏng giành độc lập, tự do cho dân tộc để truyền bá cho lớp trẻ.
Tháng 7/1925, đồng chí Trần Phú tham gia sáng lập Hội Phục Việt - một tổ chức yêu nước có khuynh hướng cách mạng. Từ đây, đồng chí có điều kiện tiếp xúc nhiều hơn với sách báo tiến bộ và thông qua các hoạt động vận động quần chúng, đồng chí Trần Phú đã góp phần tích cực khơi dậy tinh thần yêu nước, chống thực dân Pháp xâm lược cho Nhân dân.
Cuối năm 1926, đồng chí Trần Phú đã được tổ chức cử sang Quảng Châu (Trung Quốc) bắt liên lạc với Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên; đặc biệt, được dự lớp huấn luyện chính trị do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trực tiếp giảng dạy.
Đây là bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Trần Phú, chính thức trở thành người chiến sĩ dấn thân trên con đường cứu nước, giải phóng dân tộc do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc vạch ra. Chính lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc là người đã trực tiếp giới thiệu đồng chí Trần Phú sang học tập tại Trường đại học Phương Đông, Mátxcơva trong giai đoạn 1927-1929.
Được trang bị lý luận chủ nghĩa Mác-Lênin và việc tiếp thu một cách có hệ thống đường lối cách mạng vô sản ở các nước thuộc địa của Quốc tế Cộng sản đã tạo nên hành trang rất quan trọng về lý luận và thực tiễn để nhà yêu nước, người chiến sĩ cộng sản ưu tú Trần Phú trở về Tổ quốc tiếp tục sự nghiệp đấu tranh cách mạng giành độc lập, tự do, hạnh phúc cho Nhân dân.
Ngày 18/4/1931, đồng chí Trần Phú bị địch bắt và bị tra tấn dã man. Với chí khí của người cộng sản kiên trung, đồng chí Trần Phú hiên ngang trước những thủ đoạn hèn hạ của kẻ thù, khẳng định niềm tin sắt son vào thắng lợi của sự nghiệp cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Đoàn đại biểu Thành ủy Hà Nội do đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội dẫn đầu đã đến dâng hương tưởng niệm đồng chí Trần Phú tại Di tích nhà số 90 phố Thợ Nhuộm (quận Hoàn Kiếm) |
Ngày 6/9/1931, do suy kiệt vì sức khỏe, Tổng Bí thư Trần Phú đã trút hơi thở cuối cùng tại Nhà thương Chợ Quán (Sài Gòn).
Trước khi hy sinh, đồng chí Trần Phú đã nhắn nhủ các đồng chí của mình “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”. Câu nói nổi tiếng của Tổng Bí thư Trần Phú đã trở thành vũ khí, phương châm, lý tưởng sống, ý chí quyết tâm phấn đấu, cống hiến của các thế hệ cán bộ, đảng viên và tuổi trẻ Việt Nam.
Lời căn dặn ấy nhắc nhở chúng ta dù trong bất kỳ điều kiện nào, hoàn cảnh nào cũng phải luôn đặt lợi ích của Đảng, của cách mạng, của giai cấp, của dân tộc lên trên hết, lên trước hết, kiên cường, nhẫn nại, khắc phục mọi khó khăn chủ quan, khách quan mà phấn đấu để cống hiến thật nhiều cho Đảng, cho dân, cho nước.