Thời tiết diễn biến phức tạp, khả năng xuất hiện liên tiếp 2 cơn bão trong 10 ngày tới
Khả năng xuất hiện liên tiếp 2 cơn bão
Trong báo cáo đặc biệt gửi Ban chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai và Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, Tổng cục Khí tượng Thủy văn cho biết, căn cứ vào diễn biến của thiên tai sẽ tập trung cao điểm trong tháng 10, 11 và nửa đầu tháng 12/2021, nhất là trong khoảng 10 ngày tới.
Cụ thể, trong chiều qua (5/10), một áp thấp nhiệt đới đã hình thành trên vùng biển phía nam biển Đông, ngay trên dải hội tụ nhiệt đới (ITCZ) có xu hướng hoạt động mạnh lên trong những ngày tới. Dự báo, áp thấp nhiệt đới này có khả năng mạnh lên thành bão số 7, hướng về phía quần đảo Hoàng Sa, sau đó sẽ có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh Trung Trung Bộ, Bắc Trung Bộ từ ngày 8/10 đến khoảng ngày 12/10.
Áp thấp nhiệt đới đã hình thành trên vùng biển phía Nam biển Đông có khả năng mạnh lên thành bão |
Dự báo khoảng ngày 10-11/10, một đợt không khí lạnh mạnh có khả năng ảnh hưởng đến nước ta và tương tác với cơn áp thấp nhiệt đới, bão nên trong những ngày tới diễn biến của áp thấp nhiệt đới, bão được dự báo có diễn biến rất phức tạp, khả năng gây mưa lớn ở các tỉnh Trung Trung Bộ, Bắc Trung Bộ (mưa lớn do bão, do bão kết hợp với không khí lạnh).
Ngoài ra, dự báo khoảng ngày 12-13/10, trên Biển Đông tiếp tục có khả năng xuất hiện thêm một cơn bão mới, cơn bão số 8.
Khả năng xuất hiện mưa đặc biệt lớn ở Trung Bộ
Cũng theo Tổng cục Khí tượng Thủy văn, hiện nay mưa lớn đang xảy ra ở các tỉnh Trung Bộ. Dự báo từ ngày 6-8/10, mưa lớn tập trung ở khu vực Bắc Tây Nguyên, các tỉnh Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ (từ Quảng Trị đến Phú Yên), trong đó ở khu vực từ Thừa Thiên - Huế đến Bình Định và Kon Tum có khả năng xảy ra mưa đặc biệt lớn.
Từ ngày 8/10 - 12/10, ở các tỉnh Trung Trung Bộ, Bắc Trung Bộ, đồng bằng Bắc Bộ có khả năng xảy ra mưa lớn do tác động của không khí lạnh kết hợp với cơn bão số 7. Riêng các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Trị có dấu hiệu xuất hiện một đợt mưa đặc biệt lớn.
Khả năng xuất hiện mưa đặc biệt lớn ở Trung Bộ |
Mưa lớn xảy ra liên tiếp trong thời gian tới với cường suất lớn, lượng mưa rất to. Các tỉnh, thành phố ở Trung Bộ và Bắc Tây Nguyên cần đặc biệt chú ý nguy cơ rất cao về lũ, lũ quét, sạt lở đất và ngập úng diện rộng.
Tình hình thiên tai 3 tháng cuối năm
Theo báo cáo của Tổng cục Khí tượng Thủy văn, về hiện tượng ENSO, các dự báo hạn dài cho thấy ENSO có khả năng chuyển sang trạng thái La Nina với xác suất khoảng 70-80% trong các tháng còn lại của năm 2021. La Nina thường làm gia tăng số lượng bão, áp thấp nhiệt đới và gây mưa nhiều hơn trung bình nhiều năm ở khu vực Trung Bộ.
Về bão, áp thấp nhiệt đới, dự báo trong tháng 10 và tháng 11/2021 sẽ có nhiều áp thấp nhiệt đới, bão hoạt động trên Biển Đông. Trong 3 tháng cuối năm 2021, trên khu vực Biển Đông còn có khả năng xuất hiện khoảng 5-7 cơn bão/ áp thấp nhiệt đới, trong đó có khoảng 2-4 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta.
Tháng 10 và 11/2021, mưa bão tập trung cao điểm ở khu vực Trung Bộ với lượng mưa được dự báo cao hơn trung bình nhiều năm từ 15-30%.
Nhận định tình hình lũ ở khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên, theo Tổng cục Khí tượng Thủy văn, đỉnh lũ năm 2021 tại hạ lưu các sông chính ở Thanh Hóa, Nghệ An ở mức báo động 1 (BĐ1)-BĐ2; Các sông từ Hà Tĩnh đến Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên ở mức BĐ2-BĐ3 và có nơi trên BĐ3. Trên các sông suối nhỏ, vùng thượng lưu các sông Trung Bộ, Tây Nguyên khả năng xuất hiện lũ lớn, lũ quét và sạt lở đất, các trận lũ lớn tập trung trong tháng 10, 11/2021.
Dự báo tình hình hạn hán, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long có khả năng ít nghiêm trọng hơn mùa khô năm 2019-2020 |
Nhận định tình hình nguồn nước và xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long, đỉnh lũ năm 2021 ở đầu nguồn sông Cửu Long ở mức thấp (dưới BĐ1) và xuất hiện vào khoảng giữa tháng 10/2021; Đỉnh lũ năm 2021 tại các trạm hạ nguồn sông Cửu Long ở mức BĐ2-BĐ3, một số trạm trên BĐ3, nguy cơ cao xảy ra ngập lụt tại một số vùng trũng thấp, ven sông, đặc biệt tại Cần Thơ, Vĩnh Long.
Tổng lượng dòng chảy trong những tháng mùa khô 2021-2022 từ thượng nguồn sông Mê Kông về hạ lưu và Đồng bằng sông Cửu Long có khả năng thiếu hụt từ 15-25% so với trung bình nhiều năm. Tình hình xâm nhập mặn sẽ diễn ra sớm và cao hơn trung bình nhiều năm.
Tuy nhiên, mùa mưa được dự báo kết thúc muộn, lượng mưa trong các tháng mùa khô tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long cao hơn trung bình nhiều năm và có thể xuất hiện các đợt mưa trái mùa, nên tình hình hạn hán, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long có khả năng ít nghiêm trọng hơn mùa khô năm 2019-2020.
Trên cơ sở những phân tích dự báo nêu trên cho thấy, diễn biến thiên tai trong 10 ngày tới và 3 tháng cuối năm rất phức tạp do có sự kết hợp của nhiều loại hình thiên tai. Theo chức năng, nhiệm vụ được giao, Tổng cục Khí tượng Thủy văn đã chỉ đạo Hệ thống dự báo, cảnh báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia theo dõi chặt chẽ và thông tin thường xuyên dựa trên diễn biến cụ thể của từng loại thiên tai.
Do tác động của biến đổi khí hậu, các hiện tượng thời tiết, thủy văn, hải văn cực đoan đang ngày càng có diễn biến phức tạp, khó dự đoán. Tổng cục Khí tượng Thủy văn đề xuất, kiến nghị Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai yêu cầu các cơ quan, đơn vị phòng, chống thiên tai sử dụng bản tin dài hạn, từ xa để định hướng công tác ứng phó, sử dụng các bản tin ngắn hạn được cập nhật mới nhất, có độ tin cậy cao nhất để triển khai các phương án phòng, chống cụ thể theo quy định.