Tăng tuổi hưu, nữ giới sẽ có thêm cơ hội quy hoạch, bổ nhiệm
Chủ tịch Trung ương Hội Phụ nữ Việt Nam đồng tình với tăng tuổi hưu, vì như vậy nữ giới sẽ có thêm cơ hội thăng tiến, bổ nhiệm. Ảnh: Quochoi.vn
Bài liên quan
Tăng tuổi nghỉ hưu để đảm bảo an sinh xã hội bền vững
Tăng tuổi nghỉ hưu, không có chuyện người già tranh chấp chỗ của người trẻ
Tăng tuổi nghỉ hưu: Có ảnh hưởng đến cơ hội việc làm của lao động trẻ?
Tăng tuổi hưu, nữ giới tăng cơ hội thăng tiến
Chiều 12/6, Quốc hội tiếp tục thảo luận về dự án Bộ Luật Lao động (sửa đổi).
Góp ý vào dự thảo luật, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà (đoàn Bắc Giang) bày tỏ sự nhất trí cao với quy định tăng tuổi nghỉ hưu. Theo bà Hà, có nhiều người không đồng tình với việc tăng tuổi hưu, nhưng "việc tăng này là cần thiết".
Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà đưa ra nhiều lý do nên tăng tuổi hưu như "thời điểm đã chín muồi". Vì theo bà, quy định tuổi nghỉ hưu đang áp dụng đã được quyết định gần 60 năm trước.
Trong khi đó, hiện nay tất cả các điều kiện về KTXH, lao động, sức khỏe, tuổi thọ bình quân, điều kiện phát triển đất nước cũng thay đổi rất nhiều.
Bà Hà cũng dẫn thêm số lao động bổ sung hàng năm. Cụ thể, cách đây 15 năm, mỗi năm Việt Nam có thêm 1,2 triệu lao động mới, nay chỉ còn khoảng 400.000 người/năm. Dự báo 15 năm tới mỗi năm chỉ tăng 200.000 người lao động/năm.
"Như vậy trong tương lai chúng ta sẽ vẫn thiếu lực lượng lao động", bà Hà nhấn mạnh.
Bà Hà cũng cho rằng, việc tăng tuổi hưu đồng nghĩa với tăng thời gian đóng BHXH. Từ đó, lương hưu của lao động nữ cũng tăng theo.
Đặc biệt, bà Hà nhấn mạnh, việc tăng tuổi hưu còn tác động tích cực tới sự phát triển sự nghiệp và sự tiến bộ của phụ nữ. Do có thêm cơ hội trong đào tạo, quy hoạch, bồi dưỡng, bổ nhiệm cũng như công tác cán bộ.
Theo bà Hà, hiện do tuổi nghỉ hưu của nữ trước 5 năm so với nam nên dẫn tới các quy định về độ tuổi tham gia đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm với nữ cũng sớm hơn nam giới 5 năm. Đây là một sự thiệt thòi với phụ nữ.
"Trong khi mỗi phụ nữ trung bình mất khoảng 5 tới 8 năm sinh và nuôi 2 con nhỏ. Do vậy, sau 35 tuổi phụ nữ mới có điều kiện thuận lợi hơn để tập trung cho công việc và phát triển sự nghiệp", bà Hà nói.
Bà Hà nhấn mạnh, "đây là một hạn chế đáng kể với lao động nữ do phải thực hiện "thiên chức làm mẹ", cũng như thiệt thòi trên con đường thăng tiến.
Quy định rõ đối tượng được nghỉ hưu muộn
Góp ý vào dự thảo luật, đại biểu Trần Văn Tiến (đoàn Vĩnh Phúc) chọn phương án 1 như Chính phủ trình để hạn chế tác động do tăng tuổi hưu.
Về quy định một số trường hợp được nghỉ hưu sớm so với quy định, nhưng không quá 5 năm. Theo ông Tiến, nếu quy định như vậy, một số trường hợp đặc biệt vẫn phải lao động tới 55 tuổi mà không được nghỉ hưu ở tuổi 50.
"Quy định như vậy không có gì ưu việt hơn so với Luật Lao động năm 2012", ông Tiến nói.
Từ đó, vị đại biểu này đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, điều chỉnh cho nhóm đối tượng được nghỉ hưu sớm hơn tới 10 năm, bổ sung phụ lục nhóm đối tượng được nghỉ hưu sớm 5 và 10 năm vào dự thảo luật.
Về quy định một số trường hợp có quyền nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nhưng không quá 5 năm, ông Tiến đề nghị phải có quy định cụ thể với người lao động có trình độ cao, người lao động làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt.
Tuy nhiên, ông Tiến nhấn mạnh, cần phải quy định rõ những trường hợp đặc biệt là trường hợp nào, tiêu chí ra sao để được nghỉ hưu muộn hơn quy định, tránh vận dụng tùy tiện và có cơ sở để giám sát thực hiện.
Đồng tình với ông Tiến, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà cũng ủng hộ quyền được nghỉ hưu sớm với một số nhóm nghề đặc thù.
Tuy nhiên, việc này Chính phủ cần nghiên cứu kỹ lưỡng và có danh sách cụ thể về nhóm ngành được nghỉ hưu sớm và thời gian được nghỉ sớm hơn là bao lâu.