Thể chế đi trước, mở đường cho đột phá về kinh tế - xã hội
Tập thể UBND TP Hà Nội cho ý kiến về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021-2025 Hà Nội tập trung thực hiện quyết liệt các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 |
Ngày 24/11, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc chuyên đề của Chính phủ về công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật và thi hành pháp luật.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị (Ảnh: TTXVN) |
Dự hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh; Các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng…
Tại điểm cầu Hà Nội, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh; Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Hồng Sơn…
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh cho biết, từ năm 2016 đến tháng 7/2020, thành phố đã ban hành 307 văn bản quy phạm pháp luật (gồm 86 nghị quyết và 221 quyết định).
Trong đó, có 15 nghị quyết ban hành cơ chế chính sách đặc thù của thành phố. Điển hình là Nghị quyết về Đề án tăng cường quản lý phương tiện giao thông nhằm giảm ùn tắc giao thông và giảm ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn 2030; Nghị quyết về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thành lập mới trên địa bàn thành phố Hà Nội; Nghị quyết về việc ưu tiên phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn. Thực hiện quy định của Luật Thủ đô, thành phố đã kịp thời ban hành theo thẩm quyền 16 văn bản cụ thể hóa Luật Thủ đô.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh phát biểu tại điểm cầu UBND TP Hà Nội |
Kết quả đạt được trong công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật nói chung và các cơ chế, chính sách đặc thù nói riêng đã có những đóng góp tích cực vào thành tựu chung của Thủ đô về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm và bảo đảm an sinh xã hội, là tiền đề quan trọng để Thủ đô tiếp tục phát triển trong giai đoạn mới.
Đại hội đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ thành phố Hà Nội đã xác định tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách; Tăng cường công tác tổ chức thực thi pháp luật, nâng cao hiệu quả quản trị xã hội, quản lý đô thị là một nội dung quan trọng trong các khâu đột phá để thực hiện thắng lợi những mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết, Hà Nội sẽ tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo đối với công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế và tổ chức thi hành pháp luật; Xác định rõ các định hướng, giải pháp có tính chiến lược để thể chế đi trước, mở đường cho các đột phá về kinh tế - xã hội, hạ tầng xã hội, phát triển con người và đổi mới, sáng tạo; Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô, các văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương và thành phố để thi hành Luật Thủ đô, thể chế hóa các cơ chế đặc thù thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị. Quá trình triển khai, TP đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương, nhất là trách nhiệm giải trình trong công tác tổ chức thi hành pháp luật; Nâng cao chất lượng phổ biến, tổ chức thi hành pháp luật, trong đó xác định rõ trách nhiệm, nguồn lực, tiến độ, hiệu quả của từng nội dung công việc cụ thể.
Theo Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, trong bối cảnh điều kiện về biên chế của Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp thực hiện nhiệm vụ theo dõi thi hành pháp luật còn rất hạn chế, chưa bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, đề nghị Chính phủ quan tâm bố trí nhân lực phù hợp; Song song đó, tổ chức tổng kết, đánh giá Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 4/7/2011 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế để có giải pháp củng cố, kiện toàn đội ngũ này.
“Theo quy định của Nghị định số 55/2011/NĐ-CP, tại 14 sở, ngành thuộc UBND cấp tỉnh được thành lập tổ chức pháp chế. Tuy nhiên, hiện nay hướng dẫn về tổ chức bộ máy của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh không có phòng pháp chế nên hầu hết các sở, ngành thành phố Hà Nội (trừ Sở Xây dựng) không có phòng pháp chế mà chỉ bố trí công chức kiêm nhiệm, ảnh hưởng đến công tác xây dựng pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật tại các cơ quan chuyên môn của thành phố", đồng chí Chu Ngọc Anh nhấn mạnh.
Hà Nội cũng đề nghị Bộ Tài chính, các bộ, ngành liên quan tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu cung cấp các dịch vụ công ích có sử dụng ngân sách nhà nước theo quy định, giúp thành phố Hà Nội triển khai thực hiện thuận lợi, hiệu quả, đúng quy định.
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc (Ảnh VGP/Quang Hiếu) |
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc kể lại câu chuyện “nghẹt thở” về xây dựng văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Đầu tư khi chỉ còn 6 tháng nữa là đến thời điểm có hiệu lực mà tới trên 50 nghị định cần sửa đổi, trên 3.000 điều kiện kinh doanh cần rà soát. Lúc đó, có ý kiến trong Chính phủ nói rằng có lẽ phải trình Quốc hội xin lùi thời gian bởi không có đủ thời gian hoàn thành một khối lượng đồ sộ như vậy. “Nhưng tôi nhớ lúc đó Thủ tướng đã nói rằng trong Chính phủ không có chỗ để bàn lùi”, ông Vũ Tiến Lộc chia sẻ. Vì vậy, Thủ tướng đã giao nhiệm vụ cho Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp và các bộ, ngành trong đó có VCCI “phải vào chiến dịch này”.
“Chúng tôi ngồi từ sáng đến chiều tại Văn phòng Chính phủ. Bộ chủ quản trình đề án, VCCI và Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phản biện, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP và Bộ trưởng Bộ Tư pháp làm nhiệm vụ giám định, thẩm định. “4 nhà” cùng chụm đầu để soi xét từng văn bản để đưa ra quyết định về việc cắt bỏ, đơn giản hóa thủ tục kinh doanh. Và chúng ta đã thành công. Tôi nghĩ là đã có một mô hình “4 nhà” trong làm thể chế”, ông Vũ Tiến Lộc nói. “Chúng tôi, cộng đồng doanh nghiệp đánh giá rất cao sự cầu thị, lắng nghe từ Chính phủ và Người đứng đầu Chính phủ về những sáng kiến, kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp”. Xu hướng phát triển bền vững, nền kinh tế số, đổi mới sáng tạo, hội nhập, cạnh tranh gay gắt đang đòi hỏi cải cách đối với hệ thống luật pháp cần phải mạnh mẽ hơn.
Tiếp tục cập nhật...