Thông tin kịp thời chính xác sẽ đẩy lùi tin “độc” hại, nâng cao hiệu quả phòng, chống dịch Covid-19
Cán bộ Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Bộ Công an làm việc với đối tượng đưa tin bịa đặt, xuyên tạc về dịch bệnh Covid-19
Bài liên quan
Xử lý nghiêm người phát tán thông tin không chính xác, gây hoang mang về Covid-19
Có thể khởi tố đối tượng tung tin sai sự thật về dịch Covid-19
Có thể khởi tố đối tượng tung tin sai sự thật về dịch Covid-19
Xử lý nghiêm các đối tượng tung tin đồn thất thiệt về dịch Covid-19
Các đối tượng bịa đặt thông tin bị xử lý
Mới đây Bộ Công an thông tin, trên không gian mạng những ngày qua lan truyền nhiều thông tin thất thiệt về bệnh nhân số 21 mắc Covid-19 (tên N.Q.T, trú tại Ba Đình, TP Hà Nội), bịa đặt, xuyên tạc bệnh nhân này có “bồ nhí, con riêng”, khai báo y tế không trung thực…, thu hút hàng trăm nghìn lượt chia sẻ, bình luận.
"Các đối tượng phản động, chống đối chính trị trong và ngoài nước nhân cơ hội đã gia tăng kích động, xuyên tạc, gây hoài nghi, làm xói mòn niềm tin của quần chúng nhân dân, gây hoang mang trong dư luận xã hội" - Bộ Công an cho biết.
Cùng với việc xác minh, xử lý nghiêm các đối tượng tung tin xuyên tạc tình hình về dịch bệnh Covid-19, ngày 13/3/2020, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Bộ Công an đã phối hợp Công an TP Hà Nội và các đơn vị chức năng nhanh chóng vào cuộc, xác minh, đấu tranh xử lý một số đối tượng đã đăng tải, chia sẻ những thông tin thất thiệt về bệnh nhân số 21.
Điển hình như Võ Thị Thanh Thủy (SN 1986, trú tại quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội), Doãn Thị Kim Phượng (SN 1958, trú tại quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội) và Nguyễn Thị Vân (SN 1994, trú tại Đông Anh, TP Hà Nội)…
Ảnh chụp màn hình Facebook của đối tượng đưa thông tin xuyên tạc, bịa đặt về các bệnh nhân nhiễm Covid-19 trên mạng xã hội |
Tại cơ quan Công an, các đối tượng khai nhận do thiếu hiểu biết nên đã sử dụng tài khoản Facebook cá nhân đăng tải, chia sẻ những thông tin suy diễn, thất thiệt nêu trên, làm ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của ông N.Q.T. Các đối tượng trên đã thừa nhận hành vi vi phạm pháp luật của mình, xin gỡ bỏ bài viết trên Facebook cá nhân và cam kết không tái phạm.
Các đơn vị chức năng của Bộ Công an căn cứ vào tính chất, mức độ vi phạm của các đối tượng để xem xét hình thức xử lý. Đồng thời, tiếp tục điều tra, xác minh, làm rõ các đối tượng tung tin sai sự thật liên quan đến tình hình dịch bệnh Covid-19 để xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.
Theo thống kê của lực lượng công an cả nước, kể từ khi xuất hiện dịch bệnh Covid-19 đến nay, trên không gian mạng đã có gần 300.000 tin, bài đăng trên các trang thông tin điện tử, blog, diễn đàn; gần 600.000 tin, bài, video clip liên quan đến dịch bệnh đã đăng trên mạng xã hội. Trong số này có rất nhiều tin, bài có nội dung chưa được kiểm chứng, xuyên tạc, sai sự thật, thu hút hàng triệu lượt bình luận, chia sẻ...
Cơ quan chức năng khuyến cáo người dân nên cập nhật thông tin liên quan đến dịch Covid-19 qua các phương tiện truyền thông, trang thông tin điện tử chính thống của ngành Y tế, không chia sẻ các thông tin chưa được kiểm chứng, không đúng sự thật liên quan đến dịch Covid-19 trên mạng xã hội. Các trường hợp vi phạm sẽ bị lực lượng chức năng xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Cần có thông tin kịp thời, chính xác
Trao đổi với PV báo Tuổi trẻ Thủ đô về sự việc trên dưới góc độ pháp lý, Thạc sỹ, Luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết: Có thể nói một lượng lớn người có tâm lý hiếu kỳ, thường xuyên tìm kiếm những thông tin trên mạng xã hội, nhất là những thông tin độc, lạ, kinh dị, bất thường. Thêm vào đó, việc đưa tin lên mạng xã hội hết sức đơn giản, ai cũng có thể làm được chỉ trong vài giây... Bởi vậy, mạng xã hội là mảnh đất màu mỡ cho việc đưa tin độc, tin lạ, tin kinh dị bất thường... để thu hút lượng người tương tác.
Không chỉ có thời điểm bệnh dịch Covid-19, hiện tượng đưa tin xuyên tạc, bịa đặt trên mạng xã hội mới xảy ra. Trước đó, thông tin giả, tin bịa đặt, xuyên tạc thường xuyên tràn lan trên mạng xã hội bởi những đối tượng có tư tưởng chính trị lệch lạc, chống đối; một số người bán hàng online và cả những người thích nổi tiếng, thiếu hiểu biết... Không ít đối tượng đã bị xử phạt hành chính, thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Trước tình hình đó, Nhà nước Việt Nam đã tăng cường công tác quản lý trên không gian mạng, các quy phạm pháp luật trong không gian mạng ngày càng được cùng cố và hoàn thiện. Việt Nam đã ban hành Luật An ninh mạng và bổ sung các nghị định về xử phạt hành chính với những hành vi vi phạm an ninh mạng. Tới đây Nghị định số 15/2020/NĐ-CP sẽ có hiệu lực từ tháng 4/2020 để thay thế cho Nghị định 174/2013/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bưu chính viễn thông, tần số vô tuyến điện. Mức hình phạt theo Nghị định này sẽ nghiêm khắc hơn, chế tài có thể lên đến 50 triệu đồng với hành vi đưa tin xuyên tạc và có nhiều chế tài đối với các hành vi của công dân trên không gian mạng quy định từ điều 80 đến điều 87 của Nghị định này.
Các chế tài về tội phạm công nghệ cao cũng được quy định thành một mục riêng trong Bộ luật Hình sự năm 2015: “Mục 2. Tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông”.
Vì vậy có thể nói rằng công cụ pháp lý để xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng tương đối đầy đủ, phương tiện kĩ thuật cũng như trình độ nghiệp vụ của cán bộ, tổ chức đấu tranh trên không gian mạng cũng ngày càng được nâng cao, đảm bảo an toàn tốt hơn trên không gian mạng.
Luật sư Đặng Văn Cường kiến nghị cần sớm thông tin minh bạch, xử lý những trường hợp cố tình khai báo gian dối, trốn tránh cách ly phòng dịch Covid-19 |
Cũng theo Luật sư Đặng Văn Cường, khi dịch bệnh truyền nhiễm Covid-19 gây ra thì việc đảm bảo thông tin an toàn trên không gian mạng lại càng quan trọng và cần thiết, tránh những tâm lý hoang mang, hoài nghi trong dư luận, ảnh hưởng đến công tác phòng và chống dịch bệnh.
Đối với vụ việc bệnh nhân số 21 bị nhiễm Covid-19 thì có một số thông tin cho rằng bệnh nhân này có vợ bé, con riêng và đã bị đưa đi cách ly... Nếu những thông tin này là sai sự thật thì sẽ gây ảnh hưởng đến uy tín cá nhân cũng như tình cảm, hạnh phúc gia đình bởi vậy bệnh nhân này hoặc người trong gia đình có quyền yêu cầu cơ quan chức năng vào cuộc xác minh làm rõ, xử lý những người bịa đặt thông tin theo quy định của pháp luật.
Tùy vào nội dung thông tin, tính chất mức độ, thái độ của người đưa tin và hậu quả xảy ra mà người đưa tin sai sự thật sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Cơ quan chức năng sẽ làm rõ động cơ mục đích của việc đưa tin sai sự thật, do hiếu kỳ, do thông tin chưa đầy đủ hay vì mục đích cá nhân. Nếu là thông tin nhằm mục đích xúc phạm danh dự nhân phẩm của người khác thì có thể xử lý về hành vi vu khống, nếu gây hậu quả nghiêm trọng thì sẽ bị xử lý hình sự về tội vu khống theo quy định của bộ luật hình sự.
Với thông tin của người phụ nữ đưa tin chung chung, nếu không nhầm mục đích xúc phạm danh dự nhân phẩm của người có liên quan, thông tin không ghi rõ tên tuổi, địa chỉ của ai thì chỉ có thể cảnh cáo hoặc xử phạt hành chính theo Nghị định nêu trên.
Với những người đưa tin sai sự thật mà nêu tên đích danh, nhằm mục đích xúc phạm nghiêm trọng danh dự nhân phẩm của người khác thì hành vi này cần phải lên án và cần phải xử lý bằng các chế tài của pháp luật. Nếu mức độ hậu quả chưa lớn thì xử phạt hành chính, còn ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội thì có thể xử lý bằng chế tài hình sự về tội làm nhục người khác, tội vu khống hoặc tội đưa chuyển dữ liệu trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông.
“Ngoài ra, để minh bạch thông tin, tránh trường hợp các đối tượng đưa tin giả, tin độc hại lên mạng xã hội về bệnh dịch Covid-19 thì các cơ quan chức năng cần có thông tin kịp thời, chính xác, đầy đủ, đúng thẩm quyền để người dân có được những thông tin chính xác về số ca lây nhiễm, người lây nhiễm và lịch trình, sinh hoạt của người nhiễm bệnh trước đó để người dân chủ động đề phòng, cách ly. Những trường hợp cố tình khai báo gian dối, trốn tránh cách ly phòng dịch bệnh Covid-19 thì phải có hình thức xử lý theo quy định của pháp luật đồng thời công khai danh tính để làm gương cho người khác”, Luật sư Đặng Văn Cường kiến nghị.