Tăng cường công tác cấp cứu, khám chữa bệnh dịp Tết Giáp Thìn
Đình chỉ hoạt động hai cơ sở khám chữa bệnh Hướng dẫn khung giá dịch vụ khám, chữa bệnh Quy định mới về cơ sở khám chữa bệnh từ ngày 1/1/2024 Lợi ích khi “số hóa” giấy chuyển tuyến khám chữa bệnh |
Theo đó, trong văn bản do Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn ký ban hành gửi Giám đốc các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế và thuộc trường Đại học; Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Thủ trưởng Y tế các Bộ, ngành, Bộ Y tế đề nghị các cơ quan chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh trực thuộc thực hiện tốt việc bảo đảm thường trực 4 cấp: Trực lãnh đạo, xử lý thông tin đường dây nóng; trực chuyên môn; trực hành chính - hậu cần và trực bảo vệ - tự vệ.
Ảnh minh họa |
Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh niêm yết tại các khoa, phòng danh sách cán bộ trực dịp Tết; bên cạnh đó có kế hoạch về phòng chống cháy nổ, thảm hoạ, tai nạn hàng loạt; phòng chống rét cho người bệnh; đồng thời sẵn sàng hỗ trợ kỹ thuật cho tuyến dưới, tham vấn về chuyên môn khi cần thiết.
Cùng đó, các bệnh viện tổ chức tốt việc cấp cứu, khám chữa bệnh cho người bệnh: Dự trữ đủ thuốc, máu, dịch truyền và các phương tiện, trang thiết bị cần thiết phục vụ cấp cứu, khám chữa bệnh, đặc biệt là cấp cứu tai nạn giao thông, ngộ độc thực phẩm; bảo đảm tất cả người bệnh cấp cứu được khám và điều trị kịp thời, không được từ chối hoặc xử trí chậm trễ.
Bộ Y tế nhấn mạnh: Nếu trái tuyến, trái chuyên khoa cơ sở y tế cần xử lý cấp cứu ban đầu ổn định, giải thích đầy đủ cho người bệnh, người nhà người bệnh trước khi chuyển đi cơ sở y tế khác.
Bộ Y tế cũng đề nghị các đơn vị tổ chức thăm hỏi và tổ chức đón Tết cho người bệnh còn điều trị tại bệnh viện trong dịp Tết.
Trong đó, các đơn vị chú ý đối tượng người bệnh nghèo, người bệnh thuộc đối tượng chính sách, đặc biệt chú ý nâng cao tinh thần thái độ phục vụ người bệnh, giao tiếp, ứng xử ân cần, hòa nhã; Thực hiện đúng các quy định liên quan và các quy trình chuyên môn kỹ thuật.
Các bệnh viện cần có phương án đối phó với tai nạn, ngộ độc, cấp cứu hàng loạt có thể xảy ra; cảnh báo người dân về các nguy cơ tai nạn hay gặp ngày Tết như: Tai nạn giẫm đạp tại các điểm du lịch tập trung đông người, tai nạn giao thông do rượu bia, đánh nhau do rượu bia, pháo nổ, vũ khí vật liệu nổ tự chế, ngộ độc thực phẩm.
Ngoài ra, các đơn vị cần có phương án cấp cứu ngoại viện để sẵn sàng đáp ứng tình huống xấu xảy ra. Bộ Y tế cho biết sẽ tổ chức kiểm tra đột xuất công tác chuẩn bị và thực hiện thường trực của một số bệnh viện/viện có giường bệnh trực thuộc Bộ và bệnh viện ở các địa phương trước và trong dịp Tết.
Cơ sở khám chữa bệnh có trách nhiệm phân công cán bộ chuyên trách trực báo cáo trực tuyến, gửi danh sách về cơ quan chủ quản. Lãnh đạo cơ sở khám chữa bệnh chịu trách nhiệm pháp lý về tính chính xác của số liệu.
Bộ Y tế nêu rõ Sở Y tế; Y tế ngành có trách nhiệm chỉ đạo đôn đốc rà soát danh sách cơ sở khám chữa bệnh thực hiện báo cáo; kiểm tra tính đầy đủ và chính xác của số liệu trên phần mềm trực tuyến để tổng hợp báo cáo trực tuyến về Bộ Y tế...