Thắt chặt mối quan hệ giữa báo chí với chính quyền
Khẳng định vị thế của nền báo chí cách mạng
Nền báo chí cách mạng Việt Nam ra đời đến nay là 98 năm kể từ khi lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập ra tờ Thanh Niên ngày 21/6/1925. Kể từ đó, báo chí nước nhà là lực lượng tuyên truyền, cổ động việc thực hiện cương lĩnh, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phụng sự Tổ quốc và dân tộc.
Báo chí cách mạng Việt Nam đã đồng hành cùng những chặng đường đấu tranh kiên cường của dân tộc. Nhiều tác phẩm báo chí thực sự là “tiếng gọi non sông” thúc giục đồng bào cả nước cùng ra trận. Thời kỳ đổi mới, báo chí cách mạng Việt Nam tiếp tục là đội quân chủ lực trong việc định hướng dư luận xã hội, tuyên truyền, cổ vũ, động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo.
Lãnh đạo TP Hà Nội gặp mặt lãnh đạo, phóng viên các cơ quan báo chí |
Những năm gần đây, báo chí đã có bước phát triển nhanh chóng, mạnh mẽ về nhiều mặt, đạt được những bước tiến lớn. Báo chí cách mạng Việt Nam ngày càng lớn mạnh, đổi thay trên nhiều phương diện, phát triển nhanh chóng về số lượng, đầu báo, tạp chí; Xuất hiện thêm nhiều loại hình báo chí điện tử, đa phương tiện, đa nền tảng, tích hợp, hội tụ…
Cùng với báo chí cả nước, báo chí Hà Nội luôn bám sát và gắn bó với tiến trình đấu tranh, xây dựng và phát triển của TP; Đồng hành cùng những bước chuyển mình của Thủ đô, cổ vũ, động viên Đảng bộ, Nhân dân Thủ đô vượt mọi khó khăn, thử thách, kiên định để đạt những thành quả đáng khích lệ. Những thành tựu đáng ghi nhận về tăng trưởng kinh tế, an sinh xã hội mà Hà Nội đạt được luôn có sự đóng góp của báo chí cách mạng Việt Nam nói chung, báo chí Hà Nội nói riêng.
Đáng kể, các cơ quan báo chí Hà Nội đều có những bước chuyển biến tích cực, tạo ra nguồn thông tin chủ đạo, chính thống, đáng tin cậy và ngày càng khẳng định vị trí vững chắc trong nền báo chí cách mạng Việt Nam. Với vai trò nòng cốt trong công tác thông tin, tuyên truyền, báo chí Hà Nội đã luôn làm tốt nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước và của TP; Bám sát, tuyên truyền có hiệu quả toàn diện các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh; Góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội ở Thủ đô; Tích cực tuyên truyền các lĩnh vực cải cách hành chính, thu hút đầu tư, chống tham ô lãng phí, các tệ nạn xã hội; Phổ biến giáo dục pháp luật, gương người tốt việc tốt...
Báo chí thành phố cũng đã chung tay trong việc tuyên truyền các nhiệm vụ cấp bách trong từng giai đoạn mà Thành ủy, UBND TP chỉ đạo, tạo sự đồng thuận trong Nhân dân, định hướng dư luận xã hội theo chiều hướng tích cực.
Bên cạnh cổ vũ, động viên, báo chí Thủ đô đã thường xuyên, kịp thời phát hiện và phản ánh những hạn chế, yếu kém còn tồn tại của các cấp, ngành, cơ quan chức năng và đề xuất nhiều giải pháp tích cực góp phần giải quyết những bất cập này. Những ý kiến đóng góp mà báo chí phản ánh đã được các cấp, ngành, lãnh đạo TP Hà Nội xem xét một cách nghiêm túc, chỉ đạo và xử lý kịp thời, qua đó nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà thăm gian trưng bày báo chí Hà Nội tại Hội báo toàn quốc năm 2023 |
Tạo điều kiện để báo chí Thủ đô phát huy vai trò trong giai đoạn mới
Khẳng định tính quan trọng của báo Đảng, năm 1954, Bác đã viết bài “Cần phải xem báo Đảng” đăng trên báo Nhân Dân số 179 ngày 22/6. Ngay phần mở đầu, Bác đã chỉ ra: “Đảng ta mạnh vì Đảng ta tư tưởng nhất trí, hành động nhất trí, suốt từ trên xuống dưới. Tờ báo của Đảng có nhiệm vụ làm cho tư tưởng và hành động thông suốt và thống nhất…”.
Xác định vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của báo Đảng, TP đã ban hành nhiều văn bản nhằm đẩy mạnh, nâng cao chất lượng công tác thông tin, tuyên truyền trên báo chí. Năm 2014, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 25-CT/TU “Về việc cung cấp thông tin và trả lời báo chí”; Năm 2015 tiếp tục ra Quyết định số 6524-QĐ/TU ban hành "Quy chế tổ chức hội nghị giao ban thông tin báo chí của Thành ủy Hà Nội". Năm 2018, UBND TP có Quyết định số 21/2018/QĐ-UBND ngày 5/9/2018 về việc ban hành quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính Nhà nước TP Hà Nội thay thế cho quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí ban hành năm 2014 để nâng cao hiệu quả tuyên truyền đối với Thủ đô…
TP cũng đã tiếp tục duy trì và nâng cao hiệu quả chương trình phối hợp công tác đối với nhiều cơ quan báo chí Trung ương và TP. Công tác phối hợp, cung cấp thông tin cho báo chí của các Sở, ban, ngành và các quận, huyện, thị xã theo các quy định của Trung ương và TP được thực hiện ngày càng tốt hơn. Hà Nội thường xuyên tổ chức các chuyến đi thực tế cơ sở để phóng viên các cơ quan báo chí trực tiếp quan sát, phản ánh sinh động những hoạt động phát triển kinh tế - xã hội. Mặt khác, Hà Nội cũng thực hiện tốt Chỉ thị số 22 của Bộ Chính trị và Luật Báo chí, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho báo chí hoạt động đúng luật và hiệu quả.
Đáng chú ý, từ năm 2021, thực hiện kế hoạch số 117/KH-UBND, UBND TP Hà Nội tổ chức họp báo và thông tin báo chí thường kỳ sau phiên họp giao ban thường kỳ hằng quý của UBND TP. Việc tổ chức họp báo và thông tin báo chí thường kỳ nhằm đảm bảo việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân, cơ quan báo chí và công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước thành phố theo quy định của Luật Tiếp cận thông tin năm 2016 và Điều 41 Luật Báo chí.
Bên cạnh đó, báo chí cũng góp phần tăng cường các kênh thông tin nhằm phổ biến các chủ trương của thành phố, kết quả thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố tới người dân; Nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị, phản ánh của cơ quan báo chí, tập trung những vấn đề đang được dư luận quan tâm, những địa bàn nóng, những nội dung liên quan trực tiếp đời sống dân sinh...
Ban Tuyên giáo Thành ủy tổ chức giao ban báo chí hằng tháng với các cơ quan báo chí Hà Nội |
Song song với đó, Ban Tuyên giáo Thành ủy phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông cùng Hội Nhà báo TP Hà Nội tổ chức Hội nghị giao ban thông tin báo chí hàng tháng với các cơ quan báo chí Thủ đô. Qua đó, chất lượng thông tin về các hoạt động kinh tế - xã hội của Hà Nội trên báo chí ngày càng được nâng cao.
Thành phố cũng rất quan tâm và thực hiện tốt công tác điểm báo hàng ngày để nắm bắt sâu hơn tình hình báo chí, dư luận phản ánh về các vấn đề, vụ việc bức xúc trên địa bàn; Từ đó giúp lãnh đạo TP có những quyết sách phù hợp, chỉ đạo các cơ quan chức năng, địa phương, đơn vị kịp thời xử lý các vụ việc và trả lời báo chí theo quy định; Góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của TP.
Theo lãnh đạo, phóng viên các cơ quan báo chí, Hà Nội là địa phương rất tích cực trong công tác phối hợp, cung cấp thông tin với báo chí để người dân được hưởng thụ những thông tin xác thực nhất, đa chiều nhất. Điều này càng khẳng định sức mạnh và sự kịp thời của báo chí cũng như vai trò quan trọng của báo chí đối với công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của TP. Như một lãnh đạo TP đã chia sẻ: “Không lãnh đạo nào, cơ quan nào có thể làm việc mà không dựa vào sức dân và sự ủng hộ của người dân. Chính nhờ đóng góp quan trọng của báo chí, lãnh đạo TP ngày càng gần gũi với người dân và được Nhân dân tin tưởng, ủng hộ nhiều hơn”.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng đã khẳng định, Hà Nội đạt được kết quả toàn diện trong những năm qua có vai trò, đóng góp rất quan trọng của báo chí. Việc đồng hành, phối hợp chặt chẽ giữa báo chí với các cơ quan TP để kịp thời thông tin, tạo niềm tin, sự đồng thuận trong dư luận, Nhân dân là cơ sở hàng đầu để TP thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, nhất là những nhiệm vụ khó, mới nhằm đưa Hà Nội thực sự là TP năng động, đổi mới, phát triển.