Thời tiết rét đậm rét hại, nhiều bệnh lý nguy hiểm gia tăng đối với người cao tuổi
Vì sao trời rét đậm lại gia tăng bệnh nhân đột quỵ?
Liên tiếp trong những ngày gần đây, Trung tâm Đột quỵ - Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận những ca bệnh nhân lớn tuổi bị đột quỵ lại nhập viện quá muộn, bỏ lỡ "thời gian vàng" của não.
Ca lâm sàng thứ nhất, người bệnh 60 tuổi, quê Thái Bình, tiền sử khỏe mạnh được đưa đến Trung tâm Đột quỵ Bạch Mai vì tê yếu nửa người trái. Kíp trực tức tốc ra đón bệnh nhân với hi vọng có thể điều trị tái tưới máu để “cứu não”.
Điều đáng nói là bệnh nhân đột quỵ từ trưa hôm trước nhưng hôm sau mới nhập viện. Do tâm lý chủ quan, bệnh nhân chỉ nằm nghỉ ngơi đến khi càng nằm thì tay chân càng yếu, mỏi mệt vẫn không cải thiện mới vào viện.
Bệnh nhân đột quỵ điều trị ở Bệnh viện Bạch Mai |
Trường hợp khác là nữ bệnh nhân hơn 60 tuổi, cuộc sống hàng ngày hoàn toàn khỏe mạnh. Một buổi sáng, bà ngủ dậy sớm vệ sinh cá nhân rồi chuẩn bị ra công viên tập thể dục. Khi chuẩn bị ra khỏi cửa, bệnh nhân đột nhiên thấy hơi yếu nhẹ và tê bì nửa người phải, kèm méo miệng nhẹ nhưng lại nghĩ do trúng gió nhẹ. Con gái của bệnh nhân đã gọi bác sĩ châm cứu đến tập và điều trị cho bà nhưng sau 1 ngày tình trạng vẫn không cải thiện chút nào. Cả gia đình mới quyết định đưa bà đến Trung tâm Đột quỵ Bạch Mai và kết quả bệnh nhân cũng qua "giờ vàng" để cứu não.
Nhiều ca lâm sàng về bệnh nhân đột quỵ não khác đã đến với Trung tâm Đột quỵ Bạch Mai trong tình trạng muộn, qua mất giờ vàng. Hệ lụy nặng thì tử vong, nhẹ thì tàn phế suốt đời.
Kiểm soát, phòng tránh đột quỵ trong những ngày rét đậm
PGS.TS Mai Duy Tôn, Giám đốc Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: "Đột quỵ não có thể đe dọa đến tính mạng và dẫn đến tàn tật vĩnh viễn. Vì vậy, điều tối quan trọng khi phát hiện người thân có dấu hiệu đột quỵ là cần hành động nhanh để kịp đến viện trong "giờ vàng";
Cần lập tức gọi xe cứu thương 115 đưa bệnh nhân đến địa điểm có thể thực hiện kỹ thuật cấp cứu bệnh nhân đột quỵ chuẩn nhất và nhanh nhất. Thêm vào đó, nhân viên y tế của 115 được trang bị kiến thức y tế để xử lý các tình huống khẩn cấp khác nhau, họ có thể hỗ trợ cứu sống bệnh nhân trên đường đến bệnh viện và có khả năng làm giảm các tác động của đột quỵ não;
Phải theo dõi các triệu chứng và hỏi chuyện người bệnh; hỏi về tất cả các loại thuốc mà người bệnh đang dùng, tình trạng sức khỏe, có dị ứng gì không? Ghi lại tất cả các triệu chứng bao gồm: thời điểm đột quỵ, tiền sử bệnh tật của người bệnh như tăng huyết áp, bệnh tim, ngừng thở khi ngủ, tiểu đường... Những thông tin này rất hữu ích khi bác sĩ khai thác bệnh sử; Hãy khuyến khích người bệnh nằm xuống. Tư thế này giúp tăng cường lưu lượng máu đến não. Tuy nhiên, nếu người bệnh bị ngã thì đừng cố di chuyển họ; Thực hiện hồi sinh tim phổi (CPR).
Đặc biệt chú ý, không nên cho người đột quỵ uống bất kỳ loại thuốc nào. Đã có nhiều sự cố vô cùng đáng tiếc khi người thân cho bệnh nhân uống An cung...
Thời gian vàng trong đột quỵ não hay “thời gian là não” là cụm từ để nhấn mạnh rằng càng trì hoãn đột quỵ não thì càng có nhiều thiệt hại cho người bệnh. Tế bào não sẽ chết chỉ trong vài phút nếu không được cấp máu hoặc oxy. Đối với đột quỵ thiếu máu não, khi mạch máu lớn trong não bị tắc, cứ mỗi giây trôi qua có 32.000 tế bào não chết và cứ mỗi phút trôi qua sẽ có 1,9 triệu tế bào não bị chết. Cứ mỗi giờ trôi qua, số tế bào não chết tương ứng mất đi 3,6 năm tuổi thọ của người bình thường (đó là trong trường hợp người bệnh may mắn sống sót).
PGS. Tôn cho biết: Thời gian vàng trong đột quỵ thiếu máu não là 270 phút nếu sử dụng thuốc tiêu huyết khối làm tan cục máu đông hoặc trong 6-8 giờ nếu lấy huyết khối cơ học trong trường hợp tắc động mạch lớn trong não. Tuy nhiên, nếu người bệnh được điều trị càng sớm trong khoảng thời gian này thì cơ hội phục hồi, ít để lại di chứng càng cao. Ngược lại, nếu điều trị càng muộn trong “cửa sổ thời gian” này cơ hội phục hồi sẽ thấp đi.
Do vậy, PGS. Tôn nhấn mạnh: Khi phát hiện bệnh nhân đột quỵ não, chúng ta cần đưa người bệnh vào viện ngay để điều trị càng sớm càng hiệu quả.