Thời tiết lạnh, số ca mắc sốt xuất huyết giảm mạnh
Ca mắc sốt xuất huyết giảm 62%
Nếu như vào tháng 11 và đầu tháng 12/2022, trung bình mỗi tuần ghi nhận từ 1.300-1.400 ca sốt xuất huyết thì nay giảm còn hơn 400 ca/tuần.
Ngày 28-12, theo tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tuần qua (từ ngày 16 đến 23-12), trên địa bàn thành phố ghi nhận 427 ca mắc sốt xuất huyết (giảm 63,3% so với tuần trước). Bệnh nhân ghi nhận tại 26/30 quận, huyện, thị xã, trong đó có một số quận, huyện có số mắc cao như: Đống Đa (64 ca), Hà Đông (53 ca), Hoàng Mai (44 ca), Thanh Oai (35 ca).
Phun hóa chất diệt muỗi phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết |
Như vậy, cộng dồn từ đầu năm 2022 cho đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 19.215 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó có 25 ca tử vong. So với cùng kỳ năm 2021, số mắc sốt xuất huyết trong năm nay tăng gấp 5,7 lần. Bệnh nhân phân bố tại 30/30 quận, huyện, thị xã; 568/579 xã, phường, thị trấn. Tuýp vi rút Dengue lưu hành đã xác định được là DENV1 và DENV2, DENV4.
Ngoài ra, tuần qua cũng ghi nhận thêm 8 ổ dịch mới tại 4 quận, huyện: Đống Đa (3 ổ dịch), Bắc Từ Liêm (2 ổ dịch), Thanh Trì (2 ổ dịch), Hà Đông (1 ổ dịch).
Như vậy, cộng dồn từ đầu năm 2022 cho đến nay, thành phố đã ghi nhận 1.409 ổ dịch tại 30/30 quận, huyện, thị xã. Hiện còn 29 ổ dịch đang hoạt động tại 11 quận, huyện.
Nếu như vào tháng 11 và đầu tháng 12-2022, trung bình mỗi tuần ghi nhận từ 1.300-1.400 ca sốt xuất huyết thì nay giảm còn hơn 400 ca/tuần. CDC Hà Nội đánh giá, số ca mắc mới sốt xuất huyết hiện giảm mạnh vì thời tiết đã lạnh hơn với mức nhiệt độ không thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển.
Tiếp tục tăng cường phòng chống dịch sốt xuất huyết
Tuy nhiên, CDC Hà Nội yêu cầu các đơn vị tiếp tục duy trì đội đáp ứng nhanh và thường trực phòng, chống dịch đảm bảo sẵn sàng đáp ứng kịp thời các tình huống dịch bệnh xảy; Tăng cường giám sát các chỉ số bọ gậy, muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết tại các khu vực xuất hiện ca bệnh, ổ dịch, khu vực nguy cơ cao, từ đó triển khai những hoạt động đáp ứng phù hợp và kịp thời.
Ngoài ra, các địa phương tiếp tục tổ chức các chiến dịch vệ sinh môi trường diệt bọ gậy, phun hóa chất diệt muỗi trưởng thành, phòng, chống sốt xuất huyết một cách triệt để. Ngoài ra, tuyên truyền, vận động người dân phối hợp với ngành y tế trong hoạt động phun hóa chất diệt muỗi, đảm bảo tỷ lệ phun đạt yêu cầu theo quy định của Bộ Y tế.
Chủ động tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết |
Dù ca mắc sốt xuất huyết đã giảm, người dân cần tiếp tục nâng cao ý thức của bản thân đối với cộng đồng; chấp hành nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch sốt xuất huyết.
Do sốt xuất huyết là căn bệnh có thể lây truyền từ người này sang người khác nếu như bị muỗi vằn (có nhiều khoang trắng ở chân và lưng) mang mầm bệnh đốt. So với người lớn, trẻ em là đối tượng dễ bị mắc bệnh hơn.
Sốt xuất huyết hiện nay chưa có thuốc điều trị, phương pháp điều trị chủ yếu là điều trị triệu chứng, khi bệnh sốt xuất huyết ở người lớn thuộc thể nhẹ thì có thể chăm sóc tại nhà, cho bệnh nhân nghỉ ngơi, uống nhiều nước, sử dụng các món ăn mềm và có nước, dễ tiêu hóa, hạ sốt với paracetamol, lau mát khi sốt cao.
Các bác sĩ cũng đưa ra khuyến cáo, vì sốt xuất huyết có biểu hiện giống như sốt do các vi rút khác nên nhiều người chủ quan, không đi khám hoặc tự điều trị tại nhà. Thậm chí, có trường hợp tự ý truyền dịch và dùng kháng sinh, điều này có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Dù sốt xuất huyết là bệnh tự khỏi trong vòng 7 ngày nhưng khoảng 5% bệnh nhân có biểu hiện nặng như chảy máu hoặc thoát huyết tương gây sốc nặng do giảm thể tích, nếu không chữa trị kịp thời sẽ có nguy cơ tử vong.
Do đó, người bệnh khi thấy các triệu chứng sốt cao đột ngột liên tục 39-40 độ C, kéo dài 2-7 ngày, đau đầu, đau người kèm các dấu hiệu phát ban, nổi hạch, xuất huyết dưới da, chảy máu cam, chảy máu chân răng... thì nên đến bệnh viện khám để xác định sớm và điều trị kịp thời.
Để phòng bệnh sốt xuất huyết, Bộ Y tế kêu gọi người dân mỗi tuần dành 10 phút diệt bọ gậy/lăng quăng và thực hiện các biện pháp phòng bệnh như: Kiểm tra, phát hiện và diệt lăng quăng trong các dụng cụ chứa nước sinh hoạt bằng cách thường xuyên thay rửa, đậy nắp kín bể và vật dụng chứa nước, thả cá để tiêu diệt lăng quăng.
Bên cạnh đó, người dân thường xuyên thay nước ở các lọ hoa, thả muối hoặc hóa chất diệt bọ gậy vào bát nước kê chân chạn, bể cảnh, hòn non bộ, khay nước thải tủ lạnh...; Loại bỏ các vật liệu phế thải, hốc nước tự nhiên, lật úp vật dụng có thể chứa nước không sử dụng, để không cho muỗi đẻ trứng.
Người dân cần ngủ màn phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày, mặc quần áo dài tay, dùng bình xịt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện muỗi... để diệt muỗi và phòng muỗi đốt. Đặc biệt, người dân không tự ý điều trị sốt xuất huyết tại nhà.