Thể chế hoá kịp thời các chỉ đạo, định hướng quan trọng
Chính phủ chỉ đạo kịp thời, hiệu quả, vượt qua "cơn gió ngược" Quốc hội thảo luận tại hội trường về Luật Thủ đô (sửa đổi) UBTVQH xem xét dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) trong tháng 3 |
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng đoàn Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đồng chủ trì buổi làm việc.
Tham dự buổi làm việc có: Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Đảng đoàn Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; các Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Đảng đoàn Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội; Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, các Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, lãnh đạo Văn phòng Quốc hội.
Về phía Thành ủy Hà Nội có: Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn; Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cùng các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành TP…
Quang cảnh buổi làm việc |
Tạo khung khổ pháp lý, thể chế quan trọng cho Thủ đô
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6, dự kiến xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 7. Đây là dự án Luật quan trọng không chỉ có ý nghĩa đối với xây dựng, phát triển Thủ đô mà còn đối với cả nước. Đây cũng là dự án Luật khó, mang tính đặc thù, đa ngành, có nhiều nội dung khác với một số luật hiện hành.
Theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, sau khi dự án Luật được Quốc hội cho ý kiến, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ đóng vai trò chủ trì tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật. Ủy ban Pháp luật của Quốc hội chủ trì phối với các cơ quan của Quốc hội và cơ quan chủ trì soạn thảo để tham mưu cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Để phục vụ cho phiên họp tháng 3/2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, kỳ họp thứ 7 của Quốc hội và có định hướng để làm sâu sắc các nội dung sẽ thảo luận, trình Quốc hội, Đảng đoàn Quốc hội làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội để rà soát các nội dung báo cáo, các nội dung lớn, quan trọng và công việc cần triển khai từ nay đến kỳ họp Quốc hội bảo đảm cho dự án Luật là tốt nhất.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi làm việc |
Đối với Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, Chủ tịch Quốc hội cho biết, theo quy định của Luật Quy hoạch, các nội dung này thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ nhưng phải trình Quốc hội cho ý kiến.
Đảng bộ TP Hà Nội, người dân Thủ đô và cả nước đều mong muốn dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) và Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 được xem xét, cho ý kiến, quyết định tại cùng một kỳ họp để tạo khung khổ pháp lý và thể chế quan trọng, đồng bộ cho Thủ đô phát triển.
“Do đó, việc trình Quốc hội xem xét cả 3 nội dung trên tại cùng một kỳ họp (kỳ họp thứ 7, Quốc hội Khoá XV) sẽ tạo khung khổ pháp lý, thể chế hết sức quan trọng cho Thủ đô phát triển và thực hiện được những quan điểm, mục tiêu, các định hướng lớn đã được xác định tại Nghị quyết số 15-NQ/TW cũng như thực hiện các ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về xây dựng, phát triển Thủ đô” - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Tăng 1 chương, giảm 2 điều
Báo cáo hoàn thiện dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết: Sau kỳ họp thứ 6, Ủy ban Pháp luật đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp, UBND thành phố Hà Nội tiến hành nghiên cứu, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý trên tinh thần tiếp thu tối đa ý kiến của các đại biểu Quốc hội; trong đó đã tổ chức hơn 20 cuộc họp bàn các nội dung cụ thể.
Trên cơ sở ý kiến tại các cuộc họp, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) sau khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 8 chương, 57 điều. Dự thảo sau chỉnh lý tăng 1 chương, giảm 2 điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ sáu.
Dự thảo mới đã thể chế hóa kịp thời các kết luận, chỉ đạo của Bộ Chính trị và của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về các nội dung liên quan, đặc biệt là Nghị quyết số 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị.
Bí thư Thành uỷ Đinh Tiến Dũng phát biểu tại buổi làm việc |
Cho ý kiến vào dự thảo mới, các đại biểu nhận định, Luật Thủ đô (sửa đổi) không phải trao đặc thù, đặc quyền cho Hà Nội, mà là tạo điều kiện để Hà Nội thực hiện nhiệm vụ chính trị của đất nước, đặc thù gắn liền với trách nhiệm. Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) hiện nay đã đi đúng với tinh thần đó, đáp ứng yêu cầu mà các đại biểu Quốc hội đặt ra khi cho ý kiến.
Bàn và cho ý kiến cụ thể đối với những nội dung sau tiếp thu, chỉnh lý, các đại biểu cơ bản nhất trí với dự thảo.
Trân trọng cảm ơn Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã theo rất sát quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) và nhất trí cao với bản dự thảo mới sau tiếp thu, chỉnh lý, Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị Đảng đoàn Quốc hội chia sẻ, tạo điều kiện, các cơ quan soạn thảo hoàn thiện các điều khoản theo hướng phân cấp, giao quyền mạnh mẽ hơn cho TP Hà Nội; nhất là trong việc đầu tư các dự án phát triển hạ tầng và tăng cường các biện pháp xử lý công trình xuống cấp nhằm bảo vệ an toàn, sức khỏe của người dân. TP Hà Nội sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Trung ương để tiếp tục hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) bảo đảm tính khả thi cao.
Đảm bảo dự án luật có chất lượng tốt nhất
Kết luận về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ghi nhận, đánh giá cao Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Bộ Tư pháp và TP Hà Nội đã phối hợp chặt chẽ, tiếp thu, chỉnh lý, đến nay dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) có chất lượng khá tốt.
Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát kỹ các nội dung dự thảo, nghiên cứu tối đa ý kiến của các bộ chuyên ngành, đặc biệt tiếp thu các chủ trương, đường lối, định hướng quan trọng của Trung ương, Bộ Chính trị, nhất là của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để thể chế hóa trong dự thảo Luật; làm sao để Luật vừa bảo đảm tính khả thi, vừa đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật.
Quang cảnh buổi làm việc |
Về điều khoản thi hành, Hà Nội phối hợp với Ủy ban Pháp luật, Bộ Tư pháp nghiên cứu phương án đẩy sớm hơn, điều khoản nào không cần hướng dẫn, đề xuất cho thi hành luôn. Đối với các dự án BT, dự thảo phải được rà soát kỹ về điều khoản chuyển tiếp, tránh trường hợp khi đi vào thực hiện sẽ bị "tắc".
Đối với các điều khoản liên quan đến biên chế, tổ chức bộ máy, Chủ tịch Quốc hội đề nghị chỉnh lý theo hướng cụ thể trong Luật để thực hiện. Đối với dự án BT, Chủ tịch Quốc hội đề nghị nghiên cứu thêm đề xuất cụ thể các hình thức liên quan để bảo đảm tính khả thi.
Về mô hình phát triển đô thị TOD, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị nghiên cứu, rà soát kỹ hơn, vận dụng đa dạng các loại hình như ý kiến của Bộ Xây dựng bảo đảm tính thực tiễn và hiệu quả cao.
Chủ tịch Quốc hội ủng hộ phương án ghi rõ trong Luật Thủ đô (sửa đổi), Hà Nội là đô thị đặc biệt. Về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát, Chủ tịch Quốc hội đề nghị rà soát kỹ chương này xem liệu có cần thiết phải đưa thành một chương riêng hay không...
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chỉ đạo các cơ quan soạn thảo ngay sau hội nghị này, tập trung cao độ hoàn thiện hồ sơ, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) trước phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra trong tháng 3 này; bảo đảm dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) có chất lượng tốt nhất, trình Quốc hội thông qua, tạo điều kiện cho Thủ đô phát triển.