Tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh trong kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5
Hà Nội ghi nhận trung bình 265 ca/ngày
Theo báo cáo của Sở Y tế, số mắc với COVID-19 và số nhập viện đang có xu hướng gia tăng tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, đặc biệt từ giai đoạn giữa tháng 4/2023 đến nay.
Tại Hà Nội, trong 7 ngày gần đây (18/4 đến 24/4) toàn thành phố ghi nhận 1.857 trường hợp mắc, không có trường hợp tử vong. Số mắc tăng so với 7 ngày trước đó là 720 trường hợp. Ngày 24/4 ghi nhận số mắc cao nhất với 411 trường hợp.
Toàn cảnh hội nghị giao ban trực tuyến |
Như vậy, trong tuần trung bình mỗi ngày ghi nhận 265 ca/ngày. Số mắc tăng so với tuần trước (ghi nhận trung bình 102 ca/ngày).
Kết quả giải trình tự gen 22 mẫu bệnh phẩm của những bệnh nhân COVID-19 tại Hà Nội từ ngày 4/4 đến 12/4 (gồm 14 mẫu bệnh nhân điều trị tại bệnh viện, 8 mẫu cộng đồng) ghi nhận 100% mẫu thuộc chủng Omicron; trong đó 10 mẫu XBB.1.5 (chiếm 45,5%), 5 mẫu XBB.1.11.1 (chiếm 22,7%), 5 mẫu XBB.1.9.1 (chiếm 22,7%), 1 mẫu XBL (chiếm 4,55%), 1 mẫu XBB.2.3 (chiếm 4,55%).
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương nhận xét: "Các biến chủng qua giải trình tự gen tại Hà Nội cũng tương đồng như thế giới. Hiện đã ghi nhận biến chủng XBB1.5 và XBB 1.9.1.
Đây là những biến thể đang được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) theo dõi sát do tăng khả năng lây truyền và né tránh hệ miễn dịch; Tuy nhiên, chưa có bằng chứng về sự gia tăng độc lực. Các triệu chứng bệnh đa số là nhẹ hoặc không triệu chứng nhưng khả năng lây nhiễm cao hơn các biến chủng cũ".
Về công tác tiêm vắc xin phòng COVID-19, từ ngày 1/4 đến nay, toàn thành phố tiêm được 7.764 mũi tiêm cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi và người lớn từ 18 tuổi trở lên.
Về các dịch bệnh khác, trong tuần ghi nhận 12 ca mắc số xuất huyết, không có trường hợp tử vong; số mắc tăng so với tuần trước là 6 trường hợp. Hà Nội ghi nhận 9 ổ dịch, hiện đều kết thúc hoạt động.
Đối với dịch tay chân miệng, cộng dồn đến ngày 24/4/2023, toàn thành phố có 438 trường hợp mắc, không có trường hợp tử vong. Hiện đã ghi nhận 22 ổ dịch, hiện còn 7 ổ dịch đang hoạt động là Ba Vì (3), Thạch Thất (1), Đông Anh (1), Ba Đình (1), Đông Anh (1), Chương Mỹ (1).
Đề cập đến các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, đại diện Sở Du lịch cho biết, dự báo số lượng khách du lịch sẽ tăng cao trong dịp nghỉ lễ dài ngày sắp tới.
Do đó, Sở Du lịch đã có văn bản gửi đến các cơ sở kinh doanh dịch vụ và các quận huyện để nâng cao chất lượng dịch vụ, đảm bảo an ninh trật tự trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5.
Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết, Sở khuyến cáo các cơ sở giáo dục hạn chế tối đa tổ chức các hoạt động dã ngoại, hoạt động nơi đông người cho học sinh trong dịp tháng 5 này nếu không thực sự cần thiết.
Sở Thông tin và Truyền thông yêu cầu các quận, huyện tăng cường tuyên truyền về công tác phòng chống dịch, người dân thực hiện nghiêm túc thông điệp 2K tại nơi công cộng.
Kiểm soát dịch bệnh trước, trong và sau dịp nghỉ lễ
Đánh giá về tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn Hà Nội, GS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng, khi tình hình dịch bệnh chớm gia tăng, Hà Nội đã vào cuộc từ rất sớm, rất nhanh.
GS.TS Phan Trọng Lân lưu ý, vi rút SARS-CoV-2 vẫn tồn tại và khó dự báo, khó đoán định. Trong khi đó Hà Nội là địa bàn giao lưu lớn, cũng là nơi tập trung các cơ sở khám, chữa bệnh tuyến trung ương nên lượng người từ các tỉnh, thành phố về rất lớn.
Đặc biệt, trong dịp nghỉ lễ 5 ngày, người lao động, học sinh, sinh viên sinh sống và học tập tại Hà Nội sẽ trở về quê. Do đó, sau kỳ nghỉ lễ, khi họ trở lại thành phố, công tác phòng, chống dịch cần phải được tăng cường và kiểm soát chặt chẽ hơn để bảo đảm an toàn.
Về dịch sốt xuất huyết, ông Phan Trọng Lân cho rằng 30 quận huyện có kiểm tra, đánh giá cụ thể hơn về các ổ bọ gậy đồng thời có biện pháp xử lý kịp thời.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà phát biểu tại cuộc họp |
Kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà đánh giá, qua kiểm tra đột xuất công tác phòng, chống dịch tại một số quận, huyện và cơ sở y tế, các địa phương, sở ngành chủ động tích cực triển khai các chỉ đạo của UBND TP, triển khai tương đối đồng bộ và trách nhiệm về các nội dung.
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch UBND TP đề nghị các sở ngành, quận, huyện rà soát toàn bộ các công việc và chủ động ban hành các văn bản chỉ đạo để hướng dẫn thực hiện cho các đơn vị, nhất là dịp nghỉ lễ dài tới đây; sẵn sàng các lực lượng ứng trực rõ đầu mối, số điện thoại về Sở Y tế để kịp thời xử lý các tình huống.
Bà Vũ Thu Hà nhấn mạnh, trong ngày mai (26/4), các ngành, địa phương cần có rà soát và ban hành các văn bản, hướng dẫn các cơ sở về cao điểm công tác phòng chống dịch bệnh theo phạm vi quản lý của mình.
Phó Chủ tịch UBND TP phân tích, theo thông lệ hằng năm, sau mỗi kỳ nghỉ lễ thường có các vấn đề phát sinh không riêng COVID-19 mà các dịch bệnh khác. Do đó, các quận, huyện, thị xã, các sở, ngành cần rà soát lại các lực lượng ứng trực, các điều kiện phòng, chống dịch bệnh để bảo đảm chủ động khi có số ca bệnh tăng sau kỳ nghỉ lễ.
Về công tác tuyên truyền, Phó Chủ tịch UBND TP nhận đinh, các đơn vị đã tuyên truyền sâu để có những thông tin đúng, đầy đủ về công tác phòng chống dịch bệnh. Phó Chủ tịch UBND TP đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông tiếp tục yêu cầu các quận huyện có tuyên truyền về công tác phòng chống dịch cao điểm từ nay đến hết nghỉ lễ.
Về việc tiêm vắc xin, Phó Chủ tịch UBND TP cho biết, qua kiểm tra đột xuất tại Nam Từ Liêm cho thấy nhu cầu tiêm vắc xin của người dân tương đối cao. Các đơn vị khẩn trương hoàn thành việc tiêm vắc xin bổ sung cho các nhóm đối tượng trước dịp nghỉ lễ.