Tăng cường phối hợp thúc đẩy phát triển công nghiệp, thương mại Thủ đô
Điều động Giám đốc Sở Du lịch làm Giám đốc Sở Công thương TP HCM Hà Nội tổ chức nhiều chương trình khuyến mại năm 2020 |
Dự buổi làm việc có Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh và tập thể Ban Cán sự Đảng Bộ Công thương; Đại diện các ban, bộ, ngành Trung ương; Đại diện lãnh đạo các doanh nghiệp trong lĩnh vực công thương.
Về phía thành phố Hà Nội có các đồng chí: Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc; Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn; Các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy; Đại diện các Sở, ban, ngành thành phố…
Đây là cuộc làm việc thứ 6 của Hà Nội trong kế hoạch làm việc với 8 Bộ, ngành Trung ương nhằm thúc đẩy sự phát triển nhanh, bền vững của thành phố trong giai đoạn tới. Trước đó, Hà Nội đã làm việc với các bộ: Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ, Thông tin và Truyền thông.
Quang cảnh buổi làm việc |
Nhiều hỗ trợ từ Bộ Công thương trong kết nối cung cầu hàng hóa
Phát biểu mở đầu buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ cho biết, thành phố đang tích cực chuẩn bị các văn kiện Đại hội Đảng bộ lần thứ XVII để trình Bộ Chính trị xem xét thông qua; Đồng thời chuẩn bị những giải pháp để thực hiện hiệu quả các mục tiêu nhiệm kỳ 2020 - 2025. Thành ủy Hà Nội đã có các cuộc làm việc với Ban Cán sự Đảng các Bộ, ngành để xin ý kiến đóng góp vào Dự thảo báo cáo chính trị.
Trong đó, việc đánh giá đúng các lĩnh vực để đề ra các giải pháp trong thời gian tới có vai trò rất quan trọng và các cuộc làm việc với các Bộ, ngành liên quan sẽ giúp thành phố xác định các nhiệm vụ trọng tâm cho các mốc phát triển các năm 2025 - 2030 - 2045.
Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ phân tích, ngành Công thương bao gồm công nghiệp và thương mại, là hai lĩnh vực rất quan trọng quyết định tăng trưởng của nền kinh tế nói chung của cả nước và Hà Nội; Đóng góp trong giải quyết việc làm, thu nhập; Ngoài ra còn giúp cân đối cung cầu hàng hóa, bình ổn thị trường, giảm lạm phát, kích thích các ngành khác phát triển...
Với Hà Nội, công nghiệp chiếm tỷ trọng ngày càng cao. 6 tháng đầu năm 2020, trong bối cảnh nền kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, nhờ hoạt động công nghiệp, thương mại được duy trì nên tăng trưởng của Hà Nội mức khá cao so với các tỉnh, thành phố và mức chung của cả nước.
Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng cho biết trong quá trình phát triển, phát huy vai trò trung tâm kinh tế, là động lực kinh tế vùng trọng điểm Bắc Bộ, Hà Nội nói chung, ngành công nghiệp, thương mại Thủ đô nói riêng luôn nhận được sự hỗ trợ của Bộ, ngành Trung ương trong đó có Bộ Công thương với các hoạt động kết nối cung cầu hàng hóa với các tỉnh thành trong nước.
Tuy nhiên, theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, ngành Công thương còn nhiều khó khăn như: Công nghiệp chủ lực cạnh tranh chưa cao, thu hút đầu tư còn nhiều khó khăn, hạ tầng thương mại chưa đáp ứng được yêu cầu, đặc biệt các dự án chợ dân sinh, đầu mối; Một số dự án còn gặp vướng mắc liên quan đến Luật Quy hoạch; Tình trạng hàng lậu, hàng giả còn diễn biến phức tạp...
Vì vậy, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ mong muốn, sau buổi làm việc với Ban Cán sự Đảng Bộ Công thương, Hà Nội sẽ phát huy được những tiềm năng, thế mạnh trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại đồng thời giải quyết được những vấn đề khó khăn, tồn tại mà Thủ đô cần sớm tìm ra hướng giải quyết hiệu quả.
Công nghiệp, thương mại đóng góp tăng trưởng kinh tế của Hà Nội
Theo báo cáo của UBND TP Hà Nội, kết quả sản xuất công nghiệp trên địa bàn Hà Nội đã chuyển dịch theo hướng tích cực và đạt mức tăng trưởng khá, đóng góp ngày càng cao vào mức tăng trưởng chung GRDP thành phố. Trung bình 4 năm từ 2016 - 2019, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 8,16%, dự kiến 5 năm 2016 - 2020 đạt 8,3%. Công nghiệp công nghệ cao dần phát triển ở một số lĩnh vực như: Điều khiển kỹ thuật số, tự động hóa, nano, plasma, laser, công nghệ sinh học...
Kết quả hoạt động thương mại trên địa bàn thành phố Hà Nội đạt mức tăng trưởng khá, giá trị tăng thêm ngành bán buôn, bán lẻ đóng góp ngày càng cao vào mức tăng trưởng chung GRDP thành phố. Dự kiến 5 năm 2016 - 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội tăng 10,54%/năm
Theo số liệu thống kê, hết năm 2019, thành phố có trên 108.000 doanh nghiệp và cơ sở cá thể hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp; Trên 96.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ, trong đó có trên 54.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bán buôn, bán lẻ, xuất nhập khẩu chiếm tỷ lệ 56,6%. Tổng số lao động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ là trên 1,2 triệu người.
Về kết quả phối hợp với Bộ Công thương, báo cáo của UBND TP cho biết: Thành phố đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công thương trong quá trình xây dựng và tổ chức triển khai các chương trình, đề án phát triển công nghiệp trên địa bàn liên quan đề án phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực, đề án phát triển công nghiệp hỗ trợ, chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ, chương trình sản xuất và tiêu dùng bền vững...
Đến hết năm 2019, thành phố đã lựa chọn, công nhận được 91 sản phẩm của 58 doanh nghiệp là sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố Hà Nội; Trong đó có 12 doanh nghiệp trong top 500 doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam.
Việc tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp đã góp phần hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trên địa bàn thành phố phục hồi và phát triển sản xuất; Các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đã dần khắc phục những khó khăn, chủ động trong khâu sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, tích cực thực hiện các giải pháp như triệt để tiết kiệm vật tư, nhiên liệu, chi phí quản lý, sản xuất; Phát huy sáng kiến để tăng năng suất lao động, giảm giá thành sản phẩm, đổi mới công nghệ, tìm kiếm thị trường mới.
Thành phố đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công thương tăng cường hỗ trợ phát triền nghề, làng nghề và các cơ sở công nghiệp nông thôn thông qua thực hiện có hiệu quả các chương trình xúc tiến thương mại, khuyến công quốc gia, khuyến công địa phương, góp phần tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, tạo việc làm tại các vùng nông thôn ngoại thành; Giải quyết một phần khó khăn cho các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn trong hoạt động thiết kế, cải tiến mẫu mã sản phẩm.
Hai bên đã phối hợp tổ chức nhiều hoạt động giao thương liên kết giữa Hà Nội với các vùng, địa phương nhằm phát triển mạng lưới phân phối hàng hóa của Hà Nội tại các tỉnh và của các tỉnh tại Hà Nội, gắn liền với đó là dịch vụ logistics từng bước đã hình thành nên chuỗi giá trị liên kết tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa. Kết quả đã hỗ trợ trên 50 tỉnh, thành phố đưa hàng vào hệ thống phân phối tại Hà Nội, tiêu thụ hàng trăm nghìn tấn hàng hóa nông sản thực phẩm, đặc sản vùng miền và các sản phẩm bị dư cung cho các tỉnh, thành phố, giúp Hà Nội cân đối cung cầu, bình ổn thị trường.
Đặc biệt trong thời gian dịch Covid 19 bùng phát, thành phố đã kịp thời phối hợp với Bộ Công thương chỉ đạo các doanh nghiệp kinh doanh thương mại triển khai ngay phương án khai thác và luân chuyển hàng hóa để phục vụ Nhân dân…