Tập trung thực hiện nhiệm vụ kép, vừa kiểm soát dịch bệnh vừa khôi phục kinh tế
Ông Dương Đức Tuấn, Bí thư Quận ủy Hoàn Kiếm phát biểu tại hội nghị.
Bài liên quan
Hà Nội bàn giải pháp vừa đi đầu phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế
Hà Nội: Phát huy trí tuệ, tinh thần trách nhiệm đóng góp vào nhiều nội dung quan trọng của thành phố
Tăng trưởng kinh tế duy trì nhưng các chỉ tiêu đạt thấp
Tại hội nghị lần thứ hai mươi ba Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội sáng 22/4, báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội quý I/2020 của TP Hà Nội do Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Văn Sửu trình bày cho thấy, tăng trưởng kinh tế Hà Nội được duy trì song hầu hết các chỉ tiêu đạt thấp hơn so với cùng kỳ năm 2019.
Theo đó, tổng sản phẩm GRDP trên địa bàn tăng 3,72% (cùng kỳ tăng 6,95%) - cao gấp 9 lần TP Hồ Chí Minh (0,42%) nhưng thấp hơn cả nước (3,82%). Cụ thể, ngành dịch vụ tăng 3,20% (cùng kỳ tăng 7,10%); công nghiệp và xây dựng tăng 5,46% (cùng kỳ tăng 7,84%) và nông nghiệp giảm 1,17% (cùng kỳ tăng 3,19%).
Thu NSNN trên địa bàn đạt 71.383 tỷ đồng (bằng 25,6% dự toán và tăng 6,7% (cùng kỳ tăng 30,3%). Chi ngân sách địa phương đạt 13.676 tỷ đồng (bằng 13,3% dự toán (cùng kỳ đạt 11,9%), Đến nay, đã tổ chức đấu thầu và khởi công 30/84 dự án mới và còn 54 dự án tiếp tục đấu thầu, khởi công trong các quý còn lại.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Văn Sửu trình bày báo cáo tại Hội nghị |
Bên cạnh đó, lượng khách du lịch đến Hà Nội giảm mạnh. Tổng lượng khách du lịch giảm 47,2% (cùng kỳ tăng 9,1%). Trong đó, khách quốc tế giảm 43,9% (cùng kỳ tăng 12,6%); tổng doanh thu giảm 38,8% (cùng kỳ tăng 32%); công suất sử dụng phòng khách sạn bình quân đạt 23,4% (cùng kỳ đạt 74,9%). Trong nông nghiệp, gieo trồng vụ xuân thuận lợi, cây trồng phát triển tốt. Dịch tả lợn châu Phi được kiểm soát và không phát sinh ổ dịch mới trong 30 ngày vừa qua.
Công tác an sinh xã hội được đảm bảo và các chính sách xã hội được thực hiện kịp thời, đầy đủ, đúng đối tượng. Theo đó, TP đã bổ sung hơn 1.000 tỷ đồng nguồn vốn ngân sách ủy thác qua chi nhánh ngân hàng chính sách xã hội cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách nhằm hỗ trợ giải quyết việc làm, phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân.
Căn cứ kịch bản tăng trưởng của cả nước, tình hình và kết quả của các ngành, lĩnh vực trong quý I, Hà Nội đã dự báo và xây dựng 3 kịch bản để phấn đấu đạt được mục tiêu cao nhất so với Kế hoạch năm 2020 đã đề ra là bằng khoảng 1,3 lần cả nước với tốc độ tăng trưởng 7,5%.
Xây dựng kịch bản riêng cho ngành du lịch
Thảo luận tại Hội nghị, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chu Phú Mỹ cho biết: Trong Quý I/2020, sản xuất nông nghiệp không bị ảnh hưởng nhiều do dịch nhưng giá trị sản xuất nông lâm thủy sản giảm do đàn lợn chiếm tỷ trọng lớn trong chăn nuôi giảm; ngoài ra còn do sản lượng vụ đông giảm; một số diện tích sản xuất vụ xuân không hiệu quả, diện tích ngô giảm mặc dù chăn nuôi bò, một số rau vụ đông tăng…
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung điều hành thảo luận |
Ngành nông nghiệp đã xây dựng 3 kịch bản tăng trưởng: trong đó thúc đẩy sản xuất lúa mùa, đậu tương; chuyển các cây ngắn ngay sang cây rau có hiệu quả cao hơn; làm tốt công tác phòng chống thiên tai để đảm bảo vụ mùa và thủy sản; đảm bảo cung cấp nguồn giống chăn nuôi; vận động nhân dân mở rộng tăng gia sản xuất.
Theo Giám đốc Sở Công thương Lê Hồng Thăng, chỉ số phát triển công nghiệp trong quý I/2020 tương đối khá, tăng 4,4%. Tuy nhiên, hiện nay nguồn nguyên liệu dự trữ của các doanh nghiệp đã cạn, nguồn nguyên liệu nhập khẩu đặc biêt từ Mỹ, EU tương đối khó khăn, trừ các nguồn nguyên liệu từ Trung Quốc tương đối ổn định.
Ngoài ra, xuất nhập khẩu cả nước vẫn giữ được nhịp tăng nhưng xuất nhập khẩu của Hà Nội giảm, cho thấy những biến động cần được quan tâm. Hiện chỉ duy nhất thị trường ASEAN có chỉ số xuất nhập khẩu tăng.
Ông Thăng cho rằng, thị trường ngoài nước tuy còn khó vực dậy nhưng thị trường trong nước vẫn còn khả quan với phong trào Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Vì vậy, lãnh đạo Sở Công thương mong muốn các Sở, ngành, địa phương quyết liệt để phát triển thị trường trong nước.
Theo Bí thư Quận ủy Hoàn Kiếm Dương Đức Tuấn, quý I/2020 thành phố đã lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý điều hành mục tiêu kép đó là vừa phòng chống dịch bệnh, vừa duy trì phát triển kinh tế xã hội, tổ chức đại hội Đảng các cấp cơ sở. Tới thời điểm này, Việt Nam và TP Hà Nội đã kiểm soát dịch bệnh khá thành công, được dư luận đánh giá cao, Thủ đô Hà Nội có thể được hạ cấp nguy cơ, được nới lỏng giãn cách xã hội, tạo điều kiện khôi phục sản xuất kinh doanh.
Tuy vậy, đánh giá thời gian tới, nguy cơ dịch bệnh phải đến quý 3/2020 mới kết thúc, do vậy việc xác định giải pháp để khôi phục và phát triển kinh tế xã, hội là rất quan trọng. Theo ông Tuấn, TP đã đưa ra 3 kịch bản nhưng nên chỉ tập trung 1 kịch bản là thực hiện nhiệm vụ kép vừa kiểm soát sống chung với dịch bệnh vừa khôi phục phát triển kinh tế, xã hội.
Giám đốc Sở NN&PTNT Chu Phú Mỹ phát biểu tại Hội nghị |
Cụ thể, kịch bản được xây dựng trên nền tảng của kịch bản 1 của thành phố và chia làm 2 giai đoạn: Giữa tháng 4 hoặc nửa đầu tháng 5 của quý II cơ bản kiểm soát được dịch bệnh và chuyển qua giai đoạn khôi phục hoạt dộng KT- XH; từ tháng 7 quý III và quý IV cố gắng phát triển mạnh trở lại bù tối đa cho quý I, quý II.
Ông Tuấn cho rằng, cần thiết phải xây dựng tiêu chí đồng bộ toàn diện của các ngành, lĩnh vực trên hai cấp độ ứng với hai giai đoạn trên. Giả thiết nếu có xảy ra đột biến như kịch bản 2, 3 của thành phố thì sẽ điều chỉnh theo kịch bản chính. Sự linh hoạt quản lý sẽ tận dụng thời gian vàng để phát triển kinh tế.
Về một trong những giải pháp bù hụt tối ưu, ông Tuấn tán thành việc tập trung cho đầu tư công và giải ngân, đồng thời đề nghị lập ban chỉ đạo về đầu tư phát triển đầu tư công để giải quyết tháo gỡ khó khăn. Bên cạnh đó, cần huy động tối đa nguồn lực xã hội hóa, cắt giảm chi thường xuyên; rà soát củng cố cơ chế tạo điều kiện cho đấu giá sử dụng đất, bù thu cho ngành du lịch, điều hòa thu chi ngân sách toàn thành phố…
Riêng ngành du lịch, ông Tuấn kiến nghị cần có kịch bản riêng để cứu lĩnh vực kinh tế du lịch bao gồm phát triển văn hóa, xã hội trở lại, khai thác du lịch nội địa, củng cố lực lượng lữ hành… Các Sở, ngành TP, Tổng Công ty Du lịch thành phố… cần thành lập tổ công tác hỗ trợ các địa phương xây dựng giải pháp thực hiện.
Theo lãnh đạo huyện Sóc Sơn, quý I/2020, bên cạnh công tác chống dịch, huyện đã tập trung phát triển kinh tế. Trong quý I, kinh tế - xã hội tăng trương khá, tuy nhiên, huyện không chủ quan. "Nếu đánh giá thực phải vào quý II/2020 thì bài toán thiệt hại kinh tế bao nhiêu mới lộ diện" - lãnh đạo huyện Sóc Sơn nói và cho biết, huyện đã xây dựng kịch bản, bao gồm cả kịch bản đầu tư công đê tập trung nguồn lực, bao gồm cả hỗ trợ của thành phố và từ nội bộ huyện.